Nửa năm vui buồn của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán

Thứ bảy, 01/06/2013, 08:08
Dòng tiền đổ về chứng khoán suốt 5 tháng qua giúp tài sản của phần lớn những người giàu nhất trên sàn tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, cũng có không ít đại gia phải ngậm ngùi khi giá cổ phiếu "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng.

người giàu nhất sàn chứng khoán

Các ông, bà chủ của Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) có lẽ vẫn là những người thành công nhất trên thị trường chứng khoán sau gần nửa năm qua. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, mã này giảm hơn 15% so với đầu năm. 

Cho dù chịu tác động từ kết quả kinh doanh không thật sự khả quan của doanh nghiệp (lợi nhuận quý I giảm 63% so với cùng kỳ), sự sụt giảm của giá cổ phiếu VIC chủ yếu do tác động pha loãng của các đợt phát hành thêm cổ phiếu trong những tháng qua. Sau 3 đợt niêm yết bổ sung, tổng cộng hơn 227,8 triệu cổ phiếu VIC mới được đưa vào lưu hành thêm.

Tính đến ngày 31/5, tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup tăng hơn 2.000 tỷ đồng, lên gần 19.354 tỷ đồng. Trước đó, ông Vượng từng là người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012 với khối tài sản đạt 17.184 tỷ đồng. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Vingroup cũng được được Tạp chí Forbes vinh danh lên hàng tỷ phú thế giới, xếp thứ 974. Theo tính toán của tạp chí này, tổng tài sản của ông Vượng lúc đó tương đương 1,5 tỷ USD.

người giàu nhất sàn chứng khoán
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng vẫn tăng hơn 2.000 tỷ đồng dù giá cổ phiếu giảm. Ảnh: Forbes

Hai Phó chủ tịch Vingroup là bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng cũng có tài sản tăng lần lượt hơn 374 tỷ đồng và gần 250 tỷ đồng nhờ việc phát hành cổ phiếu VIC bổ sung.

Cùng với gia đình họ Phạm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm và Phó chủ tịch Tập đoàn Masan Hồ Hùng Anh lại có thể nở nụ cười nhờ giá chứng khoán. Trong đó, đóng cửa phiên ngày 31/5, giá cổ phiếu OGC tăng 2.500 đồng so với đầu năm, giúp tổng tài sản của ông Hà Văn Thắm tăng gần 400 tỷ đồng, đạt hơn 1.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý I vừa qua, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Đại Dương lại không mấy khả quan khi lãi sau thuế giảm mạnh, chỉ bằng 10% của cùng kỳ năm trước.

Tài sản của ông Hồ Hùng Anh cũng tăng thành 1.801 tỷ đồng nhờ giá cổ phiếu MSN tăng thêm 9.000 đồng so với cuối năm 2012. Trị giá này đã bao gồm số chứng khoán phát hành trong tháng 5 theo chương trình ESOP. Theo đó ông Hồ Hùng Anh có thể được nhận thêm khoảng 458.857 cổ phiếu MSN.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Ủy viên Hội đồng quản trị Masan cũng có tài sản tăng hơn 266 tỷ đồng do cổ phiếu MSN tăng giá, đạt gần 2.488 tỷ đồng. Trị giá tài sản này cũng đã bao gồm số chứng khoán MSN phát hành thêm, tương đương khoảng 633.782 cổ phiếu.

Cùng lúc, tài sản ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) cũng nhích thêm gần 1.300 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Cuối năm 2012, bầu Đức đứng thứ 2 trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

người giàu nhất sàn chứng khoán
Tài sản bầu Đức tăng 363 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Các vụ cáo buộc thời gian qua giữa Hoàng Anh Gia Lai và Global Witness hầu như không gây ảnh hưởng quá nhiều đến cổ phiếu HAG. Minh chứng rõ ràng là đóng cửa phiên ngày 31/5, giá HAG vẫn tăng 5,5% so với hồi đầu năm, lên 22.800 đồng một cổ phiếu.

Hồi đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai còn phát hành thêm chứng khoán để tăng vốn điều lệ khiến tổng tài sản của bầu Đức thông qua cổ phiếu HAG tăng gần 1.300 tỷ đồng, lên 6.907 tỷ đồng.

Ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) – Trần Đình Long cũng kiếm bộn trên thị trường chứng khoán suốt 5 tháng qua do giá cổ phiếu tăng 57%. Chốt phiên ngày 31/5, tài sản ông Trần Đình Long tính trên cổ phiếu HPG tăng hơn 1.192 tỷ đồng, lên gần 3.315 tỷ đồng. Quý I vừa qua, lãi sau thuế Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 480,5 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu HPG theo đó thêm 531 đồng, lên 1.090 đồng.

Trái với các đại gia có tài sản tăng mạnh nhờ chứng khoán, những người khác lại "nghèo" đi vì cổ phiếu như ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Bất Động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) và ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (Mã CK: ALP). Trong đó, tài sản của ông Đạt giảm 537,6 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 806,4 tỷ đồng.

Cùng với tài sản giảm giá, kết quả kinh doanh của Phát Đạt quý I cũng không khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, lãi giảm hơn 40% và chỉ còn khoảng 177 tỷ đồng. Theo giải trình từ doanh nghiệp, số lãi trên thu về chủ yếu từ chuyển nhượng phần diện tích tầng hầm dự án The EverRich 1 và từ ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ khách hàng.

Còn đối với ông Nguyễn Tuấn Hải, cùng với quyết định xin hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu ALP mới đây và kết quả kinh doanh lỗ gần 33 tỷ đồng quý I, tài sản cũng giảm mạnh theo đà lao dốc của thị giá cổ phiếu công ty. Hiện, Chủ tịch Alphamnam còn hơn 441,7 tỷ đồng, giảm trên 604 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích