‘Tôi không nói cho nhận phong bì sau điều trị’

Thứ sáu, 19/04/2013, 21:33
Đó là trả lời đại biểu quốc hội của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề về lĩnh vực y tế.

Ngày 18/4, tại buổi làm việc thứ 4 phiên họp toàn thể thứ 5 Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục giải trình về kết quả đầu tư từ trái phiếu chính phủ 2008-2012 cho y tế và kết quả thực hiện nghị quyết 40/2012 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13.

phong bi

Tại phiên họp, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) rất băn khoăn về giá thuốc ở Việt Nam. Theo ông Phong, Ấn Độ đã tổ chức đấu thầu thuốc quốc gia, Việt Nam thì địa phương nào đấu thầu địa phương ấy mà địa phương nào cũng có “sân sau”, nên cùng một loại thuốc mà mỗi nơi một giá.

Đại biểu Phong cũng cho rằng chất lượng khám chữa bệnh hiện chưa tương xứng với giá dịch vụ y tế đã điều chỉnh bởi phong cách phục vụ, sự phân biệt đối xử... “Vừa rồi tôi thấy Bộ trưởng có nói không nhận phong bì trước và trong khi điều trị, còn phong bì khi khám chữa bệnh xong thì cho nhận. Tôi rất băn khoăn chỗ này, không biết nhận trước hay sau thì khác nhau chỗ nào”, đại biểu Phong chất vấn.

Trả lời đại biểu Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị”.

Cũng theo bà, Bộ Y tế đã đề xuất đấu thầu quốc gia nhưng chưa được Chính phủ và các ngành chức năng cho phép, hiện đang thực hiện đấu thầu tại tỉnh và bệnh viện trực thuộc Bộ tổ chức đấu thầu riêng. Thông tư 01 về đấu thầu thuốc vào bệnh viện đã có hiệu lực thực hiện và đã giúp kiểm soát giá thuốc tốt hơn quy định cũ, theo bà Tiến “tới mức khiến các doanh nghiệp dược không vui”.

Về băn khoăn chất lượng dịch vụ y tế chưa tương xứng với viện phí sau điều chỉnh, bà Tiến cho biết: “Chưa tương xứng ở thời điểm mới điều chỉnh, còn nay đã có nhiều đổi mới rồi. Tuy nhiên điều này không thể một sớm một chiều, vì đặt một cái giường có khi phải mất cả tháng!”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2008-2012, từ nguồn trái phiếu chính phủ từ năm 2008-2012 có 760 dự án y tế được xây dựng, trong đó có 594 bệnh việnhuyện, trung tâm y tế, 51 bệnh viện đa khoa tỉnh và 115 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, lao, nhi.

So với dự toán ban đầu, đầu tư vốn cho bệnh viện tuyến tỉnh chỉ đạt 30% nhu cầu, tính chung cả bệnh viện huyện và tỉnh đầu tư đạt 50% nhu cầu. Do vốn được cấp thấp hơn nhiều so với nhu cầu nên có hiện tượng nhiều bệnh viện ở Điện Biên, Nghệ An... chỉ xây được phần vỏ, không có trang thiết bị đi kèm. Thậm chí có bệnh viện500 giường nhưng nhân lực chỉ đủ cho 150 giường, đầu tư trở thành lãng phí.

Tuy nhiên theo bà Tiến, nhờ nguồn vốn quan trọng này, nhiều bệnh viện huyện, tỉnh, đại học y khoa đã được thay đổi cả về cảnh quan, kiến trúc, công năng, so với năm 2009, tổng số lượt khám chữa bệnh, phẫu thuật, thủ thuật, thăm dò chức năng... tại bệnh viện tuyến tỉnh và huyện năm 2011 đều đạt 118-324%.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích