"Các thế lực đen tối đang tìm mọi cách để vô hiệu nhà báo"

Thứ sáu, 12/04/2013, 10:41
Ngay trong ngày 9/4 đã xảy ra 2 vụ tạt axit và gọi điện đe dọa nhà báo. Sự việc như được đẩy lên cao sau chuỗi dài các sự kiện hành hung nhà báo diễn ra gần đây... 

Khi được hỏi về hiện tượng hành hung nhà báo diễn ra gần đây, ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã không giấu được cảm xúc bất bình. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa ông và phóng viên.

ĐB Lê Văn Cuông hồi còn nghị trường Quốc hội

Thưa ông, phải nói rằng gần đây ngày càng “dày” hơn các vụ tấn công, đe dọa, hành hung nhà báo. Là người từng nhiều năm làm Đại biểu Quốc hội, ông có suy nghĩ gì khi đọc những thông tin này?

Hiện nay, hoạt động của báo chí khiến dư luận rất quan tâm chú ý. Báo chí trở thành cầu nối giữa Quốc hội với cử tri. Báo chí phản ảnh cuộc sống xã hội để nhà làm luật có cơ sở để soạn thảo những quy phạm có ích cho xã hội, ngược lại báo chí cũng chuyển tải thông tin luật pháp đến với người dân.

Là Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, tôi có nhiều điều kiện để tiếp xúc với báo chí. Chính báo chí đã giúp cử tri biết đến hoạt động của ĐBQH, cử tri có niềm tin vào Quốc hội... Theo tôi, hoạt động báo chí gần đây ngày càng phát huy vai trò của mình. Các nhà báo tiếp cận gần hơn với nhu cầu bức thiết của người dân.

Nhiều nhà báo lăn lộn, xông pha vào những nguy hiểm để phanh phui, làm sáng tỏ các vụ việc. Chính đó là lý do để các thế lực xấu, thế lực đen tối tìm mọi cách tạo ra áp lực, chống đối nhằm vô hiệu nhà báo. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cho phóng viên, nhà báo. Tôi nghĩ cần có biện pháp ngăn chặn khi xảy ra hành hung.

Nghe thông tin, các phóng viên bị hành hung, bị tạt axit, tôi hết sức bất bình. Tôi mong rằng, các cơ quan nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi hành hung, đe dọa phóng viên, nhà báo.

Một cảnh đe dọa hành hung nhà báo. Ảnh internet

Ông có nhận thấy hoạt động của nhà báo càng ngày càng trở nên khó khăn, nguy hiểm không?

Hoạt động của báo chí muốn đáp ứng nguyện vọng của cử tri, của nhân dân, nhà báo phải dũng cảm, đi sâu vào thực tiễn, phản ánh được tâm tư nguyện vọng, bức xúc của người dân thì báo chí mới được xã hội quan tâm.

Mà làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc đưa ra ánh sáng nhiều biểu hiện tiêu cực, khuất tất. Tức là đụng chạm đến quyền lợi của một nhóm xã hội, động chạm đến phần tử xấu, động chạm đến nhóm lợi ích và động chạm đến những kẻ tiêu cực, tham nhũng...

Những thế lực này sẽ chống đối. Nhà báo như những chiến sĩ, xông pha vào những nơi nguy hiểm, đòi hỏi phải hết sức dũng cảm.

Báo chí không chỉ phản ánh diễn biến, kết quả của một phong trào hay những việc vui vẻ, phản ánh sự việc thường nhật... mà báo chí càng ngày càng đi sâu vào cuộc sống. Càng như vậy báo chí càng phải đối đầu với những thế lực ẩn náu trong tham nhũng, tiêu cực...

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có giải pháp kịp thời để ngăn ngừa những hành vi hành hung, đe dọa xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng nhà báo.

Theo ông, tại sao chưa coi việc hành hung nhà báo là chống người thi hành công vụ?

Khi có những hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng nhà báo, đây là hành vi được điều chỉnh bởi Luật Hình sự như các cá nhân khác và Luật Báo chí. Tuy nhiên, hoạt động nghiệp vụ của phóng viên, nhà báo vẫn chưa được đề cập như hoạt động thi hành công vụ. Chính vì thế, những hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng nhà báo chưa có chế tài răn đe mạnh mẽ.

Để đảm bảo cho phóng viên nhà báo có điều kiện hoạt động tốt, thực hiện tốt chức năng của mình, không có gì khác là phải bảo vệ họ, coi hoạt động của họ là hoạt động công vụ. Khi vấn đề này xảy ra khá phức tạp, Luật Báo chí sửa đổi cần phải đề cập đến vấn đề này. Nếu xã hội thấy được lợi ích mà báo chí đem lại thì xã hội phải ghi nhận điều đó.

Thưa ông, báo chí hoạt động khá đa dạng, liệu có thể đặt tất cả các hoạt động báo chí thành thi hành công vụ?

Theo tôi, phải phân loại ra, những hoạt động nào có tính chất nguy hiểm như chống tham nhũng, chống tiêu cực, hoạt động thời sự chính trị... hoặc nhiệm vụ va chạm đấu tranh chống cái xấu, bị chống lại hoặc có nguy cơ bị chống lại... mới được xem là thi hành công vụ.

Hiện nay, ngoài Luật Báo chí, có Nghị định, Thông tư quy định chế tài hành vi cản trở báo chí tác nghiệp, nhưng việc xử lý chưa được nhiều. Là Đại biểu Quốc hội khóa trước, ông có đề xuất gì cho Quốc hội khóa này trong vấn đề bảo vệ nhà báo?

Xuất phát từ thực tiễn, phóng viên báo chí áp lực ngày càng nhiều hơn và cũng có nhiều hơn những vụ hành hung, đe dọa nhà báo, theo tôi cần phải “luật hóa” những chế tài bảo vệ nhà báo, phải nâng cấp những chế tài từ thông tư, nghị định lên thành luật. Có thành luật thì những chế tài này mới được thực hiện nghiêm túc hơn, mới được nhiều người biết hơn. Có thành luật, biện pháp bảo vệ nhà báo mới được nâng lên mức cao hơn...

Xin cảm ơn ông!

Những vụ đe dọa, hành hung, xâm hại sức khỏe, tính mạng nhà báo gần đây:

1. Vào tối 9/4, bà B. N (phóng viên thuộc Văn phòng Đông Bắc Bộ của báo Thanh Niên) đang đi trên đường Lê Lai, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng thì bị một đối tượng lạ mặt tạt axit vào người. Theo thông tin ban đầu, bà N. bị phỏng nặng ở vùng cổ và tay, trên mặt bị một vết phỏng nhẹ. Bà N. là phóng viên của báo Thanh Niên theo dõi địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2. Cũng ngày 9/4, một đối tượng lạ mặt đã nhắn tin dọa giết phóng viên Trọng Đức báo Lao Động Nghệ An. Theo đó, vào lúc 14 giờ 33 phút ngày 9/4, một người đàn ông đã gọi điện vào máy phóng viên này với nội dung: Sẽ chặt tay, giết chết.

Lý do, phóng viên Trọng Đức đã viết bài đăng trên báo Lao Động Nghệ An phản ánh một số cơ quan nhà nước ở TP. Vinh cho thuê mặt tiền làm ki-ốt kinh doanh.

3. Ngày 3/4, Báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) đưa tin cho biết số điện thoại 0973401056 ngày nào cũng nhắn tin với lời lẽ vô văn hóa, sặc mùi xã hội đen, đe dọa sẽ xử phóng viên Báo NNVN...

4.  Ngày 24/11/2012, phóng viên Nguyễn Đức Khánh, báo Nông thôn ngày nay sau khi chụp ảnh chiếc ô tô "biển xanh" gây tai nạn tại khu vực đường Trần Văn Khéo (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) thì bị một nhóm người xông vào giật máy ảnh, xóa ảnh rồi hành hung, đánh đập…

5. Vụ việc hành hung đánh 2 nhà báo VOV cũng gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Đó là nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, trưởng phòng Thời sự và Hán Phi Long, phóng viên Phòng Thời sự (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) trong vụ cưỡng chế 166 hộ dân (ngày 24/4/2012) tại huyện Văn Giang, Hưng Yên. Sau đó, xác minh các đối tượng hành hung có cả công an.

Và rất nhiều vụ hành hung, đánh đập, đe dọa và khủng bố tinh thần nhà báo khác...

Theo Infonet

Các tin cũ hơn