Đề xuất lấy comple, áo dài làm lễ phục nhà nước

Thứ sáu, 19/04/2013, 11:17
Cho rằng vẻ mạnh mẽ của bộ comple và nét mềm mại, dịu dàng của áo dài là sự kết hợp của hiện đại và truyền thống, GSTS Trần Ngọc Thêm đề nghị nên xem 2 bộ trang phục này là lễ phục nhà nước.

"Lễ phục ngoại giao Việt Nam hợp lý nhất là bộ comple dành cho nam và áo dài dành cho nữ", GS TS Trần Ngọc Thêm (ĐH KHXH&NV TP HCM) nêu quan điểm tại hội thảo "Lễ phục nhà nước" tổ chức ngày 17/4 ở TP HCM.

"Nếu không kể đến sự bất tiện của thời tiết thì vẻ mạnh mẽ, khỏe khoắn của bộ comple và nét mềm mại, dịu dàng của bộ áo dài là một sự kết hợp rất tuyệt vời", ông Thêm nhận định và cho rằng việc chọn 2 trang phục làm lễ phục ngoại giao chỉ là chính thức hóa một hiện thực hiện hữu.

Để các nhà ngoại giao có thêm bộ trang phục thể hiện bản sắc dân tộc, GS Thêm đề nghị cần chọn thêm trang phục truyền thống. Đó có thể là áo dài (có thể có khăn đóng) dành cho nam đi cùng với áo dài dành cho nữ. "Tất nhiên, cũng cần nghiên cứu và quy định một số tiêu chuẩn để trang phục truyền thống được đúng theo quy chuẩn chung", ông Thêm nói thêm.

le phuc

Nhiều người cho rằng nên chọn áo dài dành cho nữ và áo dài khăn đóng cho nam làm lễ phục nhà nước vì mang đậm truyền thống dân tộc. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng quan điểm, nhưng theo bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) lễ phục ngoại giao có thể hơn một, không nên cứng nhắc vì còn tùy vào tính chất công việc. "Như việc trình quốc thư là thay mặt Nhà nước, là nghi lễ quan trọng nhất của công tác ngoại giao thì phải mặc trang phục dân tộc", bà Ninh nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên (Phó hiệu trưởng ĐH Kiến trúc TP HCM) cho rằng áo veston đi đôi với áo dài truyền thống là không thể chấp nhận được. "Làm như vậy là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, kết hợp Đông Tây lẫn lộn", ông Tiên nói.

Theo PGS Tiên, việc nam mặc veston, nữ mặc áo dài trong mọi cuộc họp từ trong nước tới ngoại giao, trong mọi ngày lễ lạt truyền thống thể hiện sự nghèo nàn về nghệ thuật. Việc lễ phục nhà nước chưa được chú trọng trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam hiện nay khiến người dân thấy chưa thuận mắt, khó có thể khích lệ lòng tự hào dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

"Nên dùng áo dài khăn đóng làm lễ phục trong các ngày lễ hội truyền thống của quốc gia, lễ hội tín ngưỡng văn hóa dân tộc, biến thể như thế nào thì tùy để cho phù hợp", ông Tiên đề xuất.

Vị PGS cũng cho rằng, lễ phục nhà nước phải vừa mang tính truyền thống vừa hiện đại. Làm sao để người trong và ngoài nước đều kính trọng thích thú và nhận ra ngay mình là người Việt Nam chứ không được đi vay mượn. Khi sử dụng veston và áo dài trong lễ phục ngoại giao, hội nghị thì cần cải tiến chi tiết, chất liệu và biến thể của áo cùng chất liệu vải cho phù hợp tùy mùa. Không thể để nguyên xi veston của phương Tây phối hợp cùng áo dài.

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tất cả ý kiến đóng góp của các nhà văn hóa và chuyên gia sẽ được tập hợp để trong tháng 5 tới sẽ xây dựng được đề án lễ phục nhà nước mà Chính phủ đã giao. Ngày 18/4, Bộ này sẽ tiếp tục tổ chức một hội thảo với nội dung tương tự tại Đà Nẵng.

Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn