Phong tục tập quán về kết hôn có đi ngược với pháp luật?

Thứ năm, 18/04/2013, 11:12
Nhiều trường hợp không vi phạm quy định về cấm kết hôn giữa những người có họ hàng trong phạm vi ba đời, nhưng theo tập quán, họ vẫn thuộc phạm vi quan hệ họ hàng không được kết hôn.

Đó là một trong những thực tế được chỉ ra tại báo cáo tổng kết thi hành luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Luật hôn nhân và gia đình có ghi nhận việc:

“Phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ” thế nhưng trong quá trình áp dụng luật hôn nhân và gia đình vào thực tiễn có nhiều tập quán lại trở thành “lực cản” vô hình khiến cho nhiều cặp nam nữ không thể đến được với nhau.

Phong tục tập quán ở nhiều nơi đã là “luật bất thành văn”, cứ là người trong cùng một họ thì không thể lấy nhau bất chấp quy định của pháp luật chỉ giới hạn hôn nhân trong phạm vi ba đời. Nhiều cặp đôi cố tình đến với nhau đã bị cộng đồng, làng xã ghẻ lạnh, xóa tên khỏi dòng họ, thấm chí là “tẩy chay” khỏi gia đình.

ket hon

Thiếu nữ Jẻ-Triêng trong một tập quán kết hôn

Khoản 1 Điều 3 Luật HN-GĐ quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội về việc vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

Điều kiện chung là những tập quán tốt đẹp thì được kế thừa, phát huy, còn những tập quán lạc hậu, không tốt đẹp thì phải xóa bỏ. Thế nhưng thế nào là tập quán tốt đẹp thì lại chưa có văn bản nào giải thích và khá là trừu tượng. Bởi lẽ ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn xã hội và ở mỗi vùng miền, dân tộc lại có quan niệm khác nhau về vấn đề này.

Trở lại việc một số địa phương có quan niệm hễ là người trong họ thì không được lấy nhau. Xét về mặt ý nghĩa khó có thể khẳng định ngay tập quán này là hủ tục và không tốt đẹp. Bởi lẽ cần phải căn cứ vào mục đích, nét văn hóa cộng đồng, sinh hoạt của dòng họ.

Nhiều người trong cùng một dòng họ mặc dù không nằm trong phạm vi ba đời nhưng vẫn quan hệ đi lại, thân thiết, tình cảm với nhau. Và việc những người trong quan hệ thân thiết họ tộc đó lấy nhau lại đi ngược với ‘tôn chỉ” của cả dòng họ.

Thiết nghĩ, Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc kế thừa, phát huy phong tục tập quán. Cần thiết phải có những hướng dẫn, tiêu chi cụ thể về tập quán nào, đáp ứng những điều kiện ra sao thì được pháp luật công nhận, tập quán nào không được pháp luật công nhận, tiến tới xóa bỏ.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn