Anh Minh Túy (Thanh Hóa) đã chia sẻ tường tận chuyện mình cùng con học Sử chật vật như thế nào. Qua đó cho thấy một thực trạng đúng như GS Phan Huy Lê nói: "Sách giáo khoa bậc phổ thông hiện nay chẳng khác gì là tóm tắt sách người lớn rồi bắt trẻ con phải học. Dạy Sử và học Sử như thế thì trẻ em chán là phải".
Gần đây dư luận xôn xao về việc học sinh một trường THPT đồng loạt xé đề cương môn Lịch sử. Người ta đã thống kê những con số đầy sức thuyết phục về cái sự yếu kém của học sinh khi học môn này.
Tại sao một môn học không đòi hỏi tư duy nhiều như môn Toán, không yêu cầu phải có chút năng khiếu như môn Văn, những học sinh dự thi đã được chọn lọc theo khối, mà tình hình lại bi đát đến vậy? Tình cờ, do công việc phải tiếp cận đến với môn học này, tôi nghiệm ra một điều: Học Sử khó ghê.
Cảnh ném đề cương môn Sử từ trên các tầng lầu dãy nhà A trường THPT Nguyễn Hiền (ảnh chụp lại từ video clip). |
Cùng con học bài
Tôi vẫn thường nhắc cháu: Học cốt nhớ lấy ý, chứ học thuộc lòng theo kiểu học vẹt thì không sao nhớ (hoặc không nhớ lâu), trừ học thơ. Thế nhưng, khi cùng ngồi học với con, mới thấy nhớ ý trong học môn Lịch sử không hề dễ.
Bài đầu tiên tôi học cùng con là “Nước Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê”, mục II. Sự phát triển kinh tế và văn hóa (chương trình lớp 7). Phần này có 2 tiểu mục: 1. Bước đầu xây dựng nền kinh tế tự chủ; 2. Đời sống xã hội và văn hóa.
Bố con tôi bắt đầu học rồi lần lượt tìm ra các ý chính sau:
* Tiểu mục 1. Bước đầu xây dựng nền kinh tế tự chủ có các ý sau:
Về nông nghiệp:
+ Thời Đinh - Tiền lê, ruộng đất thuộc sở hữu của làng. Nhân dân được chia ruộng để sản xuất.
+ Nhà vua khuyến khích nghề nông, hàng năm nhà vua thường tổ chức cày tịch điền...
+ Chú trọng công tác thủy lợi.
+ Khuyến khích khai hoang.
+ Khuyến khích trồng dâu nuôi tằm.
- Về tiểu thủ công nghiệp:
+ Xây dựng các xưởng thủ công của nhà nước chế tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu của vua quan: đúc tiền, rèn vũ khí, may mũ áo...
+ Trong nhân dân phát triển các nghề truyền thống như: dệt lụa, kéo tơ, nghề gốm, làm giấy...
Về thương nghiệp:
+ Đúc tiền lưu thông trong nước.
+ Buôn bán với nước ngoài.
+ Có nhiều trung tâm buôn bán lớn.
Ngoại giao: Quan hệ bang giao với nhà Tống...
* Sang tiểu mục thứ 2. Đời sống xã hội và văn hóa. Bố con tôi cũng tuần tự lượm ý như vậy, được trên 10 ý nữa.
Học xong, cu Tí nói: "Ý thì ý nhưng khó nhớ lắm bố ạ. Cứ lẫn lộn linh tinh". Tôi cứ băn khoăn mãi, khoảng một tuần sau, một tháng sau, bài học hôm nay trong đầu cháu còn được mấy ý, trong khi chấm thi, kiểm tra, giáo viên cứ phải tìm ý mà cho điểm.
Nghe cô giáo giảng
Đang băn khoăn với việc hiện nay giáo viên đổi mới phương pháp trong dạy môn Lịch sử như thế nào, thì rất may vừa qua tôi được đi dự một bài thao giảng của một giáo viên. Hôm ấy giáo viên dạy bài "Các nước châu Á" (lớp 9). Bài này có 2 mục lớn:
I. Tình tình chung. Phần này giới thiệu tình hình chung của các nước châu Á từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là tình hình kinh tế, xã hội những năm gần đây.
II. Phần II. Trung Quốc. Phần này có 4 tiểu mục: 1. Sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; 2. Mười năm đầu, xây dựng chế độ mới (1949-1959); 3. Đất nước trong thời kỳ biến động (1959-1978); Công cuộc cải cách mở cửa (từ năm 1978 đến nay).
Cảm giác đầu tiên của tôi khi giáo viên dạy xong bài này là: Cả cô và trò vừa chạy xong một cuộc chạy maraton cấp quốc tế. Một giáo viên dạy Sử kỳ cựu ngồi bên tâm sự: "Dạy môn Sử bài dài lắm, đi sâu phân tích, liên hệ, mở rộng là cháy giáo án liền".
Đúng thế thật, cô đã “đi” rất nhanh, không dám liên hệ thực tế, mặc dù những thông tin về Trung Quốc lúc nào cũng rất sẵn trên báo chí, nhất là Đại hội Đảng của họ vừa thành công. Bất giác tôi nhớ lại ngày xưa việc mình học môn Lịch sử cách đây gần 40 năm. Có một điều rất giống nhau là giáo viên luôn sợ cháy giáo án.
Thực ra thì trước đây, cô dạy chúng tôi luôn để giáo án bị cháy. Một thời gian sau, rút kinh nghiệm, cứ vào lớp là cô đọc cho chúng tôi chép. Chép xong cô mới lần lượt giảng từng phần. Nếu gần hết giờ, cô giảng nhanh hơn. Như vậy không bao giờ cháy giáo án.
Quay lại bài dạy trên, ở đây, giáo viên đứng trước 2 sự lựa chọn: Nếu liên hệ thực tế để bài giảng phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, thì không đủ thời gian; nếu chỉ chạy theo những gì ghi trong sách giáo khoa thì học sinh tự đọc bài cũng nắm được kiến thức, không cần phải giảng giải thêm. (Ở đây tôi xin không bàn đến việc giáo viên nắm bắt thời sự, sưu tầm tư liệu để bổ sung cho bài giảng ở mức độ nào).
Vài ý còn vương vấn
Giá như sách viết gọn lại, chỉ còn 60% lượng kiến thức trong bài, để thời gian cho giáo viên liên hệ thực tế, bổ sung những số liệu mới mang tính thời sự, kể thêm một số chuyện, chắc chắn bài học sẽ hấp dẫn học sinh hơn. Cùng với đó là thay đổi cách ra đề kiểm tra, chỉ yêu cầu học sinh nhớ các sự kiện chính, không bắt nhớ máy móc (đến tiến sĩ môn Lịch sử cũng không nhớ hết được ngày tháng, chi tiết các sự kiện mà khi cần phải tra cứu).
Lâu nay tôi cứ nghĩ học Sử không khó. Nhưng mà, sách giáo khoa viết như thế, giáo viên phải như thế, học sinh phải học như thế, thì các em thích học Lịch sử và được điểm cao mới là... lạ.
Theo GDVN