Thị trường vàng dưới góc nhìn Trưởng đại diện IMF

Thứ hai, 03/06/2013, 16:28
Những chính sách mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành thời gian qua để quản lý thị trường vàng được đánh giá có hiệu quả trong việc ổn định khu vực tài chính.

 

 Ông Sanjay Kalra

Dưới đây là bài viết của ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam sau chuyến làm việc của đoàn cán bộ IMF với các cơ quan chức năng của Việt Nam liên quan đến các vấn đề ổn định khu vực tài chính và kinh tế vĩ mô, trong đó bao gồm cả thảo luận về thị trường ngoại hối, vàng và các tài sản khác.

Từ quý IV/2008, "việc đổ xô đi tìm nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đã góp phần làm giá vàng thế giới tăng mạnh. Giá vàng thế giới tăng và mức biến động cao đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường vàng Việt Nam.

Không những thế, chênh lệch lớn giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã tác động lên thị trường ngoại hối, khiến tỷ giá liên tục biến động, khiến hoạt động của các ngân hàng Việt Nam rơi vào tình trạng rủi ro, bao gồm cả rủi ro tín dụng và thanh khoản.

Bên cạnh đó, bảng cân đối tài sản của nhiều ngân hàng cũng bị mất cân đối về kỳ hạn và đồng tiền. Đồng thời, việc nhập khẩu lượng vàng lớn đã làm giảm dự trữ quốc tế năm 2009. Trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu ổn định hơn, giá vàng thế giới đã bắt đầu giảm dần từ quý III/2012. 

Biểu đồ giá vàng thế giới (đỏ) và giá vàng trên thị trường VN (xanh) từ năm 2008 đến nay, đơn vị tính là USD/ounce

Trước những biến động khó lường của thị trường vàng và ngoại tệ, đe dọa đến khả năng an toàn của hệ thống ngân hàng và dự trữ quốc gia, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong giai đoạn 2011 - 2013, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh thị trường vàng, tránh để những biến động trên thị trường này tác động đến thị trường tài chính -tiền tệ nói chung.

Tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản chấm dứt cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Tháng 4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có nội dụng hạn chế và ủy quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ cũng yêu cầu các ngân hàng tất toán các khoản tiền gửi bằng vàng của mình. Và từ ngày 28/3/2013, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng để giảm bớt mất cân đối cung cầu.

Mục tiêu cụ thể của Chính phủ Việt Nam khi triển khai các giải pháp chấn chỉnh thị trường vàng trên là:

Thứ nhất, tăng cường ổn định tài chính bằng cách giảm mức độ rủi ro của các ngân hàng liên quan đến tài sản nợ và có bằng vàng trên bảng cân đối tài sản của mình.

Thứ hai, giảm mức độ biến động trên thị trường ngoại hối và vàng, qua đó nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Thứ ba, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Thứ tư, về lâu dài, kỳ vọng là thị trường vàng, ngoại hối và kinh tế vĩ mô nói chung ổn định hơn, qua đó góp phần giảm mức độ nắm giữ vàng, cải thiện cán cân vãng lai và chuyển đổi từ vàng sang các tài sản “phục vụ sản xuất”.

Các giải pháp quản lý thị trường vàng của Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công. Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã tăng sau năm 2012, mức chênh lệch này một phần do các ngân hàng sẽ phải hoàn tất xử lý các nghĩa vụ nợ bằng vàng của mình, đây là nguồn cầu bổ sung trên thị trường so với các giai đoạn trước đây.

Tuy nhiên, mức độ biến động giá trong nước và thế giới (đo bằng hệ số biến động) đã giảm trong giai đoạn này. Dù giá vàng thế giới thời gian qua có nhiều biến động mạnh, nhưng giá vàng trong nước không có nhiều xáo trộn. Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước tăng lên, nhưng tỷ giá vẫn giữ được ổn định, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô. 

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích