Mở cửa sáng cuối tuần, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 40,41-40,49 triệu đồng, tăng 80.000 đồng chiều thu gom, còn bán ra giảm 140.000 đồng so với sáng hôm qua. Biên độ mua bán thu hẹp còn 80.000 đồng mỗi lượng, giảm 220.000 đồng so với ngày 14/6.
Công ty đầu tư vàng Phú Quý lúc 8h49 cũng tăng giá thu mua 60.000 đồng, lên 40,39 triệu đồng, còn bán ra giảm 110.000 đồng, xuống mốc 40,49 triệu đồng so với sáng 14/6. Chênh lệch giữa mua và bán là 100.000 đồng.
|
Giá vàng mua bán trong nước điều chỉnh ngược chiều nhau. |
Tại TP.HCM, giá mua bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay vẫn còn niêm yết của mức giá cuối ngày hôm qua, quanh 40,33-40,60 triệu đồng.
Việc điều chỉnh giá mua bán vàng của các doanh nghiệp trong nước sáng nay không theo xu hướng của thế giới. Mỗi ounce giao ngay trên thị trường quốc tế đóng cửa ngày 14/6 tăng gần 6 USD, lên sát 1.387,6 USD.
Nếu quy đổi ra tiền đồng theo tỷ giá bán của ngân hàng, mỗi lượng vàng hiện tương đương gần 35,18 triệu đồng một lượng. Mức giá này thấp hơn trên dưới 5,3 triệu đồng so với niêm yết bán vàng SJC của các doanh nghiệp.
Động thái điều chỉnh giảm giá bán, tăng giá mua cho thấy các doanh nghiệp đang có xu hướng kích thích nhu cầu mua vào của khách trong bối cảnh nguồn cung vàng liên tục được Ngân hàng Nhà nước đưa ra thị trường.
Hôm qua đã có thêm 25.700 lượng vàng được các ngân hàng và doanh nghiệp mua trong phiên đấu giá lần thứ 31. Kể từ ngày 28/3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 31 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 787.300 lượng vàng, tương đương 30,2 tấn vàng.
Theo giới chuyên gia, khi các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng vào 30/6 sẽ phần nào giúp cho thị trường ổn định hơn và đóng góp vào tiến trình chống vàng hóa.
Theo VnExpress