Nghĩa địa dưới nền nhà
Trước đó, khi đào móng làm nhà, hai hàng xóm của bà Được tìm thấy tổng cộng 34 quan tài, nên khi làm nhà cho các con, bà cũng đi nhờ nhà ngoại cảm Đào Hồng Quân giúp đỡ.
Ngày 6.5.2013, người nhà bà Được tới gặp nhà ngoại cảm Đào Hồng Quân, ở khu Vĩnh Tâm, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông triều, Quảng Ninh. “Thầy Quân nói, ở dưới còn rất nhiều mộ.
Gia đình cứ về san gạt nền bình thường, khi nào mặt bằng xây dựng sâu chừng 1 m, thầy sẽ tới chỉ chỗ có mộ để gia đình quy tập đưa về nghĩa trang” – chị Lê Thị Nga – con gái bà Được – kể tiếp – “Ngày 9/5/2013, khi mặt bằng đã xong, thầy Quân xuống tận nơi chỉ chỗ có mộ cho gia đình đào. Trên mặt bằng đã đào sâu chừng hơn 1m, thầy Quân chỉ chỗ nào gia đình đào chỗ ấy. Ngày thứ nhất được 4 quan tài, ngày thứ 2 cũng được 4 quan tài”.
Có lẽ, do đã chứng kiến các cuộc khai quật quan tài bên nhà hàng xóm, nên chị vẫn trấn tĩnh được dù số lượng quan tài dưới nền nhà gia đình mỗi lúc một tăng, nhưng những người nghe chị kể không khỏi rùng mình.
Toàn cảnh khu khai quật. |
Dưới kia, chiếc máy xúc và nhóm thợ vẫn cần mẫn, tỉ mỉ bóc từng chút đất một, để bảo đảm nguyên vẹn của các quan tài; bên trên, những người hiếu kỳ kéo đến mỗi lúc một đông nghe cuộc trò chuyện giữa nhóm phóng viên với chị Nga và các thành viên trong gia đình bà Được.
Ngày thứ 3: 10 chiếc quan tài được tìm thấy. Cả TP.Cẩm Phả “nóng” lên. Quốc lộ 18 – đoạn đi qua ngay nhà bà Được – có lúc gần như ùn tắc bởi đặc kín người xem, gồm cả dân địa phương và người đi đường. Từ thời điểm đó cho đến chiều tối 13.5 – thời điểm tìm thấy chiếc quan tài cuối cùng – gần như chiều nào người dân cũng kéo đến xem đặc kín xung quanh hiện trường khai quật.
Ngày thứ 4 cũng là một ngày cao điểm khi nhóm thợ tìm thấy 12 quan tài. 30 chiếc quan tài dưới nền nhà! Chưa hết đâu, nhà ngoại cảm khẳng định như đinh đóng cột, để rồi trong ngày thứ 5, chiếc quan tài thứ 31 và 32 được đưa lên mặt đất.
Chị Nga bảo, theo thầy Quân, dưới nền ngôi nhà cao tầng của chị (kế bên mảnh đất mẹ chị xây nhà cho các anh, em trai) còn tới… 8 quan tài nữa! Chị mong các “cụ” thông cảm và phù hộ, bởi gia đình hiện chưa đủ điều kiện để phá dỡ ngôi nhà kiên cố.
Cuộc khai quật ly kỳ
Đây có lẽ là cuộc khai quật hài cốt lớn nhất trên đất mỏ, dưới sự “chỉ huy” của nhà ngoại cảm Đào Hồng Quân – người mà thiên hạ đồn đoán thuộc “top 10” những nhà ngoại cảm cao tay nhất nước hiện nay. Nghe nói, thầy là một trong số ít thợ lò của một mỏ than ở Mạo Khê sống sót trong một vụ tai nạn hầm lò cách đây nhiều năm. Từ cõi chết trở về, thầy trở thành người như hôm nay.
Mỗi quan tài được đưa lên, thầy Quân lại đọc chi tiết về quê quán, ngày mất, nghề nghiệp…của người ở cõi âm, để chị thư ký ghi vào sổ. Theo đó, các “cụ” nằm ở đây, sớm nhất là vào năm 1944, muộn nhất vào năm 1954, với tuổi đời rất trẻ từ 17 – 30 tuổi. Có hai cụ người Hoa, họ Triệu và họ Hoàng; còn lại là người ở các địa phương miền Bắc, như Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương…ra miền đất này làm ăn, rồi nằm lại.
Có lẽ, Hưng Yên có nhiều cụ nằm trong danh sách này nhất, khoảng 5 cụ. Theo nhà ngoại cảm Đào Hồng Quân, đã có một gia đình ở tỉnh này đến xin phép đưa hài cốt của người thân là An Văn Bặc, An Văn Rặc và An Văn Điển về quê an táng.
Ngoài ra còn có hai cụ họ Nguyễn – là hai chị em ruột – ở huyện Tiên Lữ, mất khi còn rất trẻ trong một vụ tai nạn khi đi nhặt thuê than ở Cẩm Phả. Những người phu mỏ khi ấy đã dùng giát giường chôn cất hai cụ tại địa chỉ này, mà trước đây là những gò đất nhỏ nằm sát bờ vịnh Bái Tử Long.
Bộ hài cốt thứ 31 vừa được đưa vào tiểu sành để an táng ở nghĩa trang Cọc 3. |
Mỗi chiếc quan tài – chủ yếu là bằng gỗ, có trường hợp là chum hoặc bó bằng các giát giường – được đưa lên, người nhà gia đình bà Được cẩn trọng nhặt, rửa sạch từng mảnh xương rồi đặt vào tiểu sành, cùng chút ít gọi là “gia tài” của các cụ.
Có lẽ, phần lớn đều là phận làm thuê, nên “gia tài” của các cụ cũng không có gì đáng giá, ngoài 1 vòng vàng (trong quan tài của cụ Nguyễn Thị Nụ, quê Thái Bình, mất năm 1945) và mấy đồng tiền vàng trong một quan tài khác. Quan tài của cụ Vũ Công Xưởng còn có cả một đôi côn gỗ.
Cuối buổi chiều 13.5, dường như những người hiếu kỳ tập trung về nhà bà Được ngày một đông, có lẽ, do biết nhóm thợ đang chuẩn bị đưa chiếc quan tài thứ 32 – chiếc quan tài cuối cùng – lên. Lực lượng chức năng phường Cẩm Sơn phải làm việc cật lực mới đảm bảo được an toàn giao thông cho QL 18 gần đó. Trong ánh mắt chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, phải đến 18 giờ, nhóm thợ mới tìm thấy chiếc quan tài thứ 32, ở độ sâu phải tới 4 m so với mặt nền nhà cũ.
Nước mắt ngày “trùng phùng”
Một buổi lễ cầu siêu cho 32 “cụ” đã được tổ chức ngay tại hiện trường, dù phần lớn những hài cốt trước đó đã được chuyển về nghĩa trang Cọc 3, chùa Phả Thiên, nằm đối diện với nhà bà Được, qua QL 18. Gia đình bà đã bỏ hàng trăm triệu đồng mua các suất đất ở đây, để xây mộ cho các “cụ” và hi vọng, một ngày nào đó, con cháu, người thân sẽ tìm thấy phần mộ của các “cụ” sau hơn nửa thế kỷ lưu lạc, tính đến thời điểm này.
Trong dòng người đổ về nhà bà Được mấy ngày đó, không ít người tìm đến với hi vọng mong manh: Tìm được hài cốt của người thân. Hạnh phúc nhất trong số đó là ông Trần Đức Chiếng – 76 tuổi, trú tại tổ 79, phường Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả. Ông đã tìm được hài cốt của mẹ – cụ Nguyễn Thị Mỵ – mất năm 1946.
Ông Chiếng kể, năm 1944, gia đình ông chuyển từ Móng Cái về Cẩm Phả thì hai năm sau mẹ ông mất. Khi đó, mẹ ông ngoài 30, còn ông mới 10 tuổi. “Ngày đó, vị trí tìm thấy mẹ tôi bây giờ là mấy cái gò cát hoang, nằm gần bờ biển. Sau này quay lại thấy người ta làm nhà kín khu vực này nên không biết mẹ tôi nằm ở đâu nữa”.
Bà Nguyễn Thị Khang – vợ ông Chiếng – nghẹn lời: “Nếu họ không làm nhà thì cũng chẳng biết đến bao giờ mới tìm được mẹ chồng”. Vậy là đã 67 năm, mắt mờ, chân yếu, đôi vợ chồng già mới “gặp” lại mẹ mình.
Trong khi đó, gia đình của 3 cụ họ An – gồm An Văn Bặc, An Văn Rặc và An Văn Điển – quê Hưng Yên cũng đến 99,9% tìm thấy các cụ, sau hơn nửa thể kỷ. Anh An Văn Hậu – cháu của ba cụ, hiện đang công tác tại Cty Môi trường Vinacomin, TP.Cẩm Phả – cho biết: “Con cháu, người nhà ở ngoài Bắc đều tin đây đúng là hài cốt của các cụ, nhưng một số họ hàng ở miền Nam còn chưa tin lắm, nên cần kiểm tra lại một lần nữa”.
Cũng theo anh Hậu, với những gì nhà ngoại cảm có uy tín cung cấp, cùng thông tin của các cụ cao tuổi ở làng, cũng như vị trí khai quật, chắc chắn đó là hài cốt của người thân trong dòng tộc. “Vì thế, trước mắt, các cụ trong quê bảo cứ tạm thời an táng ở nghĩa trang Cọc 3, chùa Phả Thiên. Sau này, đợi người nhà ở trong Nam xác minh xong sẽ xin chuyển về quê Hưng Yên”.
Việc khai quật các quan tài dưới nền nhà bà Nguyễn Thị Được đã kết thúc, nhưng câu chuyện hậu khai quật có lẽ mới bắt đầu. Rồi đây, biết đâu sẽ có nhiều gia đình, dòng tộc tìm thấy hài cốt của người thân mình tại nghĩa trang Cọc 3, chùa Phả Thiên, TP.Cẩm Phả. Chứng kiến cuộc khai quật 5 ngày, đưa 32 bộ hài cốt về nơi an nghỉ cuối cùng khang trang, có tên tuổi, sau hơn nửa thế kỷ ẩn danh trong cõi âm, ai cũng mong điều đó đến sớm.
Theo Laodong