"Từ thịt chó nghĩ về văn hóa ứng xử"

Thứ sáu, 12/04/2013, 08:31
Vấn đề ăn thịt chó rất đáng để bàn nhưng cũng đừng kỳ thị nhau vì nó.

Ta sống không vì những ý kiến người khác nhưng lòng tự trọng không cho phép ta để những hình ảnh xấu về mình. Làm gì là quyết định, là tự do và là sự tự chịu trách nhiệm của mỗi người, từ mỗi người thành một cộng đồng.

Điều duy nhất chi phối đến hành động của mỗi người chính là tình cảm và lý trí của người đấy. Vậy nên khi tình yêu thương trong bạn càng nhiều, bạn sẽ càng đối xử tốt với từng chừng nấy, bất kể là gì. Còn khi hiểu biết của bạn càng rộng, bạn sẽ càng bớt đi những hành động “thiếu hiểu biết”.

Có thể loài người là loài duy nhất có lý trí nhưng không chỉ riêng loài người có tình cảm. Hãy nhìn những “mẹ” gà tất tả chăm lo và bảo vệ đàn con, những con thiên nga chỉ sống chung thủy duy nhất với người bạn đời của nó, những con voi cùng tiếc thương cho một thành viên vừa mất đi hay những chú mèo yêu mến nũng nịu chủ và những chú chó vẫn vẫy đuôi mừng chủ cũ dù đã bị cho đi từ rất nhiều năm. Tất cả bạn đừng cho đó chỉ là bản năng.

thit cho

Không phải ngẫu nhiên chỉ duy nhất loài chó được mệnh danh là “bạn của con người”. Cho dù ít để ý lắm bạn cũng sẽ phải công nhận lòng trung thành tận tụy của nó. Hơn nữa, chó là loài động vật duy nhất thể hiện cảm xúc tình cảm rõ rệt với chúng ta và tình cảm của nó dành cho chủ là hoàn toàn một chiều, bất kể bị đối xử như thế nào. Nó không biết nói nhưng những hành động và cử chỉ của nó thể hiện tất cả. Đặc biệt đôi mắt như muốn nói thay những gì nó không thể nói.

Mỗi chú chó cũng có riêng tính cách, sự thông minh và cảm xúc riêng. Sự thông minh và cảm xúc của nó khiến cho ở mức độ nào đó, có thể ví như một “đứa trẻ”, một “thành viên” của gia đình; một “người bạn” của trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật; là “niềm vui và sự khuây khỏa” của những người đơn thân; là “đồng đội” của những người lính đang bảo vệ tổ quốc.

Nó thậm chí còn là “bạn” của những lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia bởi những niềm vui và khoảng thời gian vô tư nhất mà nó mang lại cho chủ.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trẻ em, thanh thiếu niên và rất nhiều người lớn rơi nước mắt khi phải xa rời chú chó nuôi; không phải ngẫu nhiên mà mọi người ghét kẻ trộm chó đến độ xảy ra những câu chuyện đáng tiếc; không phải ngẫu nhiên mà chuỗi chương trình truyền hình thực tế “Dog whisperer” thu hút hàng triệu khán giả trên thế giới; và cũng không phải ngẫu nhiên mà chủ đề nhỏ này lại được sự quan tâm và bày tỏ nhiều ý kiến như vậy.

 Loài chó đáng yêu, đáng quý như vậy, chẳng nhẽ bạn thấy khác chỉ vì miếng thịt của nó.

thit cho

Cũng xin đừng tiếp tục viện dẫn vào văn hóa truyền thống, cuộc sống là sự phát triển tiến về phía trước và tiến đến văn minh hơn. “Trọng nam khinh nữ” là một văn hóa truyền thống “đáng phải bỏ đi”. Đốt pháo là một văn hóa truyền thống nhưng cũng phải bỏ đi vì sự nguy hại và lãng phí.

Hơn nữa, mọi ví dẫn việc ăn thịt chó, mèo, … là văn hóa truyền thống, là văn hóa ẩm thực của người Việt là sự tự nhận, ngộ nhận, quy chụp một cách chủ quan theo hiểu biết cá nhân. Nói chính xác, đó chỉ là thói quen và sở thích cá nhân. Đừng tiếp tục gây hiểu lầm và nhân danh văn hóa người Việt một cách bừa bãi.

Có thể bạn không thích chó, nhưng bạn còn tiếp tục ăn thịt chó, chỉ là thú vui hơn là nhu cầu, bạn còn khuyến khích chuyện trộm chó, còn sẽ lấy đi “bạn” của những đứa trẻ, của nhiều con người và quan trọng hơn, bạn đã vô tình tạo cho mình sự ích kỷ, vô tâm và dửng dưng trước những số phận, câu chuyện và tình cảm đằng sau miếng thịt chó đấy. Nếu giả sử bạn nuôi con chó của miếng thịt đấy, nó cũng sẽ mừng rỡ hằng ngày mỗi khi bạn về nhà.

Đạo Phật có câu: “Chúng sanh bình đẳng”, loài người cũng là một trong muôn loài trên thế giới này và quy luật sinh tồn tự nhiên đảm bảo sự cân bằng bền vững cho hệ sinh thái cũng như vòng tuần hoàn của cuộc sống. Từ đất đai cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây cỏ, con bò ăn cây cỏ rồi cung cấp thịt cho con người và rồi con người chết đi cũng hòa vào đất. Vậy nên hãy đối xử công bằng với vạn vật qua việc ăn uống “có trách nhiệm”.

Hãy tiêu thụ vừa đủ để duy trì một cơ thể khỏe mạnh và cũng để bày tỏ sự trân trọng đối với những “món quà” của cuộc sống và sự “hiến tặng” của những loài khác.

Đó cũng là cách nghĩ và sống “có hiểu biết”, “có trách nhiệm” với “ngôi nhà” chung ta đang ở và đến những thế hệ con người mai sau, trong đó có con cháu ta. Văn hóa, nghệ thuật ẩm thực là một trong những tinh túy và niềm vui của cuộc sống con người nhưng không hề đồng nghĩa với một sự bừa bãi, vô nhân đạo và lãng phí.

Tôi không mong người ta sẽ bỏ được thói quen này, tôi cũng không quan tâm nhiều đến sự tẩy chay du lịch của ai vì đất nước Việt có tươi đẹp, có nhiều điều hay trước hết là cho các thế hệ người Việt.

Bạn thấy hay, thấy mến, thấy muốn tìm hiểu thì hãy đến với chúng tôi. Việc bày tỏ trên báo cũng chỉ đại diện cho quan điểm cá nhân. Nhưng tôi mong mọi người hãy cùng nhìn nhận lại đôi chút về vấn đề miếng thịt mà không chỉ là “miếng thịt” này.

Thịt chó không phải là văn hóa truyền thống hay ẩm thực nữa mà là văn hóa ứng xử của chúng ta.”

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn