Tại cuộc họp giao ban tình hình an toàn giao thông 8 tháng đầu năm trên địa bàn TP. HCM sáng 4/9, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông thành phố cho biết, qua khảo sát 159 tuyến đường các quận huyện đã ký cam kết với UBND TP trong năm 2012 nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm nay bắt đầu có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Theo ông Tường, tình trạng phổ biến ở hầu hết các tuyến đường là hộ kinh doanh ở mặt tiền lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, dựng xe. “Nhất là về đêm, từ 19h đến tận khuya, có nơi kéo dài đến sáng. Các con đường trở thành phố ‘ăn nhậu’ gây mất trật tự an ninh và mỹ quan như đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp), Thành Thái, Bắc Hải (quận 10)…
Nghiêm trọng hơn, một số hộ kinh doanh phụ tùng ôtô ngang nhiên dùng lòng đường để làm gara sửa chữa như đường Lý Thái Tổ (quận 3, quận 10), đường An Dương Vương (quận 5)”, vị Phó ban An toàn giao thông thành phố cho biết.
Các điểm kinh doanh phụ tùng biến lòng đường thành gara sửa ôtô trên đường Lý Thái Tổ (quận 3, quận 10). |
Bên cạnh đó, các chợ tự phát vẫn còn nhiều ở các tuyến đường Trang Tử (quận 5), Lê Văn Thọ, Dương Quảng Hàm, Thống Nhất (Gò Vấp), đường Cô Bắc, Cô Giang (quận 1)… Tình trạng tụ tập, mua bán gia cầm, trái cây trên các cây cầu Trường Đai, An Lộc, Chợ Cầu, Tham Lương (quận 12 và Gò Vấp) đang diễn ra hàng ngày.
Nghe báo cáo, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã truy trách nhiệm các quận, huyện để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Theo đó, với những thông tin cũng như hình ảnh mà Ban an toàn giao thông thành phố cung cấp, lãnh đạo các quận 3, 5 và 10 đều thừa nhận có tình trạng trên.
“Một số hộ bán phụ tùng ôtô đã lợi dụng để thay lốp, bơm xe rồi chạy đi chứ không phải dừng lại giữa lòng đường để sửa chữa. Sau khi phát hiện quận đã chỉ đạo phường xử lý và đã giảm”, lãnh đạo quận 3 cho biết.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Công an quận 5, do địa bàn nhỏ nhưng có mật độ dân cư quá đông nên khó quản lý, dẫn đến tình trạng buôn bán mất trật tự trên đường Nguyễn Tri Phương. “Thành phố nên xem xét rút giấy phép các quán nhậu, chứ diện tích chỉ có 30 m2 mà cấp phép kinh doanh thì chắc chắn sẽ phải tràn xuống lòng đường”, vị này đề nghị.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho rằng, việc xử lý các điểm kinh doanh ăn uống lấn chiếm lòng lề đường phải tuân theo quy định chứ không phải muốn rút là rút được. “Quy trình xử lý có rồi, quan trọng là làm có quyết liệt không thôi. Nếu vi phạm lần đầu thì lập biên bản xử phạt hành chính, lần thứ 2 thì đình chỉ kinh doanh và nếu tiếp tục tái phạm thì sẽ đề nghị rút giấy phép, không cho buôn bán nữa”, ông Tín yêu cầu.
Đối với các hộ kinh doanh phụ tùng ôtô làm gara sửa xe ngay giữa lòng đường, vị Phó chủ tịch phụ trách giao thông – đô thị cho biết ông đã thấy nhiều trường hợp "rã xe ra giữa đường để sửa luôn chứ không chỉ là dừng lại bơm rồi chạy đi như quận 3 báo cáo". “Ngay trong tháng 9 này, các quận, huyện để xảy ra mất trật tự lòng lề đường mà Ban an toàn giao thông đã nêu phải xử lý ngay", ông Tín chỉ đạo.
Vào ban đêm, nhiều tuyến đường ở TP. HCM biến thành phố "ăn nhậu", đẩy người đi bộ xuống lòng đường. |
Tại cuộc họp, đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC 67, Công an TP. HCM) cũng cho biết, tình trạng đua xe trên địa bàn TP. HCM giảm rất nhiều so với năm 2012. Công an thành phố đã yêu cầu "chỉ cần phát hiện các nhóm tập trung có dấu hiệu đua xe là phải báo ngay về trung tâm chỉ huy" để giải tán ngay từ đầu nên các vụ đua xe trái phép đã không xảy ra.
“Tuy nhiên, vào các đêm cuối tuần hoặc ngày lễ vẫn còn tình trạng những tốp thanh niên chạy môtô, gắn máy từ hàng chục đến hàng trăm xe tụ tập, biểu diễn gây mất trật tự. Cũng còn tình trạng đua xe chớp nhoáng 5 - 10 xe trong các tuyến đường nội bộ ở các khu đô thị mới đang được xây dựng, chưa có người ở”, ông Trà nhìn nhận.
Báo cáo với UBND TP, vị trưởng phòng PC 67 cho hay, trong 8 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã lập biên bản hơn 11.500 trường hợp, tạm giữ gần 6.000 phương tiện. Các tuyến đường “nóng” về tình trạng thanh thiếu niên tụ tập có tuyến Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), tuyến Phạm Phú Thứ - Cao Văn Lầu (quận 6), tuyến An Dương Vương - Dương Bá Trạc - Hoàng Diệu - Lê Đại Hành…
“Sắp tới thành phố sẽ cho lắp đặt các camera có độ phân giải cao ở các điểm nóng về giao thông. Qua đó, cơ quan chức năng có thể thấy được cả biển số xe cũng như ghi nhận tốc độ của phương tiện để có căn cứ xử lý chứ không chỉ có tác dụng cảnh báo như các camera hiện nay”, Phó chủ tịch thành phố chỉ đạo.
Theo Ban an toàn giao thông TP. HCM, trong 8 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn đã xảy ra 2.795 vụ tai nạn giao thông, làm chết 532 người và bị thương hơn 2.800 người. So với cùng kỳ năm 2012, giảm 781 vụ tai nạn (giảm 21%), giảm 7 người chết (1,3%), và giảm 820 người bị thương (22,6%). Đồng thời cũng không xảy ra vụ ùn tắc nào kéo dài trên 30 phút (năm 2012 là 8 vụ). Trong khoảng thời gian này, CSGT thành phố đã xử phạt hơn 526.000 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc hơn 207 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe hơn 62.000 trường hợp, tạm giữ hơn 49.000 xe các loại. Tính đến tháng 8 năm nay, TP. HCM đang quản lý 6,3 triệu phương tiện, riêng xe máy là 5,8 triệu, số còn lại là ôtô. |
Theo VNE