Báo cáo công tác quản lý nhà nước với thị trường vàng được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay, khi Quốc hội đang tập trung thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội.
Hơn một nửa bản báo cáo được dành để giải đáp thắc mắc cử tri về độc quyền thương hiệu SJC, vai trò can thiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng như câu chuyện chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới. Đây cũng là những vấn đề gây ra tranh luận trái chiều nhiều tháng qua, kể từ khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực (tháng 5/2012) và đặc biệt kể từ cuối tháng 3 năm nay, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu bán vàng bình ổn thị trường.
Những người không đồng tình thì cho rằng, độc quyền thương hiệu SJC gây khó khăn cho các doanh nghiệp từng đầu tư sản xuất, thiệt thòi cho người nắm giữ vàng thương hiệu khác và tạo chênh lệch giá bất hợp lý giữa vàng nguyên liệu với vàng miếng SJC.
Người ta cũng hoài nghi về hiệu quả can thiệp khi Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 22 tấn vàng chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu tất toán của các ngân hàng thương mại mà chưa thể thu hẹp chênh lệch giá với thế giới. Giá vàng miếng SJC trong nước kể từ khi bắt đầu các phiên đấu thầu đến nay liên tục dãn rộng, từ trên dưới 3 triệu đồng một lượng có lúc lên trên 6 triệu đồng, được cho là gây thiệt thòi cho những người có nhu cầu mua vàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước đây mỗi lần giá trong nước chỉ chênh hơn thế giới 400.000 đồng một lượng là có hiện tượng nhập lậu vàng, đổ xô đi mua, gây rủi ro cho thị trường cũng như tỷ giá. |
Trong bản giải trình của mình, Ngân hàng Nhà nước khẳng định lựa chọn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC gia công sản xuất vàng miếng là phù hợp với các quy định hiện hành, cũng như tình hình thực tế.
Dẫn lại Khoản 3 Điều 4 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cho rằng kể từ ngày 25/5/2012 (ngày Nghị định 24 có hiệu lực), không một tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng dưới bất kỳ thương hiệu nào (kể cả công ty SJC), nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và nhà nước giao Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý sản xuất.
Trước đây trên thị trường có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành. SJC là Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, vàng miếng mang thương hiệu công ty này chiếm trên 90% thị phần. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng chọn SJC là phù hợp với thực tiễn bởi thương hiệu này có uy tín, được thị trường chấp nhận và chiếm khối lượng tuyệt đối trong lưu thông, đồng thời tiết kiệm chi phí Nhà nước và xã hội.
"Ngoài ra, việc lựa chọn công ty SJC sản xuất vàng miếng không tạo ra độc quyền doanh nghiệp vì từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, mà chỉ gia công vàng miếng theo đơn đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước, chỉ được kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ bình đẳng như các doanh nghiệp khác", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Tiếp tục dẫn chiếu các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước cho rằng sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để can thiệp thị trường vàng thông qua hoạt động mua, bán vàng miếng với các tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và chức năng của mình. Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng miếng không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia, mục tiêu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngoại hối và vàng.
Lựa chọn đấu thầu bán vàng miếng là biện pháp tốt nhất nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước, thông qua đó thị trường được ổn định.
Đánh giá về hơn hai tháng can thiệp theo biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thị trường vàng đã ổn định, thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu, không còn các cơn ”sốt” gây bất ổn xã hội, giá trong nước đã ổn định theo hướng giảm ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động lớn và phức tạp.
Một trong những mục tiêu của việc bán vàng qua đấu thầu đó là tăng cung cho thị trường, hỗ trợ các ngân hàng tất toán trạng thái trước thời hạn 30/6, qua đó giảm sức ép về cầu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến 3/5, các tổ chức tín dụng đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn) tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng, góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”.
Liên quan tới vấn đề chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi thị trường vàng trong nước liên thông với quốc tế, trong đó phải tính tới cả chuyện mở lại hoạt động kinh doanh tài khoản ở nước ngoài, cho phép lập sàn vàng, nhập khẩu thoải mái.
Tuy nhiên, dẫn lại thực tế thị trường 6 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước cho rằng các biện pháp này rất khó khả thi, bởi thị trường vẫn biến động, tỷ giá bị đe dọa và gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giá vàng trong các năm 2007-2012 không cao như hiện nay, nhưng thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lượng vàng nhập khẩu qua con đường chính thức và nhập lậu lên đến cả trăm tấn mỗi năm, tiêu tốn ngoại tệ, kích thích nhu cầu thu gom khiến hàng chục nghìn tỷ đồng chôn vào vàng mỗi ngày.
Hai năm gần đây, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng theo khuôn khổ pháp lý mới, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao hơn nhiều so với trước.
Nhưng cơ quan này khẳng định thị trường ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng ”vàng hóa” được kiềm chế và đầy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.
"Phân tích trên cho thấy, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại", báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thu hẹp chênh lệch chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.
Đến nay, khi khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập, chính chênh lệch giá vàng cao cùng hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá đã giữ cho giá và thị trường trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng trong ngắn hạn khi thị trường thế giới biến động đột biến, thì chênh lệch giá trong nước và thế giới là tất yếu. Nhưng về lâu dài, cơ quan này tin tưởng chênh lệch sẽ được thu hẹp.
Theo kế hoạch trong phiên thảo luận chiều nay tại hội trường Quốc hội, vàng cũng sẽ là một nội dung Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trao đổi với các đại biểu, bên cạnh câu chuyện lãi suất, tín dụng, nợ xấu. Thống đốc Bình cùng lãnh đạo các vụ chức năng đã có mặt tại hội trường từ đầu giờ sáng, lắng nghe ý kiến của các đại biểu và chuẩn bị thông tin trả lời.
Theo VnExpress