Ly kỳ chuyện ‘cá voi cứu người, chữa bệnh’

Thứ ba, 12/02/2013, 09:08
Câu chuyện truyền tai nhau hàng trăm năm nay khi cá voi cứu người đi biển bị nạn vào bờ sau đó mắc cạn chết. Người dân (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) lập thành phủ thờ thần cá. Nhiều câu chuyện kỳ bí còn lưu truyền đến ngày nay.

Cá voi cứu người

Về Ngư Lộc, từ người trẻ đến các cụ bô lão trong làng đều kể vanh vách truyền thuyết Ngài cá voi “cõng” người dân đi biển gặp nạn vào bờ. Có lẽ vì vậy mà người dân nơi đây xem cá voi là biểu tượng của sự linh thiêng, thần thánh.

Để tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Vẹn (65 tuổi), ông từ của phủ thờ cá voi. Khi hỏi về câu chuyện cá voi cứu người, bản thân ông từ cũng không biết rõ có từ bao giờ. Ông chỉ biết khi sinh ra và lớn lên đã được thấy người dân tôn thờ. Minh chứng cho câu chuyện huyền bí ấy là bộ xương cá voi trong phủ còn gìn giữ nguyên vẹn.

Ly kỳ chuyện ‘cá voi cứu người, chữa bệnh’

Cụ từ Nguyễn Văn Vẹn đang kể về câu chuyện cá voi cứu người.

Ông kể, xưa ngư dân làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc bây giờ) trong một chuyến đi biển bị bão đánh đắm thuyền, ngư dân trôi dạt trên biển nước mênh mông. Trong trận đại nạn ấy người ta cũng không biết số người mất cụ thể là bao nhiêu, họ chỉ biết rằng lúc đó con cá voi “cõng” trên mình vài người đưa vào bờ. Khi vào được bờ thì cũng là lúc thuỷ triều rút xuống, con cá voi bị mắc cạn.

Con cá nặng tới vài chục tấn, dân làng tìm mọi cách đưa cá trở lại biển nhưng bất lực, sau đó cá chết. Do quá to, ngư dân làng chài không thể đưa về tổ chức mai táng được, họ đành mang 100 lá chiếu ra phủ lên thân cá. Sau khi thịt trên người cá phân huỷ thì dân làng mang xương về lập phủ thờ rồi tổ chức mai táng cho cá theo nghi thức của làng.

Lễ mai táng cho cá voi được tổ chức rất long trọng, kéo dài trong ba ngày. Người dân đi biển cho rằng cá voi là thần thánh, mang lại sự linh thiêng, may mắn cho người dân đi biển nên họ tôn trọng gọi cá voi bằng “Ngài”.

Sau một thời gian thịt cá voi được nước biển rửa sạch, các vị chức sắc trong làng mới lấy xương cốt còn lại đem rửa thật kỹ bằng rượu, phơi khô gọi là Thượng Ngọc Cốt. Bộ xương của cá được chia làm 3 phần: Bến Sung (huyện Nga Sơn) nhận phần đầu; Y Bích (xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc) nhận phần đuôi và Diêm Phố (xã Ngư Lộc) nhận phần thân, sau đó làng đã xây miếu để thờ”, ông Vẹn kể lại.

Tín ngưỡng tốt đẹp

Theo ông Vẹn, hiện nay duy nhất chỉ có mỗi Ngư Lộc là còn giữ nguyên vẹn bộ xương của cá. Phần đầu và phần đuôi của cá voi ở các xã khác hầu như không bảo quản được.

Trước đây, người dân chỉ dùng ván để bầy bộ xương của cá lên. Nhưng về sau, dân làng dùng các tấm kính ghép lại tạo thành một khung hình chữ nhật đưa xương cá voi vào và bịt kín rồi đặt ở chính giữa ngôi phủ để thờ cho tới ngày nay.

Ly kỳ chuyện ‘cá voi cứu người, chữa bệnh’

Phủ thờ cá ông

Phủ cá voi ngày nào cũng có người đến thắp hương, nhất là người dân đi biển. Quan niệm của người dân nơi đây, trước khi gia đình có người đi biển họ đều đến xin “Ngài” phù hộ.

Người ta tin rằng mỗi lần xin ngài thì đi ra khơi bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng được Ngài dõi theo phù hộ”, ông Vẹn nói.

Không chỉ người dân đi biển, ở phủ cá voi này vào các ngày rằm, mùng một người dân khắp nơi đến thắp hương xin cho gia đình khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, làm ăn phát lộc và đặc biệt là những người có bệnh tật họ thường đến làm lễ xin ngài phù hộ.

Khi dân làng chưa làm tủ bằng kính để xương ngài có rất nhiều người đến xin mẩu xương về uống chữa bệnh. Trước có một phụ nữ ở huyện khác lấy chồng cả chục năm nhưng không có con. Nhiều lần đã chạy chữa thuốc men khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả.

Sau lần tình cờ đi lễ hội cầu ngư ở xã Ngư Lộc, người phụ nữ này vào thắp hương rồi xin một mẩu xương nhỏ về cạo ra uống nước. Một năm sau chị đã mang thai và đẻ được đứa con trai bụ bẫm. Đến khi quay lại làm lễ tạ ơn, mang câu chuyện kể lại cho mọi người họ mới biết sự linh thiêng của Ngài”, ông Vẹn kể lại.

Cụ từ cho biết, bản thân cụ không cho bất cứ ai cái gì liên quan tới xương cá để làm thuốc. Những người đến đây sau khi làm lễ xong họ đều xin lại 3 đồng vàng (tiền vàng) về đốt lên hoà vào cốc nước uống chữa bệnh. Hầu hết những người đến đây xin chữa bệnh đều quay lại làm lễ tạ ơn.

Ông Trần Văn Hạnh, một người làm trong quần thể khu di tích Chùa nghè xã Ngư Lộc cho biết: Vào những ngày rằm, mùng một, người dân đến đây thắp nhang khấn vái Ngài, cầu cho thuận buồm xuôi gió, mùa vụ bội thu và gặp sự an lành trên biển.

Ngoài ra, một điều ly kỳ mà theo những người già ở đây kể lại thì nhà nào hiếm, muộn về đường con cái, ốm đau bệnh tật khi đến xin Ngài đều được như ý muốn.

Hiện nay tục thờ Ngài cá voi và tín ngưỡng của ngư dân về loài cá linh thiêng này đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đầu sóng ngọn gió”, ông Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch xã Ngư Lộc cho biết, tục thờ Ngài cá voi ở xã đã có từ lâu đời. Đây là một phong tục tốt đẹp của dân làng xưa kia. Nó đã trở thành một tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người dân Ngư Lộc sau mỗi chuyến đi biển.

Theo VNN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích