Ngay sau thông tin cảnh sát giao thông ra quân đặt chốt gần các quán nhậu để xử phạt người uống rượu bia vẫn lái xe, giới kinh doanh quán nhậu, nhà hàng ở TP.HCM tìm mọi cách để khách rời quán không bị xử phạt.
Ghi nhận của PV, nhiều quán lên kịch bản ứng phó hẳn hoi. Là chủ một loạt các quán nhậu và đang có ý định mở thêm chi nhánh ở khu dân cư Bình Hưng, quận 8, anh Quang Nhật sẽ trang bị đội xe ôm cơ động. Theo anh, nếu không có biện pháp chắc quán mất hết khách và đóng cửa. Khách ở đây đa phần là dân lao động. Họ đi xe máy đến, nên ai "giải khát" xong cũng leo lên xe về. Cảnh sát mà lập chốt thì 100% khách bị dính ngay.
Đội xe ôm của anh sẽ chở khách một đoạn và chạy xe của khách sau khi nhậu qua chốt chặn cảnh sát rồi mới giao xe cho "thượng đế" của mình. Với kế hoạch này, quán phải cử một "đội trinh sát" xem có lực lượng xử phạt đứng gần đó không. "Chi phí cho đội quân thám thính và đội ngũ xe ôm là không nhỏ, nhưng đành phải chịu, nếu muốn kinh doanh tiếp", anh Nhật phân trần.
Chủ quán ăn trên đường số 48, quận 4 đã vạch kế hoạch né cơ quan chức năng từ mấy ngày nay. Quán có sẵn một đội chuyên trông giữ, toàn bộ xe của khách sẽ được bảo vệ đem đi gửi chung ở sân bóng gần đó. Khu này quy tụ nhiều thành phần, từ già đến trẻ và đa số là dân chơi thể thao.
“Do vậy, khi ra về, cảnh sát giao thông cũng khó mà phát hiện đâu là dân chơi thể thao, ai là dân nhậu”, chủ quán tiết lộ.
Đại diện quán lẩu cá kèo trên đường Trương Định, quận 3 cho hay, thay vì để xe trước cửa như trước, chủ quán đã thuê thêm bãi gửi xe ở các công trình xây dựng chưa thi công, chỗ khu đất trống gần kề.
“Nơi đó có cả gửi xe của trường học lẫn công ty nên mỗi lần ra về đường chật cứng, xe chạy tấp nập, tôi nghĩ cảnh sát giao thông cũng phải bó tay chứ sao bắt nổi”, chủ quán này nói.
|
Cảnh sát chốt chặn gần quán nhậu khiến giới kinh doanh hàng quán lo sốt vó tìm cách qua mặt. |
Không có khả năng thuê xe ôm, bãi giữ xe, nhiều nơi chỉ cho khách cách né cảnh sát giao thông sau khi đã có bia rượu trong người.
Chủ quán nhậu ở quận 8 kể, mấy hôm nay có nhiều khách đến than phiền đã bị phạt sau khi rời quán. Nếu tình trạng này kéo dài, anh lo ngại sẽ mất hết khách và đối mặt với khả năng đóng cửa. "Mình chỉ biết hướng dẫn khách nên đi các đường nhỏ, hẻm và khi ra đường lớn thì ráng đi đàng hoàng, không lạng lách, nên bịt khẩu trang như người đi đường để cảnh sát không chú ý", anh nói.
Còn quản lý quán nhậu trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh cho hay, nếu cảnh sát giao thông cắm chốt trước khu vực kinh doanh của anh, anh sẽ nhắc nhở khách nên dắt xe đi bộ qua cảnh sát giao thông một đoạn, sau đó mới phi về nhà. "Như vậy cảnh sát không có lý gì tuýt còi khách vì thực chất họ đâu có ngồi trên xe điều khiển phương tiện", anh tâm đắc với ý tưởng của mình.
Cách của ông chủ nhà hàng trên đường Kiều Đàm, quận 7 là chỉ khách về cửa sau. Thay vì đi hướng mặt tiền như lúc mới vào, khách hàng có thể thoát khỏi tầm ngắm của cảnh sát giao thông bằng hẻm nhỏ sau nhà.
"Tôi thấy, dù có cải trang bằng cách nào đi nữa thì cũng chẳng qua mắt được cảnh sát giao thông nếu họ thấy khách đi từ quán của tôi ra. Do vậy, để không mất khách và giúp họ hài lòng, cách tốt nhất là cho khách vào cửa trước nhưng về cửa sau”, chủ quán này chia sẻ.
Theo VnExpress