Trong cuộc phỏng vấn với AP và kênh Channel 1 của Nga, Tổng thống Putin đã hé lộ một số thông tin về hợp đồng chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Syria.
Đề cập tới hệ thống tên lửa phòng không S-300, Tổng thống Putin đã không ngại ngần đánh giá S-300 hơi cũ kỹ nhưng "có thể vẫn tốt hơn tên lửa Patriot (của Mỹ) một chút ít", đồng thời xác nhận quá trình chuyển giao S-300 theo hợp đồng đã ký trước đó với Syria.
"Chúng tôi đã cung cấp một số thành phần (tổ hợp tên lửa S-300) nhưng quá trình chuyển giao chưa hoàn tất. Chúng tôi đang tạm thời trì hoãn nó", ông Putin nói. Đây là lần đầu tiên ông Putin thừa nhận về việc tạm hoãn cuộc chuyển giao lô tên lửa S-300 tới Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng cho rằng việc chuyển giao có thể tiếp tục nếu hành động chống lại Syria vi phạm luật quốc tế.
"Tuy nhiên, nếu chúng tôi nhận thấy rằng những bước đi đó (Mỹ tấn công Syria) vi phạm vào các tiêu chuẩn quốc tế hiện có, chúng tôi sẽ cân nhắc về cách hành động trong tương lai, đặc biệt là liên quan tới việc cung cấp các loại vũ khí nhạy cảm tới một số khu vực nhất định trên thế giới" - Ông Putin nhấn mạnh.
Thông điệp vì Iran?
Trước đó, ông Putin tuyên bố sẽ không vì một quốc gia nào để động binh gây chiến, tuy nhiên, qua lời tuyên bố này, có thể thấy rằng, Nga sẽ ủng hộ Syria của ông Assad theo cách riêng, ít nhất, Damascus sẽ nhận được những loại vũ khí hiện đại của Nga.
Cũng từ cụm từ “khu vực nhất định” trong tuyên bố của ông Putin, đây còn có thể là một dấu hiệu cho thấy khả năng khôi phục hợp đồng chuyển giao S-300 cho Iran mà Nga đã hủy bỏ vài năm trước, do sức ép từ phía Mỹ và Israel?
Tại Trung Đông, có thể nói là cái gai trong mắt lớn nhất của Mỹ là Iran chứ không phải Syria. Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng sau Syria, không sớm thì muộn Mỹ sẽ tìm cách nhổ cái gai này. Và cũng với cách thức đã làm với Iraq trước đó, gây sức ép và áp dụng những lệnh trừng phạt để làm suy kiệt khả năng quân sự và tiềm lực kinh tế.
Trước đó, năm 2007, Nga đã phải hủy hợp đồng bán S-300 cho Iran. Nhưng qua tình hình Syria, Tổng thống Putin cũng ngấm ngầm gửi đi một thông điệp cho Mỹ về việc Nga sẽ không chịu nhượng bộ như đã làm vài năm về trước.
Tuy nhiên, ông Putin cũng thể hiện nước Nga không phải là quốc gia bảo vệ đồng minh mù quáng và thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Putin khẳng định Matxcơva sẽ “hành động cương quyết và nghiêm túc” nếu phương Tây chứng minh được rằng quân đội của al-Assad sử dụng vũ khí hóa học để tấn công lực lượng nổi dậy.
“Nếu có bằng chứng cho thấy quân đội Syria dùng vũ khí hóa học, các bằng chứng đó phải thuyết phục và phải được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” - ông Putin nhấn mạnh.
Trại tị nạn Zaatari ở Jordan được thành lập vào ngày 28/7/2012 dành cho người Syria chạy trốn khỏi chiến tranh. |
Tổng thống Nga tuyên bố bất kỳ hành động quân sự nào đối với Syria mà không có sự chấp thuận của LHQ đều là "xâm lược". Tuy nhiên, ông Putin không tiết lộ Nga sẽ hành động thế nào nếu như Mỹ đơn phương tấn công Syria.
Trước đó, hôm 1/9, Tổng thống Nga lần đầu lên tiếng về các bằng chứng của Mỹ chứng tỏ Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học. Ông Putin cho rằng: “Nếu họ (chính quyền Mỹ) nắm bằng chứng trong tay thì phải trình lên LHQ để kiểm tra và đưa ra phán quyết công bằng nhất”.
Dân chạy loạn Gần hai triệu người Syria đã đổ sang các nước láng giềng, thậm chí nhiều nước xa xôi khác, để lánh nạn kể từ khi quê hương chìm trong nội chiến. Họ buộc phải chấp nhận cuộc sống chen chúc và thiếu thốn trong những căn lều tạm bợ. Trại tị nạn Zaatari ở Jordan được thành lập vào ngày 28/7/2012, để làm nơi trú ngụ cho những người Syria chạy trốn cuộc nội chiến nổ ra năm 2011. Đến 4/7 năm nay, dân tị nạn tại Zaatari ước tính là hơn 140.000 người, khiến khu trại này trở thành thành phố lớn thứ tư của Jordan. Jordan đang nỗ lực hạn chế dòng người tị nạn từ Syria bằng cách đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, người dân Syria vẫn tìm được đường để vượt biên. Các nước láng giềng của Syria đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, hoặc phải để người tị nạn nhập cảnh và đối mặt với nguy cơ quá tải, hoặc phải hạn chế dòng người tị nạn và tạo ra các khu trại lớn giống như các trại ở biên giới Jordan. |
Theo BBC, ngày 4/9, các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã nhất trí về một dự thảo nghị quyết ủng hộ việc dùng lực lượng quân sự Mỹ chống lại Syria "ở mức hạn chế” và cấm dùng các lực lượng bộ binh tấn công vào đất Syria. |
Theo Baodatviet