Nhà hàng lo cảnh sát giao thông lập chốt chặn trước cửa

Thứ sáu, 07/06/2013, 07:36
Kinh doanh của trên 500 nhà hàng đang hoạt động tại TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng nếu quy định cảnh sát giao thông lập chốt chặn ngay trước những nơi này để xử lý tình trạng nhiều người uống rượu bia vẫn lái xe có hiệu lực.

Theo ghi nhận của PV, những người kinh doanh quán ăn, nhà hàng tại TP.HCM tỏ ra lo lắng sau thông tin Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo cảnh sát giao thông chặn trước nhà hàng để xử phạt người uống rượu vẫn lái xe.

Đại diện Nhà hàng bia Hoa Viên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 bất ngờ với đề xuất của lãnh đạo thành phố. "Nhà hàng ở TP.HCM không phải ít, mà đã chốt chặn thì phải ra quân đồng loạt nhưng liệu cảnh sát giao thông có đủ lực lượng để kiểm tra hay sẽ nảy sinh tiêu cực. Chúng tôi chờ khi nào có quyết định chính thức mới có những điều chỉnh", ông nói. 

Theo vị này, khách của nhà hàng ông thường là dân văn phòng, tầng lớp trung lưu. Mục đích chính của mọi người là cần không gian để giao lưu, họp mặt bạn bè và thường không ai quá say khi rời khỏi đây. Những bữa tiệc sẽ kém xôm tụ, vui vẻ nếu thiếu ít rượu bia.

Đại diện của chuỗi 3 nhà hàng bia lớn ở TP.HCM nghi ngờ tính khả thi của đề xuất trên. Bởi việc làm này khó làm giảm tai nạn giao thông do uống rượu bia mà còn gây hiệu ứng ngược, ảnh hưởng kinh doanh. "Chúng tôi là đơn vị bán, còn người uống phải có trách nhiệm để không vi phạm luật, tôi nghĩ rất nhiều nhà hàng sẽ phản ứng nếu quyết định có hiệu lực", đại diện chuỗi nhà hàng bia trên khẳng định.

Còn ông Bùi Thanh Lương, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng tiệc cưới Adora, quận Gò Vấp chia sẻ, một khách uống bình quân 3 lon bia. Tỷ lệ uống bia của nam giới tới hơn 90% nên nếu chủ trương này được ban hành, giới kinh doanh nhà hàng, quán ăn sẽ bị ảnh hưởng, có thể làm lợi cho dịch vụ taxi.

Ông Lương cho rằng cần làm rõ nồng độ cồn bao nhiêu mới bị phạt, uống mấy chai hoặc lon sẽ bị xử phạt...

Đại diện của Trung tâm hội nghị tiệc cưới Riverside Palace quận 4 cho hay, khoảng 50% lượng khách đến đây sử dụng rượu bia. "Chủ tiệc cưới sẽ trả tiền toàn bộ chi phí nên người đến dự tiệc uống hay không là tùy vào từng người. Nhưng nếu quy định ban hành có thể sẽ chẳng mấy người dám dùng đến bia rượu và ảnh hưởng ngay tới hoạt động kinh doanh", đại diện Riverside Palace nói.

uống rượu lái xe
Cảnh sát giao thông được chỉ đạo lập chốt chặn trước các nhà hàng để xử phạt người uống rượu bia và leo lên xe tham gia giao thông. 

Lập chốt chặn trước nhà hàng để xử lý những người uống bia rượu lái xe chỉ mới là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín. Một số chuyên gia marketing, luật sư cho rằng chính quyền cần đưa ra những nguyên tắc kiểm soát.

Ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win – Win nhận định, cần phân biệt rõ và có những quy định cụ thể những người uống rượu bia không đi xe mà có tài xế chở với những người tự điều khiển phương tiện gắn máy đến những quán ăn, nhà hàng để tránh phát sinh tiêu cực.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), lập chốt chặn trước các nhà hàng để xử lý người uống rượu bia thuộc thẩm quyền của TP.HCM, nhưng chính quyền cần đưa ra những nguyên tắc kiểm soát phải bảo đảm tính minh bạch và công bằng.

Ông Huỳnh lý giải những nhà hàng bị đặt chốt chặn sẽ khiến khách hàng ngại đến đó và dẫn đến việc các nhà hàng, quán ăn không có trạm đặt sẽ có ưu thế hơn. “Hiệp hội du lịch TP.HCM hay Hiệp hội đa ngành nên góp ý với chính quyền để cùng xây dựng tiêu chí để phân biệt loại này”, ông Huỳnh nói. Thực tế, trước đây những khảo sát về quán ăn, nhà hàng nằm trong dự án xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cho thấy nếu địa điểm ăn uống nào có lượng công an vô ra nhiều thì lượng khách sẽ giảm.

Đứng trên khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM khẳng định, việc cảnh sát đứng lập chốt chặn trước nhà hàng không có gì sai. "Nếu lập chốt, dù trước nhà hàng, cảnh sát cũng chỉ xử phạt người vi phạm trên đường nên điều này là đúng quy dịnh", ông Hậu dẫn chứng.

Theo ngành y tế TP.HCM, trên địa bàn hiện có 28.000 cơ sở quán ăn gồm các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống kể cả thức ăn đường phố, nhà hàng khoảng 500 – 600 đơn vị.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn