Từ đó đến nay, 40 hộ dân tại khu vực này không dám đầu tư, chăm sóc vườn chè và cà phê nên thiệt hại kinh tế rất lớn. Từ đầu tháng 12/2012 đến nay, đất của 12 hộ dân trong khu vực này còn bị san ủi làm hồ bãi thải bùn đỏ số 6 dù họ chưa được nhận tiền đền bù.
Chị Ka Rít bên khoảnh vườn đã bị san ủi chỉ còn vài luống chè. |
Ngày 2/5, đứng trước mảnh vườn trồng trà trước đây giờ đã bị san ủi trơ đất đỏ, chị Ka Rít chua xót: “Nhà có đất có vườn như vầy nhưng cuối cùng phải đi làm thuê cuốc mướn”.
Gia đình chị Ka Rít có 1,1ha đất trồng chè trong khu quy hoạch khai thác mỏ bôxit năm năm đầu. Từ khi có quy hoạch năm 2008, gia đình chị đã ngưng mọi hoạt động sản xuất để chờ ngày nhận tiền đền bù. Phân không dám bón, cỏ không dám làm nhưng mãi năm năm sau vẫn chưa được đền bù. Cây chết, cây còn lại xơ xác nên mỗi tháng chỉ có thể hái được vài chục ký chè tươi.
Trong khi đó, cả gia đình chị gồm bố mẹ già trên 80 tuổi và em trai đều phải trông chờ vào mảnh vườn này để sống. Giờ đất bị ủi trắng thì chị Ka Rít chỉ còn biết đi làm thuê để nuôi cả gia đình.
Tương tự, ông K’Danh có gần 2ha trồng chè tại khu vực này cũng đã bị san phẳng. Trước khi có quy hoạch thì mỗi lứa (khoảng hai tuần) ông thu được khoảng 1 tấn chè tươi, bán được 400.000- 500.000 đồng. Từ khi có quy hoạch và được khuyến cáo không tiếp tục chăm sóc vườn chè, nguồn thu nhập từ mảnh vườn này cứ giảm dần theo từng năm.
Đã vậy, đến tháng 12/2012 vườn của ông bị san phẳng nên nguồn thu nhập của cả gia đình cũng bị mất. Ông K’Danh cho biết khi ông đến huyện và ban quản lý dự án Tổ hợp bôxit nhôm Lâm Đồng hỏi thì họ cứ hứa sắp có tiền đền bù nhưng đến nay vẫn chưa có. Việc kéo dài thời gian đền bù và san ủi vườn trước khi chi trả tiền đền bù đã gây thiệt hại rất lớn cho gia đình ông.
Bà Dương Thị Huệ có 2,8ha đất tại khu vực này cũng bị san ủi hết từ đầu tháng 12/2012. Theo bà Huệ, trước khi san ủi đất người của ban quản lý dự án Tổ hợp bôxit nhôm Lâm Đồng có đến vận động dân bàn giao mặt bằng trước và hẹn sẽ chi trả tiền đền bù vào cuối tháng 12/2012 nhưng đến nay họ vẫn hẹn tới hẹn lui.
Ông Nguyễn Thanh Phong, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), khẳng định do chưa đền bù cho dân nên trung tâm chưa giao mặt bằng cho ban quản lý dự án Tổ hợp bôxit nhôm Lâm Đồng.
Tuy nhiên, do nhu cầu cần sử dụng đất để làm hồ bãi thải bùn đỏ số 6 nên ban quản lý dự án đã tự thỏa thuận với dân để lấy đất trước khi đền bù.
Hiện nay, ban đền bù của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đang làm theo đúng các trình tự và đã hoàn tất bảng chiết tính, phương án đền bù tại khu vực nói trên (trong đó có 12 hộ dân đã bị san ủi đất mà chưa nhận đền bù) để chuyển cho Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Bảo Lâm phê duyệt.
Cũng theo ông Phong, đất tại khu vực này chậm được đền bù là do phần lớn chưa được đo vẽ, thể hiện trên bản đồ địa chính và việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn.
Theo Tuoitre