Ý kiến nêu trên được HUD gửi tới cơ quan chức năng với tư cách là cổ đông góp 80% vốn vào Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao (có vốn điều lệ gần 640 tỷ đồng), trong bối cảnh doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn.
Đi vào sản xuất từ 1/3/2010, nhưng sau 3 năm hoạt động, Xi măng Sông Thao đã lỗ hơn 306 tỷ đồng với lý do không thể hoạt hết công suất thiết kế, chi phí đầu vào tăng cao, giá bán xi măng giảm khoảng 25%.
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính ứng vốn 5,4 triệu đôla thay Hud để trả nợ cho Nhà máy Xii măng Sông Thao. |
Đến cuối năm 2012, doanh nghiệp này nợ trong nước tổng cộng hơn 641 tỷ đồng và mới trả được hơn 189 tỷ. Cùng với đó, dự án cũng nợ nước ngoài tại Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) 24,5 triệu đôla và mới trả được khoảng 17 triệu USD trong số này. Do tình hình khó khăn nên nhà máy xi măng không có khả năng trả nợ.
Theo phản ánh của HUD, 2 cổ đông còn lại trong dự án Tổng công ty Lilama và Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ cũng không thể tạo nguồn vốn trả nợ vốn đầu tư theo tỷ lệ góp vốn (tổng cộng 20%). Còn bản thân HUD đã trả nợ vốn vay nước ngoài 45 tỷ đồng cho nhà máy xi măng sông Thao trong năm 2012.
Năm 2013, do tình hình tài chính của Tổng công ty ngày càng khó khăn, hàng hóa tồn kho lớn, tổng số vốn vay tồn đọng tại các dự án khoảng 4.500 tỷ đồng nên doanh nghiệp cho biết khó có khả năng tiếp tục ứng vốn.
Căn cứ theo ý kiến của HUD, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho tổng công ty này, với số tiền gốc và lãi khoảng 5,4 triệu đôla. Bộ sẽ yêu cầu HUD chỉ đạo Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao có biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh thu xếp nguồn vốn để hoàn trả Quỹ tích lũy trong năm 2015, 2016.
Đề xuất của HUD được chú ý nhiều hơn khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố báo cáo về nợ công của Việt Nam. Báo cáo này cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, không được Chính phủ bảo lãnh, nợ công của Việt Nam hiện tương đương 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% vẫn được khuyến cáo.
Thêm vào đó, do đây là những doanh nghiệp quốc doanh có quy mô, sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, nên trong trường hợp không thể trả được nợ, Chính phủ nhiều khả năng sẽ phải đứng ra trả nợ thay, gây ảnh hưởng tới mục tiêu quản lý nợ công của quốc gia.
Theo điều lệ phê duyệt cuối năm ngoái, HUD là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Với cách tính nợ công của Việt Nam hiện nay, lẽ ra HUD phải tự chịu trách nhiệm với khoản vay nợ của mình, nếu không được sự bảo lãnh của Chính phủ.
Theo VnExpress