Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc, trong số 15 chỉ tiêu được Quốc hội đề ra, có 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, nổi bật là tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,03% - thấp hơn mức mục tiêu 6-6,5%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng thấp hơn dự kiến.
So sánh kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng năm 2012 với thống kê 10 năm qua cho thấy tình hình kinh tế có chiều hướng "ngày một xấu đi": Lạm phát dù giảm nhưng vẫn đang trong chu kỳ biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế rơi xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua trong khi tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người có phần chững lại. (Số liệu: GSO, WB) |
Sang 4 tháng đầu năm 2013, Chính phủ nhận định nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, khi tăng trưởng GDP quý I năm 2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012.
"Mặc dù mức tăng trưởng GDP quý I năm 2013 không cao như kỳ vọng nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", báo cáo nhận định.
Trước thông tin này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng báo cáo kinh tế của Chính phủ quá "nhẹ nhàng:, "bình yên", trong khi tình hình thực sự hiện nay là "trì trệ nghiêm trọng", theo lời của đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM). Thậm chí, một đại biểu từ đoàn Hà Nội bày tỏ không muốn đọc báo cáo vì thấy xa rời thực tế. "Đọc hết báo cáo cũng không biết nợ xấu nằm ở đâu, ở doanh nghiệp nào nên rất khó hiến kế", vị này phát biểu.
Do vậy, nhiều đại biểu muốn thành viên Chính phủ làm rõ nguyên nhân khiến nền kinh tế năm 2012 kém lạc quan, liệu có phải do điều hành kinh tế thiếu tính chiến lược trong xử lý lạm phát dẫn đến kìm hãm tốc độ tăng trưởng, niềm tin của người dân với sự phục hồi của nền kinh tế thấp hay không.
Cũng có ý kiến đại biểu phản ánh sự hoài nghi về đánh giá của Chính phủ với thị trường tài chính, tiền tệ và cho rằng thị trường vàng chưa ổn định, giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn so với thị trường thế giới. Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn, số lượng giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, riêng trong tháng 5/2013, đã có 3.590 đơn vị phải đóng cửa, đưa con số tổng từ đầu năm lên 23.226, tức là bằng gần một nửa so với cả năm 2012 (53.972). Số doanh nghiệp giải thể trung bình theo tháng cũng có chiều hướng tăng thêm (Xem biểu đồ).
Số doanh nghiệp giải thể trung bình theo tháng có xu hướng tăng trong 3 năm qua. Số liệu: MPI (Riêng 2013 tính trung bình 5 tháng đầu năm). |
Trong khi đó, với nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, đa số đại biểu nêu quan điểm việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa làm được nhiều, tăng trưởng vẫn lệ thuộc vào vốn.
Thị trường bất động sản trong thời gian qua còn trầm lắng, đóng băng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho biết việc cấp giấy phép đầu tư cho bất động sản vẫn nhiều. Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để xử lý vấn đề hàng tồn kho nhưng vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là tình trạng đóng băng, tồn kho bất động sản.
Trước những khó khăn của nền kinh tế, các thành viên Quốc hội đề xuất năm 2013, nguy cơ tái lạm phát khó xảy ra, trong khi nền kinh tế rơi vào trì trệ trầm trọng nên cần có các giải pháp đặc biệt để vực dậy nền kinh tế, không nên quá kỳ vọng vào kế hoạch 5 năm mà cần phải xây dựng chương trình đặc biệt của 3 năm, trong đó đặt ra các giải pháp mới phù hợp hơn.
Riêng về chính sách tài khóa, đại biểu nhận xét việc khống chế nợ công là cần thiết, nhưng cần cân nhắc tỷ lệ bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa. Đồng thời, cũng có ý kiến kiến nghị Quốc hội ban hành chỉ tiêu nợ công an toàn để làm căn cứ cho Chính phủ điều hành, quản lý và có cơ sở cho việc giám sát.
Liên quan gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để giải quyết nhà ở xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại đóng góp của những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để có sự lựa chọn thích hợp và phải giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc ổn định thị trường.
Theo VnExpress