"Ngân hàng Nhà nước lãi 117 triệu USD qua đấu thầu vàng"

Thứ năm, 06/06/2013, 10:03
Sau 21 phiên, Ngân hàng Nhà nước chi khoảng một tỷ USD nhập khẩu vàng và thu lợi nhuận 117 triệu USD - Standard Chartered ước tính. Với mục tiêu bình ổn thị trường, ngân hàng này lo ngại biện pháp đấu thầu chỉ hiệu quả "nhất thời".

Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố báo cáo về thị trường vàng với nhan đề: "Việt Nam - Sùng bái vàng". Trong bản báo cáo hoàn thành ngày 28/5, các tác giả khẳng định tích trữ vàng với khối lượng lớn tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng tới tỷ giá, cán cân thương mại và sự ổn định kinh tế.

Kể từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định nhằm bình ổn thị trường vàng, gần đây nhất là biện pháp đấu thầu vàng miếng qua độc quyền nhập khẩu vàng để hạn chế sự bất ổn của giá vàng. Đánh giá cao những nỗ lực của nhà điều hành trong việc ổn định thị trường vàng nhưng Standard Chartered cũng nhấn mạnh, các biện pháp hành chính chỉ có tác động đến thị trường trong ngắn hạn.

viet nam sùng bái vàng
Các tác giả nghiên cứu nước ngoài cho rằng người Việt Nam quá "súng bái vàng". 

Từ 28/3, nhà điều hành đã tổ chức 21 phiên đấu thầu và bán ra khoảng 20 tấn vàng. Theo ước tính của Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước đã chi ra khoảng một tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch nhập khẩu hàng tháng của cả nước để nhập khẩu vàng. Lợi nhuận thu về từ chênh lệch giá vàng theo tính toán của nhà băng này khoảng 117 triệu USD.

Cũng theo các tác giả nghiên cứu, kể từ phiên đấu thầu đầu tiên hôm 28/3, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đạt trung bình 250 USD một ounce - cao hơn 30% so với thời điểm trước đó. Trong khi đó, mỗi ounce vàng tại các nước khác chỉ có chênh lệch giá từ một đến 10 USD.

Trả lời trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời hôm 6/5, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã khẳng định, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ do nhân dân hưởng lợi. Khi đó, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, toàn bộ chênh lệch về giá vàng sẽ thuộc về ngân sách nhà nước để đầu tư lại cho nền kinh tế, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.

viet nam sùng bái vàng

Khi tổ chức đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước phải dùng vàng dự trữ ngoại hối để đấu thầu, đồng thời nhập khẩu một lượng vàng tương đương để duy trì ngoại hối. "Điều này rốt cuộc lại làm giảm dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trong nước chỉ có thể dùng VND để mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, nó còn đặt áp lực giảm giá lên tiền đồng", phân tích của Standard Chartered lo ngại. 

Bản báo cáo này cũng đề cập tới việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến lập 2 trung tâm giao dịch vàng miếng tại Hà Nội và TP.HCM để đấu thầu công khai ra công chúng nếu sau 2 năm nữa thị trường vàng đi vào ổn định. Nếu vậy, các giao dịch vàng liên ngân hàng có thể thực hiện được. 

Theo Standard Chartered, việc thúc đẩy sự ổn định của nền kinh tế, cải thiện niềm tin vào tiền đồng và làm giảm nhu cầu về vàng mới giúp ổn định trong dài hạn thay vì mượn những biện pháp hành chính mang tính nhất thời hiện nay.

Để minh chứng cho sự "sùng bái vàng" của người dân Việt Nam, các tác giả đã dẫn chứng số liệu của Hiệp hội vàng Thế giới. Theo đó, tổng lượng vàng tích trữ tại Việt Nam hiện đạt khoảng 1.000 tấn, tương đương 45% GDP. Tỷ lệ này tại đa số các nước khác trên thế giới chỉ đạt dưới 3% GDP.

"Điểm đặc biệt ở Việt Nam đó là vàng, đôla Mỹ và tiền đồng đều được sử dụng rộng rãi như tiền tệ. Trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy. Trong những năm gần đây, vàng còn được sử dụng như một biện pháp chống lại lạm phát và suy thoái kinh tế", các tác giả viết. Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 4 tại châu Á sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan.

Về khía cạnh tiêu cực, Standard Chartered cho rằng việc tích trữ vàng với số lượng lớn đã tác động tiêu cực đến cán cân thương mại (do nhập khẩu vàng với khối lượng lớn), đồng thời, tạo áp lực mất giá lên tiền đồng do người dân có xu hướng dùng đồng nội tệ để mua vàng. Sự chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế đã dẫn tới tình trạng đầu cơ và buôn lậu vàng, gây bất ổn trong nền kinh tế. 

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích