Theo bà, “Lễ phục quốc gia với nữ, theo tôi, sẽ không có bài toán lựa chọn nào hơn là áo dài. Tôi ủng hộ nên có biến tấu sáng tạo chứ không phải sự đóng khung mới là dân tộc, nhưng cũng phải thừa nhận có giới hạn nhất định dù rất khó quy định điều này. Sách vở không nói nhưng kiến thức nền tảng văn hóa của mỗi người sẽ định giá được thẩm mỹ của chính họ trong cách lựa chọn lễ phục khi giao tế”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Ảnh: C.K. |
* Đã không ít lần một chiếc túi LV lạc lõng nào đó trên tay một phu nhân cấp cao của ta gây xôn xao đáng kể với cộng đồng người Việt khi quan chức VN đang hoạt động ngoại giao. Chúng ta có những người tư vấn về trang phục cho quan chức khi hoạt động ngoại giao chưa, thưa bà?
- Phải nói thật là ngành ngoại giao của mình đang từng bước chính quy hóa. Chưa nói đến chuyện lễ phục, tôi đã từng thúc đẩy Bộ Ngoại giao nước ta đặt vấn đề sao cho mỗi buổi tiệc chiêu đãi ở các sứ quán VN, chén đĩa của chúng ta dùng phải có quốc huy. Cái này nhiều nước đã làm và ngành đồ sứ mỹ nghệ của chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Trang phục cũng cùng một vấn đề như vậy.
Chúng ta có Vụ Lễ tân lo cho các công việc giao tế, trong đó có tư vấn lễ phục ngoại giao nhưng lại thiếu một bộ quy tắc chuẩn về việc này. Thế nên đề án xây dựng quy tắc lễ phục nhà nước thế này tôi rất ủng hộ. Vì nếu không có quy tắc, nhiều cái chúng ta sẽ vô tình phạm phải khi ăn mặc mà không biết, như áo dài, chị em thích kim tuyến mà không biết trên thế giới kim tuyến bị coi là rất phản cảm.
Nếu chúng ta chú ý đến cái nhìn của quốc tế với mình thì đừng bận tâm đến đồ hiệu. Người ta biết VN là nước không giàu nên họ sẽ không chờ đợi thấy các quan chức VN chưng đồ hiệu. Người ta biết mình nghèo thì thông điệp mà mình cần thể hiện là gì: là tri thức, trình độ học vấn - văn hóa - thẩm mỹ và sự tinh tế trong thời hội nhập quốc tế qua cách đi đứng, nói năng, ăn mặc.
Theo Tuoitre