Xung quanh câu chuyện về hòn đá lạ ở Đền Hùng (Phú Thọ), nhiều ý kiến đồn thổi rằng hòn đá lạ này là một dạng yểm bùa không tốt. Càng đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương, những câu chuyện thêu dệt về hòn đá lạ càng nhiều. PVđã trao đổi với tiến sỹ triết học Nguyễn Văn Vịnh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển.
Mặt trước và sau của "hòn đá lạ" ở Đền Hùng. Ảnh: VnExpress
Thưa tiến sỹ Vịnh, ông đánh giá thế nào về những đồn thổi xung quanh “hòn đá lạ”?
- Theo tôi, câu chuyện về “hòn đá lạ” đang diễn biến theo xu hướng bi hài, nhưng nhìn chung, chúng ta có thể hiểu theo ba cách:
Thứ nhất, ký hiệu trên hòn đá hỗn độn như một nồi lẩu, có cả trận đồ bát quái, có cả chữ Phạn - là câu thần chú của Phật giáo Mật tông, chữ Hán và nhiều ký hiệu khác mang cả yếu tố văn hóa Ấn Độ lẫn Trung Quốc. Tất cả những yếu tố này thể hiện, đây là một thứ lung tung được vẽ ra.
Tôi cho rằng, tác giả của những dòng chữ trên không được đào tạo một cách bài bản ở lĩnh vực bùa chú. Tôi không hiểu tại sao ở một nơi thờ Quốc tổ linh thiêng như Đền Hùng lại có thể làm một việc tùy tiện như thế, bởi vì theo tôi được biết, ngay cả những lãnh đạo địa phương cũng không có quyền làm việc này.
Thứ hai, theo tôi, đá thạch anh mới có tác dụng trấn yểm nhiều nhất, đá ngọc tuy cũng có lợi cho sức khỏe, nhưng không thể bằng đá thạch anh được. Hơn nữa, hòn ngọc trên cũng không phải quá độc đáo, bởi có những khối ngọc lớn hơn hòn ngọc này rất nhiều. Tuy nhiên, hòn ngọc trên có phải là đá quý hay không thì phải bàn bạc, thẩm định và đánh giá lại một cách kỹ lưỡng.
Thứ ba, nếu nói một hòn đá mang lại cát khí cho dân tộc thì rất buồn cười. Tôi có đọc bài viết trên báo Tiền phong nói chính quyền và người dân tỉnh Phú Thọ cho rằng, từ khi đặt hòn đá ở Đền Hùng, mọi công việc diễn ra rất tốt đẹp, suôn sẻ. Tôi cho rằng đó là sản phẩm của trí tưởng tượng hài hước.
- Tôi có đọc phân tích của tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, Viện nghiên cứu Hán Nôm nhận định: “Hòn đá là đạo bùa có sự pha trộn giữa Phật giáo Mật tông, Đạo giáo, phù thủy, trận đồ bát quái của Khổng Minh, cho thấy là một đạo bùa tổng hợp.
Quan sát hình thức bên ngoài một số nhà nghiên cứu cho rằng nó là đạo bùa cát (lành), mong cầu giải tai ương, nhằm thỉnh cầu phúc đức cho một cá nhân, tập thể nào đó, chứ không phải là bùa độc, hoặc bùa trấn yểm, triệt hạ long mạch, linh khí.
Tuy nhiên, các chi tiết khác của hòn đá mà chúng ta chưa biết có thể làm phản lại ý nghĩa trên nếu xem xét lại vị trí đặt hòn đá. Nếu đặt không đúng chỗ thì nó cũng là một cách trấn yểm để triệt hạ linh khí”. Về điểm này, tôi cho rằng TS Diện phân tích khá đầy đủ và chính xác.
Ý kiến của tôi cũng giống ý kiến TS Nguyễn Xuân Diện, không cần phải tổ chức hội thảo để nghiên cứu thảo luận về hòn đá lạ bỗng dưng lạc vào đền Hùng như thế.
Gần đây xuất hiện khá nhiều trường hợp tự phong là nhà nọ, nhà kia, chuyên xử lý và trấn yểm phong thủy, chọn đất cho mai táng hoặc đơn giản là cúng tế giải hạn, xem bói…. Trong thực tế, những việc làm như trên đã có từ lâu trong đời sống xã hội, nhưng ở thời điểm này, những hiện tượng trên nở rộ như nấm sau mưa.
Với lý do là các vấn đề tâm linh nên các thân chủ ít đặt vấn đề phản biện, chỉ đơn giản dựa vào lòng tin để giao tiếp, đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho những trò bịp bợp, lừa đảo lấy tiền nhưng người nhẹ dạ, cả tin.
Xin cám ơn ông!
Theo Nguoiduatin