Số người tử vong do ung thư hằng năm của Việt Nam khoảng 82.000 trường hợp, tỉ lệ tử vong/ca mắc lên đến 73,5% - vào loại cao nhất thế giới (tỷ lệ bình quân của thế giới là 59,7%), ở các nước phát triển, tỉ lệ này là 49,4% và các nước đang phát triển là 67,8%, đều thấp hơn Việt Nam. Mỗi năm nước ta có thêm 110.000 ca mắc ung thư mới (số liệu thống kê của bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội).
Trong đó có 15 loại ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam là ung thư phổi, vú, đại tràng, trực tràng, dạ dày, gan, tiền liệt tuyến, tử cung/cổ tử cung, thực quản, buồng trứng, thận… Trong đó thường gặp nhất ở nam giới là ung thư phổi và nữ giới là ung thư vú, kế đến là đại trực tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến ở nam và ung thư tử cung, cổ tử cung ở nữ giới.
So sánh các địa phương, tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TP.HCM gấp 6 lần Hà Nội, nhưng ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TP.HCM. Nam giới TP.HCM mắc ung thư gan nhiều, nhưng nam giới Hà Nội mắc ung thư phổi nhiều hơn hẳn.
Tình trạng nạo phá thai nhiều cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư tử cung. Ảnh minh họa Internet. |
“Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nguồn nước, không khí bị ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa các chất bảo quản độc hại”, báo cáo trên đánh giá.
Đọc xong các thông tin trên, quý vị cảm thấy thế nào, còn người viết chỉ nghĩ “chắc bệnh này trừ mình ra”.
Lâu nay trên các chương trình tuyên truyền, chắc hẳn quý vị đã nghe rất nhiều những đánh giá, nhận xét đại loại như: người Việt ta vốn tính yêu thương đồng loại, thương người hơn cả thương thân, thích lo cho người khác trước khi nghĩ đến mình… thế nên, xảy ra tình trạng người Việt ít quan tâm tới sức khỏe bản thân, tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ rất thấp.
Thường khi có triệu chứng bệnh tật mới đi khám bác sĩ, lúc này thường đã giai đoạn bệnh nặng, mãn tính hoặc giai đoạn cuối.
Trong khi, với ung thư, biết sớm bao nhiêu cơ hội sống sẽ cao bấy nhiêu. Nói xuôi cũng phải nói ngược, nếu ai từng vào bệnh viện K mới thấy cái rào cản khám bệnh, có khi phải đợi cả ngày mới tới lượt khám, trong khi không phải ai cũng làm công chức nhà nước để có nhiều thời gian rảnh rỗi tới vậy để đợi được khám.
Nói tóm lại, người chết nhiều vì ý thức tự chăm sóc, tự bảo vệ tính mạng của người dân mình còn kém, thế mới thấy các vị lãnh đạo của chúng ta nhận xét quá đúng về dân mình. Vì vậy, lời khuyên cho quý vị, hãy là những “con bệnh” thông thái.
Ở TP. HCM tỷ lệ ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần Hà Nội, tại sao vậy nhỉ?
Theo một số tài liệu y học người viết tiếp cận được, hiện nay nguyên nhân gây bệnh ung thư tử cung chưa thật rõ ràng. Tuy nhiên, người ta thấy bệnh ung thư cổ tử cung liên quan đến những kích thích từ bên ngoài, như sinh hoạt tình dục sớm, sinh nở nhiều lần, nạo phá thai nhiều, nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.
Theo thống kê của bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM), riêng bệnh viện này hằng năm giải quyết gần 30 triệu trường hợp đến bỏ thai. Nếu tính cả nước, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên; Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới.
Đấy mới chỉ là số liệu thống kê được, còn những trường hợp nạo phá thai ở các phòng mạch tư, phòng mạch chui thì chưa thống kê được. Nếu nói về nguyên nhân do sinh nở nhiều lần, thì thực tế những cặp vợ chồng sinh 4, 5 con ở Việt Nam không hiếm.
Về ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TP.HCM. Chắc quý vị còn nhớ, năm 2012, cả nước rùng mình khi phát hiện áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ, gây ngứa, loét ngực cho người dùng. Sau đấy các nhà khoa học vào cuộc đi tìm chất lạ, kết quả là người thì nói chất lạ vô hại, người bảo chưa xác định, người lại cho rằng nó độc hại và có thể gây ung thư. Cũng phải nói thêm, Hà Nội gần Trung Quốc hơn TP. HCM, các chợ, cửa hàng ở Hà Nội cũng tràn ngập hàng hóa Trung Quốc.
Nam giới TP.HCM mắc ung thư gan nhiều, nhưng nam giới Hà Nội mắc ung thư phổi nhiều hơn hẳn. Ung thư gan có một nguyên nhân rất lớn là do uống bia, rượu nhiều, và thực tế từ “nhậu” cũng là từ thường dùng của người miền Nam, đấy là chưa kể tới mồi nhậu, rượu, bia ở TP. HCM giá cũng chỉ bằng nửa Hà Nội.
Nên nếu người TP. HCM nhậu nhiều hơn Hà Nội cũng là bình thường. Còn ung thư phổi, nó liên quan nhiều tới môi trường không khí ô nhiễm, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều. Có một chi tiết đặc biệt, người Hà Nội chủ yếu hút thuốc Vinataba, loại thuốc này có một thời đối mặt với thuốc giả, thuốc nhái từ Trung Quốc có giá chỉ vài chục ngàn đồng một cây, đã cạnh tranh trực tiếp với hàng thật.
Còn những loại ung thư khác liên quan tới đường ăn uống như dạ dày, đại tràng, trực tràng, thận… theo đánh giá của bệnh viện Bạch Mai, chủ yếu là do nguồn nước, không khí bị ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa các chất bảo quản độc hại, thực phẩm bẩn. Người viết xin không bình luận gì thêm, vì rốt cuộc cũng chỉ là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Theo Baodatviet