Cụ thể là đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh các trường khối văn hóa - nghệ thuật đã bỏ thi môn văn.
Ngay sau đó là sự việc học sinh trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương môn Sử sau khi biết môn này không có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp năm nay.
Học sinh vui mừng xé đề cương Sử bay trắng sân trường (ảnh từ clip) |
Với nhiều người hai sự việc trên quả thật là những biểu hiện rất đáng buồn của ngành giáo dục thậm chí là những hồi chuông báo động trước tình trạng dạy và học hiện nay... Tuy nhiên, với bản thân tôi, hai sự việc này lại phản ánh những thay đổi tích cực của ngành giáo dục nước nhà, hay nói cách khác là học sinh đã biết học một cách thực tế và biết lựa chọn những môn học cần thiết, đồng thời bỏ qua những thứ không thực sự hữu ích cho bản thân.
Chương trình học quá nặng đối với học sinh
Nếu mọi người có con em đang cắp sách đến trường, đặc biệt là học tập trong giai đoạn THPT đầy căng thẳng, hẳn mọi người sẽ hiểu được nỗi vất vả của con em mình.
Chỉ cần học hết kiến thức trong chương trình sách giáo khoa của các môn thi đại học đã đủ khiến cho học sinh đau đầu, đấy là chưa kể đến việc học thêm, học nếm để tăng thêm kiến thức cũng như phát triển tình thày trò ngày càng thân thiết, gần gũi. Vì vậy quả thật rất mệt mỏi và áp lực khi xã hội cứ suốt ngày yêu cầu học sinh phải học đầy đủ, ghi nhớ kiến thức của tất cả các môn.
Bản thân tôi là phụ huynh của một học sinh cuối cấp, áp lực của kỳ thi tốt nghiêp, kỳ thi đại học khiến cháu thường xuyên mệt mỏi, thậm chí nhiều khi đau đầu đến mức không thể ghi nhớ được kiến thức. Việc học thêm ngoài giờ chiếm rất nhiều thời gian của cháu, ngoài các môn thi đại học như toán, lý, hóa... cháu cũng được cho học thêm tiếng Anh tuần 3 buổi.
Có ngày chứng kiến con trai mệt đến nỗi không muốn ăn uống khi phải học thêm 3 ca liên tiếp vào buổi chiều và tối khiến tôi không khỏi cảm thấy lo lắng. Nhưng cho con nghỉ học các môn chính, môn thi đại học thì lại không thể.
Học thêm không những rất quan trọng trong việc tiếp thu kiến thức mà học sinh còn được giáo viên cho rèn luyện rất nhiều các dạng bài tập nhằm tạo điều kiện cho việc làm bài thi đại học sau này. Đấy là chưa kể đến việc học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm hay giáo viên phụ trách bộ môn trên trường để thầy cô "nhớ tên, nhớ mặt" và quan tâm để ý, tiện giúp đỡ trong việc học hành cũng như điểm chác.
Việt Nam giàu văn hóa nên không cần quá quan trọng đào tạo Văn, Sử và Giáo dục công dân
Vì vậy tôi không những tán thành việc học sinh ngành nghệ thuật được bỏ thi môn Văn, mà còn muốn đề xuất ý kiến bỏ hẳn việc học Văn, học Sử, thậm chí là Giáo dục công dân trong chương tình học phổ thông. Những kiến thức của bô môn này mà các em được học trong chương trình tiểu học cũng như THCS theo tôi là đã vừa đủ, không cần thiết phải có thêm trong chương tình THPT. Trong trường hợp chương trình học đã quá nặng như của học sinh PTTH thì rất nên bỏ.
Hơn nữa, nếu là học sinh thực tế các em sẽ dễ dàng nhận thấy việc học những môn này rất khó để tạo cho mình những công việc có thu nhập cao như các môn học của khối A, khối D...
Bên cạnh đó, xét trong trường hợp của môn Giáo dục công dân chúng ta hiện nay đang sống trong một xã hội hòa bình, ổn định và hạnh phúc (được ghi nhận là một trong những nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới) và quan trọng nhất là người Việt Nam dường như đang rất giàu văn hóa. Không chỉ những nền tảng văn hóa do cha ông ta để lại mà các số liệu thống kê cho thấy chỉ số văn hóa hiện tại của nước ta đang rất cao.
Việt Nam là đất nước rất giàu văn hóa nên không cần quá chú trọng đến các môn Văn, Sử GDCD trong chương trình nặng như THPT |
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 - 2010), phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã thu hút trên 90% gia đình tham gia, từ gần 8,7 triệu hộ được công nhận Gia đình văn hóa năm 2000, tới năm 2010 đã tăng lên hơn 16 triệu hộ (cả nước có tổng số hơn 22,6 triệu hộ gia), đạt tỷ lệ 70,8%.
Về phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, từ gần 18.000 làng (bản, thôn, ấp…) và tổ dân phố (khu phố, khu dân cư) văn hóa được công nhận năm 2000, đã tăng lên gần 58.300 đạt danh hiệu văn hóa năm 2010 (trên tổng số gần 87.000 làng, tổ dân phố trên cả nước), đạt tỷ lệ 67%. Đã có 1,2 triệu Người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp (trong đó cấp tỉnh trên 249.000 người, cấp huyện trên 239.000 người, cấp xã trên 712.000 người).
Một đất nước giàu văn hóa thì có lẽ việc giáo dục công dân, giáo dục con người không nhất thiết phải được thực hiện một cách hình thức thông qua sách vở, mà ý thức đã có sẵn từ trong bản thân mỗi con người.
Tôi đã đọc trên quý báo một bài phỏng vấn giảng viên trường ĐH Sư Phạm cho rằng "xã hội thực dụng không có chỗ cho môn Sử". Theo tôi, từ trường hợp của môn Sử chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật và có những hành động mang tính chất cách mạng như loại bỏ môn Văn, môn Sử và cả môn Giáo dục công dân trong giao dục THPT.
Theo Phunutoday