Kết hôn đồng tính: Người trong cuộc nói gì?

Thứ sáu, 19/04/2013, 15:59
 Trước đề xuất cho phép người đồng tính kết hôn, những người đồng tính đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Vấn đề chấp nhận cho người đồng tính vừa được đề xuất đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đại diện của các Ban, Bộ, Ngành lên tiếng phản đối khi cho rằng, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân.

Đây cũng là một trong những vấn đề xã hội nhạy cảm liên quan đến quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn đồng tính như quy định hiện hành. 

dong tinh

Vẫn còn nhiều ý kiến phản đối việc công nhận kết hôn đồng tính (ảnh: internet)

 
Nhiều người đồng tính khi biết được những ý kiến phản đối trên đều tỏ ra rất lo lắng, tuy nhiên họ có thêm hy vọng khi Bộ Y tế cho rằng cần chấp nhận hôn nhân đồng tính vì đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng: “Đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn… có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội”.
 
Trao đổi với PV, một số người đồng tính đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Họ cho rằng, việc cho người đồng tính được quyền kết hôn là việc làm cần thiết bởi người đồng tính cũng là con người, cũng phải được hưởng những quyền như mọi người bình thường khác.
 
Ủng hộ Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, anh Nguyễn Văn Dũng – nhân vật chính trong cuốn Tự truyện Bóng – nhóm Tự lực Thông Xanh, cho biết: “Tôi rất mừng về điều này, đây là một quyết định sáng suốt và đảm bảo công bằng. Nó là tin mừng cho người đồng tính nói riêng và cộng đồng nói chung”.
 
Anh Dũng chia sẻ: "Thực tế người đồng tính vốn đã mang trong mình nhiều mặc cảm, chịu nhiều áp lực cuộc sống mà xã hội đem lại. Là người đồng tính, nhiều lúc chúng tôi cảm thấy cô đơn, thậm chí là những số phận bất hạnh. 

Bất hạnh vì chúng tôi sinh ra như những người bình thường, chỉ khác duy nhất ở chỗ chúng tôi có khuynh hướng luyến ái khác mọi người. Và đó là nguồn gốc của mọi khổ đau. 

Bất hạnh vì yêu mà không bao giờ được đáp lại, chúng tôi hy sinh mà không bao giờ được bù đắp, chúng tôi khao khát mà không bao giờ được thỏa mãn, cuối cùng phải chấp nhận một cuộc sống diệt dục. 

Bất hạnh vì không được (và không dám) sống với đúng con người thật của mình. Chúng tôi phải giấu giếm, kiềm chế, thậm chí đè nén bản thân. Và khi không giấu nổi, hoặc không muốn giấu nữa, chúng tôi sẽ vấp phải sự kỳ thị rất vô hình của đồng loại - những cái nhìn tò mò, ghê sợ, thương hại...

Bất hạnh vì chúng tôi cô đơn suốt đời. Chúng tôi lủi thủi từ khi còn là những đứa trẻ bị trêu chọc, dò xét, uốn nắn, kìm kẹp, sửa đổi. Chúng tôi sống thu mình khi là những thanh niên đầy sức sống, đầy khao khát yêu thương bị nén lại. Chúng tôi cô độc khi đầu đã bạc, nhìn xung quanh thấy bè bạn cùng trang lứa đều đã con đàn cháu đống”.

dong tinh

 Anh Dũng cho rằng, cho phép người đồng tính kết hôn là việc làm cần thiết

 
Có những người chịu không nổi sự cô đơn và kỳ thị đã dẫn đến những hành động sống buông thả, sa chân vào con đường tệ nạn và thậm chí bị mang "bệnh thế kỉ" cũng từ đó. Cuộc sống không có hôn nhân, tình yêu không có sự công nhận và đảm bảo của pháp luật thì chỉ dẫn vào sự bế tắc và mệt mỏi. 

Tôi cũng có lúc không muốn sống. Tôi muốn những người đồng tính chúng tôi làm được nhiều hơn nữa những việc có ích cho cuộc đời này. Để giúp chúng tôi làm được việc đó thì mong rằng xã hội sẽ nhìn nhận chúng tôi đúng đắn hơn, thông cảm hơn, nhân ái hơn. Và một khát vọng không nguôi là tôi vẫn tin mình sẽ có được một gia đình hạnh phúc như những người bình thường khác. Dù đấy chẳng phải một điều đơn giản.
 
Ở Việt Nam hiện nay, định kiến và kỳ thị người đồng tính vẫn còn nhiều do nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là do sự hiểu biết thực sự về người đồng tính vẫn còn hạn chế và có nhiều sai lệch. Thực tế, người đồng tính vẫn thực hiện và hưởng đầy đủ trách nhiệm xã hội như mọi công dân bình thường khác”.
 
Nguyễn Phi H, mọi người thường gọi là Han (sn 1994), hiện đang học Đại học Văn hóa Hà Nội, bày tỏ: “Tôi vui mừng và rất ủng hộ việc cho phép kết hôn đồng tính. Từ trước đến nay, hạnh phúc với một người bình thường là một vợ một chồng, chung sống làm ăn thì với người đồng tính luôn là một ước mơ xa vời. Bây giờ nếu thực sự được pháp luật công nhận kết hôn đồng tính thì có lẽ chúng em có thể dự tính nhiều điều tốt đẹp cho tương lai”.
 
Han cho biết: "Tình yêu giữa hai người đồng tính cũng cứ thế diễn ra êm đềm như bao người bình thường khác, họ cũng hôn, cũng tỏ tình, cũng gắn bó, cũng tay trong tay tình tứ, cũng quan tâm nhau những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống. Chỉ có điều ở chốn đông người họ lại phải tránh những ánh mắt nhòm ngó xung quanh, vì thực tế xã hội vẫn chưa hoàn toàn công nhận sự tồn tại của “thế giới đồng tính”.

dong tinh

Han (áo xanh) cho rằng, xã hội nên thực hiện quyền con người với người đồng tính.

Bản thân tôi luôn công khai giới tính của mình để “là chính mình”. Mặc dù có thời điểm đã bị bạn bè dè bỉu, chế nhạo nhưng tôi vẫn phải nỗ lực học tập, hoạt động xã hội tích cực. Tất cả chỉ với một hy vọng: “Xin hãy chấp nhận tôi là người đồng tính". 

Nhận thức về người đồng tính trong những năm qua ngày càng tiến bộ, từ kỳ thị, dè bỉu đến nay đã chấp nhận và tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng. Thậm chí hiện nay những người này sống như thế nào, muốn sống với ai xã hội cũng ít quan tâm đến.

Nếu họ nói có quyền kết hôn thì họ cứ kết hôn với nhau, xã hội đâu ngăn cản. Tôi nghĩ những người đồng tính thực sự nếu họ yêu nhau thì họ sẽ sống với nhau mà không cần ai chia sẻ, không cần xã hội thừa nhận và cũng không cần đăng ký kết hôn. 

Nếu việc người đồng tính tìm kiếm hạnh phúc tương lai là “đua đòi, biến thái” như nhận định của một số người thì đáng buồn quá. Mọi người đều có quyền ý kiến riêng, nên hay không nên thì xin mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng mang những tội lỗi của thiểu số mà quy chụp cho chúng tôi. Xin hãy đặt mình vào hoàn cảnh của chúng tôi để hiểu giùm việc chúng tôi tìm hạnh phúc cho riêng mình có gì là quá đáng”.

Theo Kienthuc

 

Các tin cũ hơn