Ý thức dân tộc yếu?
Trao đổi với PV, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu chỉ qua việc học sinh ở một trường THPT xé đề cương mà nói là học sinh bây giờ ý thức dân tộc kém là hơi khiên cưỡng, không có căn cứ.
Dù vậy, qua câu chuyện này, ngành giáo dục phải chú ý giáo dục thêm cho các em ý thức về chủ quyền biển đảo, quốc gia, giáo dục thêm lòng yêu nước, tự tôn dân tộc và trách nhiệm bảo vệ đất nước.
“Tôi cho rằng hành động của các em chỉ là bột phát, là do ý thức coi trọng môn này, nhẹ môn kia và thói quen học để thi, coi thi là mục đích cuối cùng. Không nên coi hành động đó là biểu hiện của những yếu kém trong ý thức chủ quyền, dân tộc. Trong thực tế, tuổi trẻ hiện nay có nhiều người ý thức dân tộc tốt, tự tôn dân tộc cao, khi có điều kiện bảo vệ tổ quốc, họ luôn sẵn sàng”, ông Tiến nói.
"Học sinh trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương môn lịch sử - câu chuyện buồn của ngành giáo dục" |
Ông Tiến phân tích: “Dù môn nào cũng không được xé và ném như thế. Đề cương là tri thức, kiến thức, nhất là môn lịch sử như Bác Hồ nói “dân ta phải biết sử ta”. Nếu không thi thì cất đi để năm sau hoặc khi nào cần thì đem ra dùng.
Việc học sinh chỉ rình rình và tập trung học môn thi, coi thường những môn không thi là điều đáng lên án. Học là để rèn luyện xây dựng con người, lớn lên trở thành công dân toàn diện để cống hiến cho đất nước chứ không phải học chỉ để thi”.
Để thay đổi quan niệm học tập của học sinh, ông Tiến cho rằng, cơ quan quản lý nên nghiên cứu, thay đổi từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy để môn lịch sử hấp dẫn với người học.
“Phải có sự cải tiến từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy, làm sao phải khêu gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Ví dụ, với một ngày kỷ niệm nào đó nên triển khai theo hướng gợi ra cho em những vấn đề gì chứ không phải ngày nào đánh ở đâu, chết bao nhiêu quân...
Điều quan trọng nhất của môn lịch sử là ý nghĩa của sự kiện để gợi được tình yêu với môn học, thay vì đếm lên lớp bao nhiêu buổi, đọc giáo trình từ đầu đến cuối, học sinh chép lia lịa. Giáo viên, nhà trường nên tổ chức những cuộc thi kích thích trí nhớ, tính sáng tạo của học sinh hay những buổi trò chuyện với chuyên gia.
Làm sao để học sinh tự tìm đến với lịch sử thì sẽ hiệu quả sẽ hơn là bắt học sinh phải bị động tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, phải học thuộc lòng”, ông Tiến nêu vấn đề.
Lỗi của ngành giáo dục
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, hành động xé đề cương sử thể hiện sự "khuyết tật" trong nhân cách, sự kém văn hóa của học sinh. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nằm ở người lớn, ở đội ngũ giáo dục.
“Đây là câu chuyện buồn của ngành giáo dục. Việc xé đề cương sử là do đám học sinh này khuyết tật trong nhân cách, kém trong ứng xử văn hóa nhưng nguyên nhân sâu xa, cơ bản nằm ở người lớn, nằm ở những người có trách nhiệm trong giáo dục ở Việt Nam.
Nếu chỉ phê phán, chỉ trích học sinh ở TP HCM thì chúng ta chỉ thấy triệu chứng chứ không phải hướng vào nguyên nhân. Muốn trị bệnh phải chữa từ căn nguyên, chỉ chữa triệu chứng sẽ không hiệu quả”, tướng Cương nói.
Để tránh tái diễn sự việc đáng buồn này, tướng Cương cho rằng: “Muốn thay đổi lớp trẻ phải thay đổi người lớn, trẻ con như cái sản phẩm, cái khuôn hỏng thì sao sửa được hàng triệu cái bát méo. Phải sửa cái khuôn mới hy vọng ra sản phẩm tròn. Khuôn tròn vẫn có thể ra sản phẩm méo, khuôn méo không bao giờ ra sản phẩm tròn.
Cá nhân tôi không đồng tình việc không đưa môn sử vào thi tốt nghiệp trong khi hiểu biết lịch sử Việt Nam của học sinh phổ thông rất yếu, nhiều nhà khoa học đã kiến nghị phải củng cố môn sử và đưa vào chính thống. Cái này là hỏng, hỏng từ người lớn, từ tổ chức, từ lãnh đạo.
Tôi còn nhớ, cách đây 2-3 năm, trong vòng chung khảo cuộc thi Trần Đại Nghĩa dành cho học sinh THPT ở miền Nam, một số học sinh trả lời 3 tỉnh Đông Nam bộ là Thanh - Nghệ - Tĩnh. Đấy, ngay học sinh ở Nam bộ mà trả lời như vậy.
Hay trong cuộc thi tìm hiểu về Hoàng sa, Trường sa có một bài thi rất hay của sinh viên TP HCM nói đến thông tin của một cuộc điều tra xã hội nhỏ với 100 sinh viên, trong đó có 30 – 40% sinh viên không biết lịch sử cha ông ta bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa như thế nào, tranh chấp với ai.
Theo tôi, có mấy môn không thể bỏ qua là văn học, toán, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Nếu xếp thứ tự theo tầm quan trọng của các môn thi thì phải xếp như sau: văn, toán, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ. Đấy là 5 môn không thể thiếu trong các kỳ thi hết cấp, kể cả cấp tiểu học, THCS… Môn thứ 6 có thể chọn vật lý, hóa học, sinh học …”
“Một số năm trước, một vị Bộ trưởng ngành giáo dục đưa qua quy định “nói không với nói dối” nhưng thực hiện được đến đâu, bao lâu? Tất cả đều chạy theo thành tích, đều nói dối hết. Từ ông hiệu trưởng đến bộ trưởng đều thích thành tích thì học sinh cũng phải theo. Người học chỉ để thi thì là bi kịch.
Không thể chậm trễ, ngay sau kết thúc năm học này, phải có cuộc đại phẫu thuật, mời các nhà khoa học mổ xẻ tới nơi tới chốn ngành giáo dục ra xem nó hư chỗ nào, hỏng chỗ nào. Phải mổ xẻ đến tận cùng, mổ phanh ra chứ không thể nội soi được, phải nói thật với nhau thì mới có hy vọng nắn tròn được cái khuôn giáo dục”, ông Cương nói đến tính cấp thiết của cuộc "đại giải phẫu" ngành giáo dục.
Theo Kienthuc