Đến đây, dù người bệnh bị đau lưng, nổi hạch, tai biến mạch máu não, nôn khan, thậm chí câm điếc bẩm sinh… đều được "thần y" chữa trị bằng một "bí kíp" là mát xa.
Từ thợ mộc thành "thần y"
Trong vai một người bệnh, tôi tìm đến nhà "thần y" Hoàng Văn Viện, ở xóm Cả, xã Mỹ Thái. Vào một quán bán hoa quả ở đầu xóm hỏi đường, tôi được chị chủ quán phác họa chân dung “thần y" Hoàng Văn Viện. Theo chị, "thần y" năm nay ngoài 40 tuổi, vốn làm nghề mộc nhưng sau khi theo học một thầy lang ở Lạng Sơn đã chuyển sang chữa bệnh "miễn phí" cho người dân từ cuối năm 2011.
Nói là chữa bệnh "miễn phí" nhưng thực chất là đánh vào tâm lý của người bệnh. Đến đây, không ai bảo ai, mọi người đều tùy tâm đặt tiền lên hai ban thờ trong nhà "thần y" và ngầm hiểu với nhau là mỗi ban ít nhất 10.000 đồng.
Cùng tại đây, tôi gặp bà Nguyễn Thị Đ. (72 tuổi), ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang). Hôm nay là ngày cuối cùng trong "phác đồ" 16 ngày điều trị bệnh của bà. Trước đó, tháng 10-2012, do tuổi cao lại làm việc nặng nên bà Đ. bị đau lưng. Nghe một số người giới thiệu, bà liền tìm đến nhờ "thần y" chữa trị song khi mới hoàn thành 80% thời gian thì phải tạm dừng do "thần y" bận… nghỉ Tết.
"Sau Tết Nguyên đán, lưng tôi lại đau nhức song do bận ngày mùa nên không có thời gian đến chữa tiếp. Vừa rồi đau quá, tôi tạm gác công việc đến cậy nhờ "thầy". Hết hôm nay là "thầy" cho tôi trả lễ", bà Đ. nói.
Theo chân bà Đ., tôi vào nhà "thần y" Hoàng Văn Viện để "mục sở thị". Vừa đến cổng, tôi đã gặp một tốp bệnh nhân nam đang ngồi chơi cờ tướng, trong đó hơn một nửa đến từ thị trấn Bích Động (Việt Yên).
Ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp của gia đình "thần y" trở nên chật chội hơn bởi hàng chục bệnh nhân đang nằm la liệt trong nhà. Qua quan sát, phần lớn họ đều là phụ nữ, trong đó chủ yếu là người già.
Khi được hỏi, một bệnh nhân đến từ xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) cho biết: "Tôi bị nôn khan từ năm 2005. Dù đã đến nhiều bệnh viện trung ương và địa phương điều trị nhưng không khỏi. Cuối năm 2012, nghe tin "thần y" Hoàng Văn Viện có khả năng điều trị bách bệnh nên tôi tìm đến đây nhờ "thầy" giúp. Hôm nay tôi còn dẫn thêm vài người cùng quê lên chữa bệnh". Nói xong chị nhắc tôi đi đặt lễ để đợi đến lượt.
Vờ đánh trống lảng, tôi quay sang nói chuyện với người đàn ông trung niên ngồi bên cạnh. Qua câu chuyện, được biết anh tên là Sót, ở thôn Dục Quang, thị trấn Bích Động. Hơn chục ngày qua, anh Sót đều nhờ người thân đưa đến nhà "thần y" từ cuối giờ sáng để chờ được điều trị.
“Thần y” Hoàng Văn Viện chữa bệnh cho bệnh nhân. |
Theo lời anh, những ngày qua, có khá đông người dân trong thôn tìm đến "thần y", trong đó có cả trường hợp bị câm bẩm sinh, nổi hạch ở cổ. Hầu hết những người đến đây đều không dám dùng bất cứ loại thuốc nào và cũng không dám hỏi "thần y" về tình trạng bệnh của bản thân, chiều hướng tiến triển vì sợ làm "thầy" phật lòng.
Đúng 14 giờ, "thần y" Hoàng Văn Viện từ trong buồng bước ra thắp nén hương lên hai ban thờ bắt đầu làm việc buổi chiều. Bệnh nhân đầu tiên là một cụ bà khoảng 70 tuổi, bị đau lưng. Bà được "thần y" mát xa vùng trán, gáy, lưng rồi đến chân, thời gian điều trị chừng 8 phút.
Vừa lúc đó, một trường hợp bị tai biến mạch máu não được đưa đến. Thấy vậy, tất cả những người khác đều tỏ ra ngán ngẩm vì phải đợi thêm bởi đây là trường hợp được "thần y" ưu tiên. "Hôm nay chắc 8 giờ tối mới về đến nhà", anh Quỳnh, cũng ở thôn Dục Quang thở dài.
"Miễn phí" hay trò lòe thiên hạ?
Sau khi chứng kiến "tài năng" của "thần y", tôi tìm đến UBND xã Mỹ Thái, gặp ông Hoàng Văn Tân, Trưởng Công an xã.
Theo ông Tân, công an xã và chính quyền địa phương đã nghe thông tin phản ánh về việc chữa bệnh của ông Hoàng Văn Viện và cũng đã kiểm tra. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến, ông Viện lấy lý do chữa bệnh miễn phí nên không cần giấy phép hành nghề y dược tư nhân nên đành chịu.
Cũng theo ông Tân, ông Hoàng Văn Viện sinh năm 1969, có vợ và hai con trai. Hỏi về nhân thân của "thần y", ông Tân cho biết, trước đây ông Hoàng Văn Viện làm nghề mộc, kinh tế gia đình khá khó khăn. Ông Viện bắt đầu điều trị bệnh "miễn phí" tại nhà từ cuối năm 2011. Thời gian đầu, chỉ có lác đác một vài người đến điều trị, sau đó số lượng tăng dần.
"Năm ngoái, phần đông bệnh nhân là người Yên Thế nhưng năm nay chủ yếu đến từ huyện Việt Yên", ông Tân cho biết.
Qua tìm hiểu, đã có bệnh nhân mất thời gian, tiền bạc và cả sức khỏe do điều trị bằng phương pháp của "thần y" Hoàng Văn Viện. Nổi bật là bà Thảo, cũng ở xã Mỹ Thái. Do bị đau kèm theo tức ngực, bà Thảo đến nhờ "thần y" điều trị. Song không những không khỏi bệnh, "thần y" còn làm bà gãy 3 xương sườn, phải ra Hà Nội điều trị cả tháng.
Hay trường hợp anh Chiến ở xã Phi Mô (Lạng Giang) bị "thần y" làm đứt tĩnh mạch, phải đi Bệnh viện Bạch Mai điều trị mất hơn 10 triệu đồng.
Đưa câu chuyện "thần y" Hoàng Văn Viện phản ánh với ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lạng Giang, ông Thanh cho biết trong Đông y có phương pháp chữa bệnh bằng bấm huyệt nhưng chỉ được áp dụng đối với những trường hợp phục hồi chức năng như sau tai biến mạch máu não, tai nạn… và được áp dụng song hành với các biện pháp điều trị khác.
Riêng trường hợp bị câm bẩm sinh, nổi hạch thì phương pháp điều trị này không có tác dụng.
Cũng theo ông Thanh, người làm nghề này phải có bằng chuyên môn và chứng nhận hành nghề y dược tư nhân. Tuy nhiên, qua rà soát tại Phòng Y tế huyện Lạng Giang, trên địa bàn huyện chưa có một cơ sở nào có chứng nhận hành nghề y dược tư nhân.
Ông Nguyễn Văn Vích, Trưởng Phòng Y tế huyện, nói: "Không có giấy phép thì dứt khoát không được hành nghề. Với trường hợp ông Viện, hiện Phòng Y tế chưa biết vì chưa thấy địa phương báo cáo"(?).
"Có bệnh thì vái tứ phương" là tâm lý chung của nhiều người bệnh nên thường tin vào những lời đồn thổi thiếu căn cứ, phản khoa học với hy vọng “gặp thầy, gặp thuốc”, "còn nước còn tát". Nắm bắt được tâm lý này, nhiều đối tượng khoác lên mình hư danh "thần y" để lừa bệnh nhân, thu lợi bất chính.
Trường hợp ông Hoàng Văn Viện có lẽ không ngoại lệ. Đề nghị cơ quan chuyên môn huyện Lạng Giang sớm kiểm tra, làm rõ và kịp thời có khuyến cáo cho người dân.
Theo Kienthuc