Hội thảo có sự tham gia của một số lãnh đạo sở VH-TT&DL các tỉnh thành phía Nam, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thời trang, họa sĩ...
Trong lời dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho biết đây là một hoạt động văn hóa của đất nước bởi trên thế giới lễ phục là một phần không thể thiếu của các quốc gia, vì thế việc xây dựng lễ phục là hoạt động văn hiến, khẳng định vị thế độc lập của dân tộc.
Trước ý kiến chê “chất nữ tính” của áo dài cho nam, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng nữ tính là không thể tránh khỏi bởi văn hóa phương Đông vốn âm tính hơn văn hóa phương Tây - Ảnh: T.T.D. |
Thu hẹp từ “quốc phục” thành “lễ phục”
Ông Vương Duy Biên đưa ra một số ý như lễ phục còn liên quan đến thời tiết, mùa đông thế nào - mùa hè ra sao, khó khăn nhất là lễ phục cho nam vì gần như mọi người đã thống nhất lễ phục cho nữ là áo dài. Ðã có rất nhiều ý kiến khen khăn xếp áo the có thể là lễ phục cho nam giới nhưng ông Biên cho rằng khen thì khen thế mà không có mấy ai mặc, vì áo the khăn xếp mặc vào không tiện đi xe máy, xe đạp!
Vì thế nên việc đi tìm, sáng tạo, quy chuẩn hóa lễ phục nhà nước sẽ phải đáp ứng các yếu tố: đẹp, đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, phù hợp với khí hậu, vóc dáng con người VN; kết hợp hiện đại với văn hóa dân tộc, chất liệu sử dụng phải là chất liệu trong nước, màu sắc đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa VN (trong khi cũng chưa biết màu gì tiêu biểu cho văn hóa VN - ông Biên nói thêm). Ðây là đề án của bộ chứ chưa phải đề án của Chính phủ, nếu như chưa tìm được lễ phục thì cũng có những bộ trang phục đẹp cho xã hội và sẽ tìm tiếp.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm (Trung tâm văn hóa lý luận và ứng dụng Ðại học Quốc gia TP.HCM), đây là lần thứ tư vấn đề trang phục truyền thống dân tộc được đem ra bàn luận, nguyên nhân sự thất bại của ba lần trước là do phạm vi đối tượng sử dụng quá rộng và chưa có tiêu chí nên lần này đã thu hẹp từ “quốc phục” thành “lễ phục” cho Nhà nước (không phải cho toàn dân!).
Ở VN, trang phục khăn đóng áo dài của nam giới chỉ có thể xem là đã từng tồn tại gần như một thứ quốc phục vào thời chính phủ Bảo Ðại và Ngô Ðình Diệm thời kỳ cầm quyền cũng mặc khăn đóng áo dài mỗi khi tiếp khách nước ngoài. Thông tư của “Phủ tổng thống Việt Nam Cộng hòa” thậm chí ghi rõ là “tổng thống sẽ mặc quốc phục gồm áo dài màu lam và khăn xếp màu đen vào những ngày đại lễ”.
Áo dài khăn đóng có phải là lựa chọn duy nhất?
Với kinh nghiệm của một nhà ngoại giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định lễ phục ngoại giao còn phụ thuộc vào tính chất hoạt động ngoại giao, có thể chấp nhận sự lựa chọn của cá nhân, nhưng việc trình quốc thư là thay mặt Nhà nước thì phải là trang phục dân tộc.
Bà Ninh cũng kể ra hai ví dụ cho những trường hợp cụ thể như chuyện phu nhân của cố bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã từng bức xúc khi thấy chị em phục vụ ở nhà khách lại mặc áo dài thêu và họ lẫn với các quan chức nhà nước.
Hay việc bà cảm thấy xấu hổ như thế nào khi về thăm Huế cùng khách nước ngoài và đoàn ca múa nhạc cung đình Huế đã làm bà bất ngờ khi họ mặc trang phục dân tộc bằng thứ vải rẻ tiền, không ủi thẳng thớm, trang phục dân tộc khi đó đã bị mặc một cách quá thoải mái vô tư và vô trách nhiệm.
Nhưng trong quan điểm của mình, giáo sư Trần Ngọc Thêm lại khẳng định: “Bản thân lễ phục đã không nhất thiết phải có tính truyền thống và chức năng khu biệt bản sắc dân tộc, huống hồ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, lễ phục ngoại giao trước hết phải mang tính hội nhập nên càng không dễ đưa ra các tiêu chí về tính dân tộc hay tính khu biệt bản sắc dân tộc trong lễ phục ngoại giao”.
Ông Thêm cũng cho rằng việc chọn cặp “complê - áo dài” làm lễ phục ngoại giao chủ yếu của VN chỉ là chính thức hóa một thực tế đang hiện hữu. Trang phục dân tộc truyền thống chỉ có thể lựa chọn trong số những trang phục có sẵn mà người dân ít nhiều còn đang sử dụng. Khố, áo tứ thân, áo nâu sồng... đều không ổn nên áo dài khăn đóng cho nam và áo dài cho nữ vẫn là ổn nhất dù có ý kiến chê “chất nữ tính” của áo dài cho nam.
Theo ông Thêm, nữ tính là không thể tránh khỏi bởi văn hóa phương Ðông vốn âm tính hơn văn hóa phương Tây. “Trang phục dân tộc dùng trong nghi lễ của nam giới ở các dân tộc Ðông Á như Nhật Bản cũng đều “nữ tính” như vậy, huống hồ văn hóa Việt lại thuộc loại âm tính nhất nên “chất âm tính” chính là một nét bản sắc của văn hóa Việt vậy” - ông nói.
Theo Tuoitre