Chuyện phong bì là do bệnh nhân... làm hư ngành y tế

Thứ sáu, 19/04/2013, 15:27
"Tôi cam đoan 99% bác sĩ không ai nhận phong bì trước và trong khi điều trị. Còn khi mổ đẻ xong, nếu người nhà có phong bì cảm ơn, chúng tôi có quyền cho phép nhân viên nhận" - Ông Vũ Bá Quyết - PGĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói về việc đồng ý cho bác sĩ nhận phong bì sau khi điều trị của Bộ trưởng Bộ Y tế vừa qua.

Quá tải thì khó thân thiện

Mới đây, Bộ Y tế khẳng định sẽ thay đổi phong cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân theo hướng lịch sự, thân thiện, tận tình, mở lớp tập huấn để đạt được nhưng mục tiêu này. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực để thân thiện này của ngành Y tế?

-  Xuất phát từ những vụ kiện cáo chủ yếu liên quan đến thái độ, tinh thần mà Bộ Y tế đã đưa ra hướng thay đổi này.

Nhưng, thực tế lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hãy thử ví dụ, nếu một ngày mỗi bác sĩ chỉ phải khám cho khoảng 10 bệnh nhân thì họ  có thể nói chuyện, hỏi han, chia sẻ. Nhưng nếu số bệnh nhân lên tới 30 người thì thử hỏi sức đâu để bác sĩ vừa khám xét, vừa trò chuyện chia sẻ.

Hay nếu phân cho mỗi bác sĩ 5 bệnh nhân trên 5 giường thì hẳn bệnh nhân nào cũng được quan tâm chăm sóc chu đáo. Nhưng 5 giường có tới15 bệnh nhân, kéo theo 15 người nhà chăm sóc thì mọi thứ đều quá tải. Ngay nhà vệ sinh cũng phải tranh nhau, giường nằm cũng phải co kéo...  đương nhiên dẫn tới những cáu gắt, không hài lòng.

Phía bệnh nhân, đặc biệt là người nhà, thường vì quá lo lắng tới tình trạng của mình lại không chia sẻ, cảm thông. Vì thế những thứ mâu thuẫn mới phát sinh.

phong bi

Phát hiện bác sĩ đòi tiền sẽ đuổi việc

Có phải vì vậy mà mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đồng ý cho bác sĩ nhận phong bì sau khi điều trị?Cũng có ý kiến cho rằng, vì bất lực trước chuyện nhận phong bì của y, bác sĩ nên Bộ trưởng đành phải mở đường cho chuyện nhận bồi dưỡng một cách công khai, minh bạch, tránh việc người dân bệnh nhân dúi phong bì vào túi bác sĩ, bác sĩ quá tải mà khó chịu với bệnh nhân, ông nghĩ sao về điều này? 

- Từ trước tới tới nay, chỉ đạo từ Bộ trưởng tới ban giám đốc luôn thông suốt với tinh thần tuyệt đối phê phán rất mạnh chuyện nhận và đưa phong bì. Nếu phát hiện thông tin về việc đưa và nhận phong bì trong quá trình điều trị, bệnh viện sẽ gọi người nhà lên làm rõ. Nếu thực sự xảy ra chuyện bác sĩ nhận phong bì trong quá trình điều trị thì bác sĩ sẽ bị đuổi việc ngay. Điều đó là tuyệt đối bị cấm.

Đặt vào vị trí của một bệnh nhân vừa vào viện mổ sinh, mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh bạn sẽ làm gì? Không phải tất cả đều cảm ơn, nhưng những bệnh nhân có tấm lòng rất tốt, họ còn tìm đến tận nhà để đưa phong bì, chai rượu, cân cam... cảm ơn. Những cái đó chúng tôi có thể mở với bệnh nhân.

Hiện tại, chúng tôi đã có nhiều dịch vụ công khai để tránh tình trạng cò kéo, ví dụ: sinh dịch vụ, khám nhanh, làm thủ tục dịch vụ... Bệnh nhân có quyền được lựa chọn, dịch vụ cao hơn nhưng dịch vụ cao hơn, nhanh hơn.... Đó là cách để giải quyết nhanh, chống tiêu cực, chống phong bì.

phong bi

Bộ trưởng Y tế đang mở cửa sau cho nạn phong bì

Xã hội minh bạch thì đã không có chuyện phong bì

Nhiều ý kiến cho rằng việc bác sĩ nhận phong bì đó là do lương của y bác sĩ quá thấp so với mặt bằng giá cũng như công sức lao động mà mỗi nhân viên y tế bỏ ra.  Ông nghĩ sao về điều này?

- Về lương y tế, tôi lấy ví dụ, trước tôi có mổ cho một bệnh nhân là người nhà của một lãnh đạo Bộ Y tế. Chính vị này đã than với tôi rằng, chỉ ngồi chờ ở ngoài thôi cũng mệt không chịu nổi. Tôi đã nói, vậy mà Bộ trả lương cho chúng tôi có 50.000/ngày. Vậy mà chúng tôi vẫn phải làm.

Thang lương quá thấp, so với khối lượng công việc quá lớn, lại thêm trách nhiệm, áp lực tâm lý. "Đứa cháu tôi học nước ngoài về làm công ty nước ngoài, lương một tháng mười mấy triệu, mấy chục triệu trong khi đó bác sĩ chúng tôi học bao nhiêu năm về lương tháng được khoảng hơn 3 triệu.

Đó là nghịch lý mà ai cũng biết. Đó cũng là nguyên nhân khiến bác sĩ bị lôi cuốn vào những cám dỗ, dễ có cơ hội làm tiền. Nhưng cái ác của người dân là hôm nay "cho" bác sĩ tiền thì ngày mai lại đi kể tôi "phải" bỏ tiền để được khám.

Có ý kiến cho rằng, việc nhận phong bì cũng chính là một nguồn thu nhập mà người dân cố gắng bù đắp lại cho bác sĩ. Và nếu như vậy, sẽ xảy ra một vấn đề là: người dân đóng thuế cho nhà nước để trả lương hệ thống y tế nhưng vẫn phải trả thêm tiền (bằng hình thức phong bì sau khi khám chữa bệnh) để bù đắp cho phần thu nhập thiếu hụt (vì chưa được nhà nước trả công xứng đáng) của bác sĩ. Điều này có đúng không thưa ông? Quan điểm của ông như thế nào?

- Không ai tạo điều kiện để bác sĩ đi nhận phong bì cả. Có chăng là bệnh viện tạo điều kiện cho các bác sĩ làm thêm ở ngoài để cải thiện thu nhập, mở khám dịch vụ, khám ngoài giờ. Còn chuyện đưa, nhận phong bì là do chính bệnh nhân làm hư nhân viên y tế, vì tâm lý không muốn phải chờ đợi, xếp sổ, nên có tâm lý làm chui, làm nhanh mà dúi tiền cho bác sĩ.
 
Cho rằng người dân phải trả thêm tiền bù lương cho bác sĩ là không đúng. Chúng tôi vẫn đang cố gắng để bệnh nhân không phải mất thêm khoản tiền nào khác ngoài tiền khám và thuốc men. Nếu có chuyện bác sĩ mơi tiền bệnh nhân, đòi phong bì thì đó mới là hiện tượng cần lên án.

Bộ Y tế, bệnh viện không quy định, hay có suy nghĩ lấy phong bì cảm ơn là để bù đắp thu nhập thấp của bác sĩ. Đó là tấm lòng của bệnh nhân và chúng tôi không có quyền can thiệp.

Nếu như vậy, liệu lời thề Hypocrates mà mỗi bác sĩ tuyên thệ "sẽ tránh mọi điều xấu và bất công, suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết" còn có ý nghĩa?

- Nếu cả xã hội minh bạch thì chắc chắn không còn có chuyện phong bì.

Tôi chưa nghe ai nói chuyện mở đường công khai, minh bạch. Nói vậy, nhưng trong ngành y luôn đặt nhiệm vụ chữa trị lên hàng đầu, không đặt chuyện phong bì. Ban giám đốc bệnh viện cũng có những quy định, kỷ luật rất nghiêm khắc, nếu phát hiện sẽ đuổi việc.

Tôi dám đảm bảo, ở viện tôi, nếu đưa phong bì trước khi mổ đẻ thì 99% không dám nhận. Còn khi mổ đẻ xong, nếu người nhà có phong bì cảm ơn chúng tôi có quyền cho phép nhân viên làm như vậy. 

Chi 2 USD không thể phục vụ như 20 USD

Một vấn đề khác cần phải được đặt ra là chất lượng dịch vụ y tế. Người dân luôn nghe tới điệp khúc, tăng viện phí để đảm bảo chất lượng nhưng cho tới thời điểm này, viện phí đã tăng một vài lần mà chuyện bệnh viện bẩn thỉu, giường ghép... Cứ cho rằng người dân sẵn sàng phụ nhà nước đảm bảo đời sống cho bác sĩ, vậy thì ai sẽ đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân?
 
-  Hãy thử hình dung, nếu nhà bạn chỉ có 2 người khách thì mọi thứ dễ sắp xếp ổn thỏa. Nếu có đến 10 người khách thì chắc chắn mọi thứ sẽ bị đảo lộn, bẩn thỉu, giường chiếu lộn xộn, thiếu chỗ ăn, chỗ ngủ...

Nếu quy định có 70 bệnh nhân nhưng có lúc lên tới 140 bệnh nhân, thậm chí còn nhiều hơn nữa thì mà chúng tôi vẫn phải nhận, chẳng lẽ lại đẩy bệnh nhân ra ngoài đường. Do vậy, bác sĩ phải căng sức ra làm, căng sức để đảm bảo giữ thương hiệu, uy tín cho bệnh viện cũng như uy tín cho ngành y tế để hạn chế xảy ra những sai sót. Hơn nữa, không thể khám ở nước ngoài 20 USD mà cũng bắt chúng tôi phải phục vụ với chất lượng như vậy chỉ với 2 USD.

Giả sử tôi có thể làm việc quá giờ, nhưng còn cả một ê kíp. Hơn nữa, sức người cũng không thể phục vụ ngày nào cũng như vậy được.

Mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam (VN) ra nước ngoài chữa bệnh, tốn chi phí lên đến hơn 2 tỉ USD, mặc dù nhiều bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị ở trong nước. Nhiều người cho rằng, bác sĩ giỏi trong nước không ít nhưng chuyên môn, y đức và cả cơ sở vật chất khiến bệnh nhân không an tâm khi điều trị và chăm sóc toàn diện. Ông thấy thế có đúng không? 

- Tôi có thể nói, chất lượng y tế Việt Nam đang được nâng cao, có thể sánh ngang các nước trong khu vực. Yêu cầu bệnh nhân ở VN cũng đòi hỏi rất cao. Ngay tại bệnh viện tôi, cũng có những bác sĩ đầu ngành, kỹ thuật hiện đại. Thậm chí bác sĩ nước ngoài còn phải đến học hỏi chuyên môn, nghiệp vụ tại bệnh viện chúng tôi.

Tôi cho rằng, có rất nhiều bệnh trong nước vẫn chữa được nhưng người dân vẫn đổ ra nước ngoài, như vậy là một sự lãng phí không cần thiết. Tất nhiên, bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh bởi vì họ có tiền, có điều kiện, họ có quyền lựa chọn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích