Có gì lạ đâu!
- Theo tôi, việc tổ chức những chuyến đi khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm với đối tác ở địa phương khác, thậm chí cả ở nước ngoài là rất cần thiết đối với các cơ quan nhà nước, để xóa bỏ nếp nghĩ "ở nhà nhất mẹ nhì con".
Đương nhiên, những chuyến đi như thế thì phải lên kế hoạch cụ thể, xác định mục đích, yêu cầu rõ ràng, thành phần tham gia cũng phải tính toán. Thế nhưng, thực tế thì nhiều khi không hẳn vậy. Do đó, chuyện về ông Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau có gì lạ đâu!
Nghĩa là chuyện cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm kéo theo cả gia đình không hiếm trong đội ngũ cán bộ của ta?
- Đúng thế! Chẳng những đi trong nước mà ngay cả đi ra nước ngoài cũng có trường hợp như thế. Mà chúng ta thừa hiểu, đi nước ngoài còn tốn kém hơn đi trong nước nhiều.
Có ý kiến cho rằng đó cũng là một hình thức tham ô?
- Tham ô hay không thì hãy để cho cơ quan có thẩm quyền ra kết luận. Nhưng rõ ràng, đưa người trong gia đình, là họ hàng đi nghiên cứu trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động với các đối tác là sai rồi.
- Đi nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm là việc cần và phải tính toán sao cho chuyến đi tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của cơ quan, của ngành mình.
Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan rằng cứ phải chăm chăm đi học tập, nghiên cứu xong rồi về mà có thể kết hợp tham quan một vài nơi để nâng cao hiểu biết, mở rộng tầm nhìn. Do vậy, có thể kết hợp đưa gia đình đi cùng cũng được nhưng tuyệt đối phải bằng tiền túi của mình.
Theo tin tức tôi được biết thì ông ấy đã biến người nhà thành những cán bộ trong ngành điện lực. Do đó, chẳng dại gì mà họ lại bỏ tiền túi ra.
Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Người ta còn "chạy" vào đoàn đi công tác!
Ông vừa nói chuyện đưa gia đình đi cùng trong những chuyến công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm là có thể được và tuyệt đối phải bằng tiền túi của mình. Qua thực tế công tác, ông có thấy nó diễn ra đúng như vậy?
- Về nguyên tắc, việc kết hợp cho những người trong gia đình, người thân đi cùng đoàn công tác của cơ quan nhà nước thì phải tự chi trả. Nhưng nói thế thôi chứ người ta ít khi làm thế lắm, toàn "tranh thủ". Thậm chí họ còn lấy danh nghĩa đi công tác nhưng thực tế là đi tham quan du lịch bằng tiền ngân sách. Đó là kiểu đi công tác trá hình.
Kiểu công tác ấy có nhiều không, thưa ông?
- Nó cũng không ít đâu.
Nhưng chẳng lẽ những người ra quyết định cho đoàn đi công tác ấy lại không phát hiện ra?
- Tôi nghĩ là không quá khó để phát hiện khi đặt bút ký quyết định loại này.
Thế theo ông, tại sao nó vẫn diễn ra?
- Do công tác quản lý đối với công tác nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương với nhau và giữa địa phương, cơ quan nhà nước với các đối tác ở nước ngoài không chặt chẽ. Đi nước ngoài có phải ai làm trong cơ quan nhà nước cũng có cơ may đó đâu, thế nên có chuyện tạo cớ để tổ chức đoàn đi và thậm chí có người "chạy" vào đoàn công tác đấy!
Thú thực, lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm "chạy vào đoàn đi công tác nước ngoài"!
Cái đó là có thật.
Thời kỳ ông còn đương nhiệm, có bao giờ người ta đến đặt vấn đề "chạy vào đoàn công tác" như thế?
- Tôi khẳng định là không có chuyện này đối với Ủy ban Pháp luật. Vì tôi từng tổ chức những cuộc đi nước ngoài cho anh em để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Tôi phải yêu cầu vụ giúp việc cho ủy ban lên kế hoạch cụ thể, đề xuất người tham gia đoàn và đưa ra thường trực ủy ban xem xét để đảm bảo chuyến công tác đó không có người thừa.
Phải xem xét trách nhiệm người ký quyết định
Có người ví von, chuyện ông Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau đưa cả gia đình đi "học tập kinh nghiệm" chẳng khác nào "một người làm quan, cả họ được nhờ"!
- Đúng đấy! Thực tế thì câu nói đó bây giờ có biểu hiện đa dạng lắm! Ở ta có tình trạng một ông làm quan sẽ kéo dự án về địa phương, tạo việc làm cho người thân. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra, biên chế hiện nay có thể giảm đi 1/3 mà làm vẫn tốt. Nhưng vì vướng 5 chữ "C" là "con cháu các cụ cả" thì giảm làm sao được!
Theo ông thì vì sao cán bộ của ta lại vẫn giữ tâm lý đó?
- Vì phẩm chất, đạo đức của cán bộ có vấn đề chứ còn sao nữa! Tôi nói thật, nếu người ta có lòng tự trọng, biết nghĩ cho dân thì không bao giờ có chuyện đi công tác kéo theo cả gia đình đi như thế đâu, cũng không có chuyện sắp xếp công việc cho người thân của mình vào cơ quan nhà nước một cách tùy tiện như thế đâu.
Chừng nào mà cán bộ lãnh đạo còn nghĩ về mình và gia đình nhiều hơn là về trách nhiệm, về dân thì chừng đó, những chuyến đi công tác kéo theo cả vợ con, họ hàng bằng tiền từ ngân sách nhà nước sẽ vẫn còn xảy ra.
- Thực ra, họ biết cả đấy, biết rằng làm như thế là "chủ nghĩa cá nhân", là vì "lợi ích nhóm" nhưng do nhìn trước, nhìn sau thấy người ta làm thế được, tội gì mình không làm. Vẫn phải quay lại với câu chuyện đạo đức, phẩm chất cán bộ thôi.
Để rèn luyện phẩm chất "là đầy tớ, công bộc của dân" có khó không, thưa ông?
- Khó lắm chứ!
Phải chăng vì quá khó nên người ta không làm được?
- Đó chỉ là một sự ngụy biện! Nếu biết lấy dân làm gốc, biết dựa vào dân thì không việc gì là không làm được cả.
Theo ông bây giờ, để cán bộ biết nghĩ cho dân, không còn những chuyến công tác kéo theo cả gia đình và dùng tiền ngân sách như thế thì phải làm gì?
- Phải có quy chế rõ ràng. Phải công khai, minh bạch và phải có sự giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan. Phải quy trách nhiệm cụ thể cho người ký quyết định cử đoàn đi bằng ngân sách. Cứ đổ tội cho cơ chế là không chấp nhận được vì cơ chế do chúng ta đặt ra chứ có phải từ trên trời rơi xuống đâu!
Người ta cũng đang quan tâm xem, ông Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau sẽ bị xử lý như thế nào?
- Nếu quả thực ông ấy dùng tiền ngân sách cho người trong gia đình, họ hàng đi công tác cùng thì buộc ông phải hoàn trả bằng đúng số tiền đã sử dụng. Đồng thời, cũng phải xem xét trách nhiệm cả người ký quyết định phê duyệt chi tiền này. Họ không thể vô can!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Trong chuyến công tác tại 10 tỉnh phía Bắc từ ngày 2 - 11/3, ông Lai Tấn Đạt, Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau đưa đại gia đình đi du lịch bằng cách gắn chức danh cho người thân. Cụ thể, con trai ông Đạt được gắn cho chức danh Tổ trưởng tổ Kỹ thuật, Điện lực TP Cà Mau; cháu gái ông "biến" thành thu ngân viên Điện lực huyện Trần Văn Thời; em gái và em rể ông Đạt được "phong" làm thu ngân viên Điện lực huyện Đầm Dơi... |
Theo Kienthuc