Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa cho biết gần 2 tỉ người trên thế giới đã và đang ăn côn trùng với các mức độ khác nhau. Trong 1.900 loài côn trùng ăn được, bọ cánh cứng, sâu, bướm là các món được ưa chuộng nhất bên cạnh ong, kiến, châu chấu, dế…
Theo FAO, là thực phẩm ít béo, giàu đạm, ngoài yếu tố khoái khẩu, ăn côn trùng giúp giảm các chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tạo việc làm ở các nước đang phát triển và nuôi sống hàng triệu người thiếu ăn.
Thưởng thức món bọ cạp chiên giòn tại quán Kiến - Hà Nội |
“Độc và lạ” lên ngôi
Tại Việt Nam, từ lâu, chẳng cần đợi FAO lên tiếng, nhiều người đã “vinh danh” một số loại côn trùng thành “đặc sản”. Nói những món ăn chế biến từ côn trùng đang lên ngôi cũng chẳng ngoa. Giờ đây, dân nhậu vẫn lùng sục những nơi có bán các món “độc và lạ” như sâu, bọ cạp, bọ xít, dế, nhộng, bướm, trứng kiến… để thưởng thức.
Anh Kiên, chủ một quán nhậu bình dân ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa - Hà Nội, khẳng định các món côn trùng được khá nhiều người ưa thích. “Chúng không ghê sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Quán nhỏ của tôi nằm trong ngõ nhỏ, không bảng hiệu, rất khó tìm nhưng vẫn thu hút được nhiều thực khách đam mê món “độc và lạ” đến xơi” - anh cho biết.
Sâu dừa, loại côn trùng mà không ít người chỉ nhìn thấy ngoe nguẩy trên đĩa thôi đã muốn nôn ọe, vậy mà theo anh Kiên, nhiều thực khách rất khoái ăn theo kiểu để sống chấm nước mắm. “Món này hiếm lắm, quán tôi hết hàng mấy hôm nay rồi. Khách hỏi rồi trách móc quá mà chẳng biết làm thế nào” - anh than.
Theo chị Huyền, vợ anh Kiên, món trứng kiến cũng được nhiều người ưa thích. Để đáp ứng yêu cầu của “thượng đế”, anh chị đã cất công tìm tòi và chế biến trứng kiến thành nhiều món. “Tôi từng lên vùng đồng bào Mường, Tày ở miền núi để học cách chế biến. Hiện quán có 3-4 món từ trứng kiến” - chị khoe.
Anh Kiên cho biết ngoài khách ruột là dân thủ đô, người ở nơi khác nghe bạn bè mách cũng tìm đến quán ngày càng đông. “Giá chỗ tôi bình dân thôi: Sâu dừa 8.000 đồng/con; xôi trứng kiến, trứng kiến phồng 120.000 đồng/đĩa; bọ xít, châu chấu chiên giòn 25.000 đồng/đĩa… Mỗi ngày, chúng tôi bán đến mấy ký châu chấu, bọ xít, dế” - anh kể.
Trong khi đó, chị Thùy Anh, chủ quán Kiến trên đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ - Hà Nội, cho rằng món ăn côn trùng đã có từ thời xa xưa, nhiều bậc vua chúa cũng hay dùng chứ không phải mới mẻ gì. “Món ăn côn trùng giờ xuất hiện khắp nơi, từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng” - chị nói.
Chẳng những cánh mày râu, món ăn côn trùng cũng hấp dẫn nhiều chị em. Thùy Anh tiết lộ chị mở quán Kiến một phần nhằm kinh doanh phục vụ thực khách nhưng lý do “khó nói” là để được ăn thỏa thích mỗi khi thèm côn trùng mà không cần phải toát mồ hôi đi tìm chỗ bán nữa!
“Nhiều khách Tây cũng tìm đến thưởng thức món côn trùng. Quán tôi đã đón rất nhiều người đến xơi sâu và bọ xít” - chị cho biết.
Quan sát thực khách đến quán Kiến, chúng tôi nhận thấy họ kêu đủ món, từ bọ cạp, bọ xít, dế trắng chiên giòn; ve sầu, châu chấu rang lá chanh đến chả trứng kiến lá lốt, chả nhộng bướm, xôi trứng kiến, với giá dao động từ 75.000 đồng đến 120.000 đồng/đĩa.
“Nhiều người ban đầu thấy bọ xít hay sâu chẳng dám động đũa nhưng khi đánh liều ăn một con thì lại tấm tắc khen ngon rồi gắp lia lịa” - chị Thùy Anh thích chí.
Tại quán Kiến, chúng tôi gặp chị Dung và một nhóm bạn đang hồ hởi chờ thưởng thức những món khoái khẩu.
“Trước đây, tôi được bạn bè rủ đi ăn côn trùng. Khi thấy những con bọ xít, sâu, bọ cạp… được mang ra, tôi đã phải chạy vào nhà vệ sinh nôn cả mật xanh, mật vàng. Thế nhưng, nghe các bạn động viên, “khích tướng” mãi, tôi đánh liều gắp một con cho vào miệng, thấy vị lạ, chẳng khó ăn như mình nghĩ. Ăn dần, tôi ghiền luôn. Giờ thì cách tuần phải rủ nhau đi ăn một lần cho đỡ nhớ” - chị thú thật.
Nên ăn những loài gây hại
FAO đã kêu gọi các nhà hàng, đầu bếp và tác giả viết về ẩm thực tăng cường tuyên truyền thói quen ăn côn trùng nhằm chống lại nạn đói trên thế giới. Theo FAO, nếu con người đổi thức ăn từ các loại thịt động vật sang côn trùng, tình hình sẽ khác.
GS-TS Bùi Công Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh (Trung tâm Ứng dụng côn trùng học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết côn trùng không chỉ là món ăn mà còn dùng làm nguồn thuốc chữa bệnh.
Một số món “độc và lạ”: bọ xít, ve sầu, dế |
Chẳng hạn, dòi ruồi có tác dụng chống nhiễm trùng vết thương; nọc ong, mật ong, sữa ong chúa, kiến, mối có thể chữa bệnh thấp khớp, viêm phế quản, viêm ruột, viêm bàng quang, phù thũng... Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều loài côn trùng còn được sử dụng để bổ âm, tráng dương, tăng cường sinh lực.
Nhiều loài côn trùng đã gây ra thiệt hại to lớn cho con người như dịch châu chấu, cào cào tàn phá mùa màng và mọi thứ khi chúng tràn qua. Mối cũng phá hoại rất nhiều thành quả do con người làm ra. Do đó, trong một giới hạn nhất định, việc sử dụng các loài côn trùng này làm thức ăn cũng có thể giúp đẩy lùi được nhiều dịch hại nguy hiểm.
TS Phạm Hồng Thái, Phòng Hệ thống học côn trùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, cho biết côn trùng thường ít chất béo hoặc hoàn toàn không có nên ăn chúng rất tốt, khỏi lo béo phì. Tuy nhiên, việc đánh bắt các loài côn trùng một cách ồ ạt để làm thức ăn có thể gây mất cân bằng sinh thái. Do đó, TS Thái cho rằng nên ăn giới hạn hoặc chỉ dùng các loài côn trùng được nuôi.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Cúc, nguyên giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng những loài côn trùng thiên địch, ký sinh có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống con người.
Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thế cân bằng sinh học có lợi cho con người. Chúng còn là trợ thủ vô giá cho con người trong việc kiểm duyệt sinh học và tiêu diệt sâu hại. Do đó, khi sử dụng côn trùng làm thức ăn, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ để tránh tình trạng hủy diệt những loài có ích cho con người.
Coi chừng mang họa Lương y Vũ Quốc Trung cho biết có những loài côn trùng chứa độc chất nhất định, có thể gây hại cho con người. Chẳng hạn, bọ cạp có nọc độc, nếu không biết cách chế biến để ăn (hoặc ngâm rượu uống) sẽ rất nguy hiểm. “Ở Việt Nam đã từng có người chết bởi ăn bọ cạp” - ông Trung khuyến cáo. Với bọ xít, ông Trung cho biết hầu hết rất hôi. Rất nhiều ký sinh trùng bám vào cơ thể bọ xít nên tốt nhất là không ăn loại côn trùng này. Theo ông Trung, cơ thể con người vốn nhạy cảm với các loại virus. Vì vậy, tùy vào cơ địa, người này ăn không sao nhưng người khác dùng sẽ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. “Chúng ta ăn cần có sự lựa chọn. Với những loài chứa nọc độc như bọ cạp, ong đất, ong vò vẽ…, phải hết sức thận trọng khi ăn hoặc ngâm rượu uống. Nếu không biết cách loại bỏ độc tố thì tốt nhất không nên ăn chúng kẻo sẽ rước họa vào thân” - ông Trung lưu ý. PGS-TS Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng nhiều loài côn trùng là tác nhân truyền các bệnh nguy hiểm cho con người. Vì vậy, nếu muốn sử dụng côn trùng làm thức ăn, chúng ta cần hết sức thận trọng trong khâu nuôi, đánh bắt, cho sinh sản, nhất là khâu chế biến để tránh bị ngộ độc do không loại bỏ được hết độc chất. Theo TS Phạm Hồng Thái, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và công bố loài côn trùng nào làm thực phẩm thì có lợi hay có hại cho con người. Hiện nay, nhiều người chế biến côn trùng làm thức ăn chỉ bằng kiến thức cá nhân và kinh nghiệm dân gian nên khó bảo đảm an toàn. |
Thực phẩm của người nghèo Dân thị thành đang coi các món côn trùng là “độc và lạ” nhưng với những người ở nông thôn, chúng chẳng hề xa lạ. Nhiều gia đình thậm chí còn ăn một số loài côn trùng như châu chấu hoặc dế hằng ngày. Anh Nguyễn Văn Kéo, nhà ở huyện Quốc Oai - Hà Nội, cho biết vào mùa gặt, anh và bạn bè thường mang vợt ra đồng để bắt châu chấu về vặt bỏ cánh rồi rang hoặc chiên giòn. “Đó là thực phẩm cho bữa ăn của người nghèo. Bọ xít cũng vậy, mùa nhãn, vải có rất nhiều, khi còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi vẫn bắt nướng, ăn rất ngon” - anh Kéo nói. |
Theo Người lao động