Vị tân Bộ trưởng và “bổ đề” túi tiền quốc gia

Thứ hai, 27/05/2013, 16:11
Nhìn lại thông điệp đầu tiên của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cử tri và nhân dân nhớ ông đã hứa sẽ “rà soát” lại giá xăng, “cân nhắc” tới giá điện và ưu tiên cho những khoản chi vì con người.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, câu hỏi mà báo chí đặt ra đối với tân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng xoay quanh 4 chữ “túi tiền quốc gia”. Đây là câu hỏi trúng vào vấn đề thời sự, nhưng là một câu hỏi khó. Bởi nhìn “túi tiền quốc gia” năm 2011 - đang được thảo luận tại Quốc hội - thì khoản vượt thu 126.804 tỉ đồng hầu hết là từ khách quan. Cụ thể, tăng thu do giá cả tăng, từ giá dầu thô, đào từ dưới biển lên bán - tăng, do tăng thuế nhập khẩu với một số mặt hàng.

Bản chất của nguồn thu thể hiện sinh động qua chi tiết thu từ sản xuất kinh doanh, tức là từ hàng hóa và sức lao động, chỉ chiếm 20%.

tân bộ trưởng bộ tài chính 
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã hứa sẽ “rà soát” lại giá xăng.

“Túi tiền quốc gia đang hụt dần” - lời Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Túi tiền quốc gia khó khăn đến mức có đại biểu - chắc không buột miệng - nói rằng nó chỉ có thể khác hơn “ngoại trừ có đột biến về giá dầu”.

Và việc tính toán 'túi tiền quốc gia' bỗng trở nên khó như giải bổ đề cơ bản với dữ liệu các DN đang nhiễm “dịch” ngừng hoạt động, phá sản (lời Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Hoàng Ngân) mà chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy dịch này sẽ chấm dứt.

DN khó khăn, DN không có nguồn thu, tất nhiên, cũng chẳng còn lấy đâu ra thuế mà đóng. Nhớ khi QH thảo luận Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ĐBQH Trần Du Lịch không ít ngậm ngùi nói rằng giờ DN không còn quan tâm đến thuế TNDN nữa. Bởi ngay tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, cũng chỉ còn chưa tới 30% số DN còn có khả năng đóng thuế.

Muốn DN có tiền đóng thuế, trước tiên phải giảm thuế. Và việc ngân sách quốc gia phải đắn đo từng chục ngàn tỉ đồng với mỗi một phần trăm thuế, cho thấy nhiệm vụ của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính là cực khó.

Phát biểu của tân Bộ trưởng về vấn đề 'túi tiền quốc gia' có thể tóm tắt trong mấy chữ: Chống thất thu bằng việc xử lý trốn, nợ thuế, buôn lậu. Tiết kiệm chi. Tăng cường kích thích tiêu dùng. Kích thích sản xuất kinh doanh. “Xem xét tỉ lệ động viên phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo cân đối ngân sách”.

Giải pháp của ông có thể nói là đúng, nhưng không mới - đúng y như các giải pháp trong báo cáo Chính phủ. Không mới vì không nhìn thấy sự đột phá nào để tạo nguồn thu, khi bản chất các giải pháp này là “cắt được cái gì phải cắt cái đó”.

Tất nhiên, trong nhiều thứ tuyên bố sẽ cắt, tân Bộ trưởng đã nói trúng suy nghĩ của cử tri và nhân dân. Chẳng hạn, ông nói sẽ cắt đúng vào những từ ngữ nhạy cảm và sẽ được lòng dân “mua sắm trang thiết bị”, “ôtô”, “hội nghị, hội thảo”, “khởi công, khánh thành”, “20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu”… trong khi tuyên bố sẽ “ưu tiên chi cho con người”- tức những khoản chi lương và có tính chất lương.

Cử tri sẽ nhớ. Nhân dân đang chờ Bộ trưởng thực hiện trong thực tế. Bởi điều này là không hề dễ dàng, bởi Nhà nước đang nợ dân một lần tăng lương, bởi điều đó gắn với miếng cơm manh áo của họ.

Liên quan đến hai loại hàng hóa sát sườn nhất đối với người dân là xăng dầu và điện. Tân Bộ trưởng không nói gì cụ thể ngoài việc hứa “sẽ rà soát lại Nghị định 84”, rà soát lại “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”. Còn giá điện thì “cân nhắc việc điều chỉnh dần theo cơ chế thị trường, tránh các cú sốc do điều hành chính sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân”.

Rất kiệm lời, rất ít thông điệp, rất cẩn trọng trước một vấn đề nhạy cảm. Có lẽ, tân Bộ trưởng nhớ đến con số 1.671 tỉ đồng mà Petrolimex đang lỗ. Có lẽ, ông đã suy nghĩ trước những tuyên bố một thời của người tiền nhiệm. Nguyên văn: “Chúng tôi điều hành giá xăng dầu vì trách nhiệm với hơn 80 triệu người dân chứ không vì lợi ích của một bộ phận hay một doanh nghiệp nào cả. Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”.

Báo cáo cuối cùng mà ông Đinh Tiến Dũng công bố với tư cách Tổng Kiểm toán Nhà nước là vấn đề tài chính tại 271 DNNN, với không ít những sự thật tồi tệ xung quanh sự thiếu hiệu quả, bết bát của những quả đấm thép. Nhưng sang trọng trách mới, ngồi một trong những cái ghế Bộ trưởng quan trọng nhất trong Chính phủ - cũng là một cái ghế “nóng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đổi vai để từ người đi kiểm tra, trở thành người bị kiểm tra bởi Quốc hội, bởi nhân dân.

Chiều hôm 25/5, ĐBQH Võ Thị Dung đã rưng rưng nước mắt khi nói đến tình trạng sử dụng tiền của dân một cách thiếu trách nhiệm, trong khi cả nền kinh tế và nhân dân đều đang cực kỳ khó khăn. Mong là tới kỳ họp sau, ĐBQH Võ Thị Dung sẽ lau khô nước mắt và là người đầu tiên đề nghị trao cho ông một tấm “huy chương Fields” vì đã giải được bài toán 'túi tiền quốc gia' với những mệnh đề thuế phí - giá cả, bởi đó cũng là bài toán lòng dân.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích