Người sống đổ bạc tỷ cho người đã khuất
Nghe danh An Bằng nổi tiếng với “Thành phố lăng mộ” đã lâu, thế nhưng trong chuyến công tác này chúng tôi mới có dịp ghé thăm để “mục sở thị” những ngôi mộ “bề thế” vào bậc nhất nhì Việt Nam.
Từ trung tâm Huế, chạy dọc theo QL 49 ghé thăm bất kỳ ngôi nhà nào hỏi về “thành phố” đặc biệt này, hầu hết ai cũng biết. Có người còn nói: “Cứ thấy nơi mô nghĩa địa cao hơn nhà ở thì đó là làng An Bằng”. Sau một hồi dò đường chúng tôi không khó để phát hiện ra cổng chào vào ngôi làng.
Sự khác biệt đập vào mắt khách ngay từ bước chân đầu tiên. Khác với cuộc sống nghèo đói phía ngoài cổng chào là sự giàu có, sầm uất như một đô thị tại thôn An Bằng. Những ngôi nhà nơi đây được thiết kế theo kiến trúc biệt thự sang trọng, trong sân là những chiếc xe tay ga, ô tô đời mới.
Những lăng mộ đồ sộ này là nơi hái ra tiền của dân nghèo.
An Bằng lúc xưa là một làng chài nghèo, cuộc sống người dân nhờ vào những chiếc thuyền đánh cá nhỏ ngoài biển khơi. Thế nhưng đến khoảng những năm 1989 – 1990, khi Nhà nước bắt đầu cho người Việt định cư ở Mỹ gửi tiền, hàng về giúp đỡ người thân trong nước thì ngôi làng này thay da đổi thịt nhanh chóng.
Cuộc sống đổi mới, kéo theo các dịch vụ khác cũng thay đổi, từ đây, những người dân vốn chân lấm tay bùn bỗng nghĩ đến chuyện “báo hiếu” người đã khuất. Họ sửa sang, xây dựng mới những lăng mộ cũ của gia tộc mình.
Thế là từ năm 1991, người ta bỗng thấy ở đây hình thành một hiện tượng lạ, các lăng mộ bắt đầu mọc lên, rồi được sửa sang, cơi nới với quy mô tráng lệ. Có lăng vừa xây xong bị đập xây lại vì... không bằng người ta. Nhiều ngôi mộ còn được mắc điện thắp sáng, có nhà vệ sinh...
Theo những người cao niên trong làng cho biết, hầu hết các lăng mộ An Bằng đều lấy mẫu thiết kế chung từ lăng Khải Định, sau đó việc biến hóa thêm hay bớt tùy thuộc vào sở thích của mỗi chủ nhân. Các lăng mộ thiết kế như lăng mộ vua chúa, cũng tam quan với mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành... rực rỡ sắc màu nhờ bàn tay người thợ khảm sành sứ giỏi.
Theo ông Đặng Văn Tâm (79 tuổi) một vị cao niên trong làng cho biết, “Vương quốc cõi âm” An Bằng có quy mô đồ sộ, với diện tích rộng hơn 40ha, được khoanh làm bốn vùng rộng lớn gồm Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ. “Làng này tổng cộng có 44 họ tộc với lịch sử gần 500 năm. Các lăng mộ nơi đây đều do con cháu các họ tộc góp tiền xây dựng”, ông Tâm tự hào nói.
Còn ông Hồ Thiết (80 tuổi), người chuyên phụ trách các lễ nghi của làng cho hay, hiện nay làng An Bằng có khoảng 3.000 lăng mộ, mỗi ngôi mộ có chi phí trung bình khoảng 30.000 USD, trong đó khu mộ của dòng họ Trương được xem là đắt và đồ sộ nhất tại thành phố lăng này, khi tổng chi phí tính đến thời điểm này khoảng gần 45.000 USD.
Tổng thể khu lăng mộ tại đây độc đáo về kiến trúc, đủ các phong cách Phật, Thiên chúa giáo, Lão Giáo, Hồi giáo, châu Âu... đều xây bằng tiền do con cháu ở nước ngoài gửi về. Chính quyền địa phương cho biết, những năm 90 của thế kỷ trước, những người An Bằng định cư ở nước ngoài ăn nên làm ra ồ ạt gửi tiền về xây lăng mộ để... báo hiếu.
Do địa phương chưa có quy hoạch nên mạnh ai nấy làm, từng nhà, từng dòng tộc thi nhau giành đất để xây lăng, đắp mộ. Có nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Chỉ trong một thời gian ngắn, những cồn cát xưa kia đã được bịt kín bằng lăng mộ. Lăng mộ “bao vây” nhà ở người dân, dường như nơi đây không có ranh giới giữa người sống và người chết.
Một chuyện nghe có vẻ khác thường nhưng lại rất bình thường ở ngôi làng này, đó là việc người ta xây lăng trước để khi nhà có người chết không phải lo tiền xây lăng nữa. Vả lại, xây trước bao giờ cũng cẩn thận, hoành tráng hơn. Phong tục người dân An Bằng là sau khi chết, nếu trong vòng 50 ngày mà không xây được lăng thì phải đợi đến 3 năm sau mới được phép xây; như vậy là con cháu có lỗi, bất hiếu với người đã khuất.
Bởi thế, ai cũng lo chuyện xây lăng cho mình và người thân ngay từ khi còn sống. “An Bằng có khoảng 95% gia đình có người thân ở nước ngoài. Thế hệ cha ông đi trước rước con cháu theo sau. Cũng từ khi có ngoại tệ đổ về làng, đời sống người dân sung túc hơn và việc xây mộ cũng được các dòng họ quan tâm chu đáo”, ông Phạm Bình Tịnh, Chủ tịch UBND xã Vinh An cho hay.
Ông Hồ Thiết đang nói về kiến trúc“thành phố lăng mộ”.
Và người chết “nuôi” lại… người sống
Ở làng An Bằng, việc người sống rót tiền tỷ vào người chết là điều không bàn cãi, nhưng cũng từ “thành phố lăng” này, những dịch vụ đi kèm đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều người đang... sống.
Dạo một vòng qua khu nghĩa trang, chúng tôi bắt gặp rất nhiều thợ xây đang cặm cụi bên những lăng mộ. Thỉnh thoảng từng đoàn xe trâu chở cát, vật liệu xây dựng lại đến tập kết tại các điểm xây lăng, làm cho không khí nghĩa trang nhộn nhịp hẳn lên.
Đa số những lăng mộ hoành tráng ở An Bằng được tạo nên từ sự khéo léo của những người thợ các xã Vinh Thanh, Vinh Xuân... (Phú Vang). “Mặc dù làm việc trong môi trường đặc biệt, nhưng được cái khi nào cũng luôn tay. Cứ xây xong mộ này lại có cái mới để xây, đôi lúc tổ thợ tui không dám nhận nhiều vì sợ làm không nổi.
Một ngôi mộ trung bình ở đây cũng phải xây đến nửa năm với khoảng 10 nhân công, đó là chưa nói khi gặp những gia đình cẩn thận, họ đòi hỏi tỉ mỉ thì công việc sẽ kéo dài thêm”, anh Trần Đình Phước, thợ xây người Vinh Thanh nói.
Thấy chúng tôi có vẻ tò mò về đám người đang dỡ phá ngôi mộ cũ gần đó, anh liền phân trần: "Cái lăng đó xây 4 năm rồi, giờ chủ nhà tháo đi để xây lại theo phiên bản mới đẹp hơn. Họ có tiền thì làm cái mới đó là việc của họ, nhưng nghĩ cũng thấy tiếc, đổ đống tiền xuống giờ lại bỏ đi”.
Chẳng khác gì cung vua phủ chúa
“Những thợ xây mộ tại đây không chỉ biết cách xây mà cần có sự khéo léo, kèm thêm một chút kinh nghiệm. Khi xây những ngôi nhà ở bình thường những chi tiết còn thô thì họ bỏ qua, nhưng xây huyệt mộ chỉ cần sơ suất nhỏ thôi là mình phải làm lại ngay...”, anh Phước cho biết.
Không những giỏi nghề mà họ còn phải nghiên cứu về kiểu cách xây, biết kết hợp hài hòa giữa kiến trúc vua chúa và kiến trúc hiện đại. Chính vì vậy, những người thợ ở làng Vinh Thanh rất được lòng người dân An Bằng. Có nhiều trường hợp thợ nề sau thời gian làm ở đây đã xuất ngoại, họ được các mối ở nước ngoài mời sang.
Việc đi xuất ngoại giúp họ thu nhập cao hơn gấp nhiều lần trong nước. Điều đặc biệt của các thợ nề xuất ngoại là giỏi về nghệ thuật điêu khắc đá, vẽ tranh, hoa văn và kỹ thuật gắn miếng vỡ từ loại chén bát có men. Sự khéo léo tinh tế của những thợ kép thể hiện trong tạo hình, đắp nổi, trau chuốt từng chi tiết nhỏ nhất.
Một dịch vụ đặc biệt nữa là việc thuê thắp nhang, bật điện ban đêm, quét dọn lăng mộ... cũng rất phát triển ở đây. Theo tiết lộ của những người làm công, đối với những công việc đó mỗi tháng một người nhận được từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi tháng, lễ tết được thưởng thêm như những công việc khác.
Trẻ trâu cũng có “cửa” kiếm tiền
Ngoài những công việc của người thợ nề thì thành phố lăng mộ còn là nơi hái ra tiền của những tay thư pháp. Những tác phẩm của họ sẽ được thợ xây sao chép trên lăng mộ. Không những vậy nhiều lao động của hai huyện Phú Vang, Phú Lộc cũng có công việc kiếm được bộn tiền là kéo xe trâu chở vật liệu để xây lăng vì con đường vào làng nhỏ nên không thể đưa xe lớn vào được. Phụ nữ, trẻ em ở các làng xung quanh thì kiếm tiền nhờ việc đi cắt cỏ bán cho trâu ăn, mỗi bao cỏ 1 tạ giá từ 15.000 - 20.000 đồng. |
Đối nghịch
Vẫn biết rằng việc đầu tư tiền tỷ để xây lăng mộ cho người đã khuất là quyền của mỗi người. Nhưng thiết nghĩ việc làm này cũng cần suy nghĩ, khi vẫn còn đó những người nghèo đói sống tạm trong những căn nhà lụp sụp bên cạnh những lăng mộ hoành tráng. Điều đó, rất lãng phí tiền của và đất đai. |
Theo Nguoiduatin