Làm thương hiệu bằng hình ảnh người nổi tiếng có dễ?

Thứ ba, 28/05/2013, 11:51
Rất khó để xác định hiệu ứng xã hội đằng sau những cuộc giao lưu của Nick Vujicic với công chúng Việt Nam mang lại nhưng lợi ích về truyền thông, kinh tế đối với Tôn Hoa Sen thì lại rất rõ ràng.

“Bỏ săn sắt, bắt cá rô”

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ và mới chỉ phục hồi nhẹ trong thời gian gần đây thì việc một doanh nghiệp bỏ ra một khoản kinh phí khổng lồ để tổ chức sự kiện Nick Vujicic khiến dư luận xã hội hết sức bất ngờ. Thậm chí, khi thông tin chính thức về sự kiện được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ và nếu có tin thì lại bảo doanh nghiệp này - Tôn Hoa Sen là dại, thích chơi trội.

Tuy nhiên, khi sự kiện diễn ra và đặc biệt là những thành công đằng sau sự kiện này mang lại cho đơn vị tài trợ thì người ta mới hiểu, Tôn Hoa Sen đã quá khôn ngoan trong thương vụ đầu tư này.

nick vujicic
Sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đã mang lại cho Tôn Hoa Sen và ông Lê Phước Vũ nhiều lợi ích.

Tôn Hoa Sen đã thấy trước những hiệu ứng tích cực mà sự kiện Nick Vujicic mang lại. Vậy nên, dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì họ vẫn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mời Nick Vujicic về Việt Nam giao lưu với khán giả.

Theo ông Lê Phụng Hào – cố vấn cấp cao của Chủ tịch Tôn Hoa Sen, cho biết: Chi phí cho chương trình Nick Vujicic đến Việt Nam là 36 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền bản quyền trả cho First News, Tôn Hoa Sen đã tốn 150.000 USD. Chi phí cho việc thuê 4 địa điểm diễn ra 7 sự kiện lên tới 22 tỷ đồng. Việc đầu tư truyền thông cũng tốn 30% tổng chi phí cho toàn bộ sự kiện.

Tuy vậy, con số mà Tôn Hoa Sen và ông chủ của doanh nghiệp này thu được lại lớn gấp bội. Bằng chứng là chỉ trong một tuần diễn ra sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam, giá cổ phiếu của Tôn Hoa Sen (HSG) liên tục tăng. Nâng giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp tăng khoảng 400 tỷ đồng, lên hơn 4.840 tỷ đồng.

Đồng nghĩa với điều này là giá trị tài sản của ông Lê Phước Vũ-Chủ tịch Tôn Hoa Sen cũng tăng vùn vụt. Với gần 43 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ, tài sản của doanh nhân này cũng tăng hơn 180 tỷ đồng trong vòng một tuần qua, lên 2.122 tỷ (khoảng 100 triệu USD).

Rõ ràng Tôn Hoa Sen đã thành công ngoài mong đợi trong phi vụ Nick Vujicic khi sẵn sàng “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”.

Có lẽ, nắm được ý nghĩa của phương thức đánh bóng thương hiệu này nên không chỉ Tôn Hoa Sen mà mới đây Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng phối hợp cùng với ngân hàng Eximbank đã mời câu lạc bộ Asernal đến Việt Nam du đấu trong thời gian tới.

Dù sự kiện chưa diễn ra nhưng thông tin đến hoạt động này đã làm người hâm mộ bóng đá trong cả nước sôi sục khi lần đầu tiên một đội bóng nằm trong “top” đầu của Premier league cùng với những cầu thủ nổi tiếng đến Việt Nam du đấu. Dù giá vé chính thức để xem trực tiếp sự kiện này không quá cao, chỉ mức 400-1,5 triệu đồng/vé nhưng cái lợi được nhất của sự kiện này là hai đơn vị đứng ra tổ chức là Hoàng Anh Gia Lai và ngân hàng Eximbank sẽ là những thương hiệu được nhiều người chú ý trước sức “nóng” của sự kiện này.

Chọn mặt gửi vàng

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp chọn hình thức quảng bá thương hiệu thông qua việc mượn danh tiếng những người nổi tiến không còn xa lạ. Tuy nhiên để đưa những người có sức ảnh hưởng trên thế giới đến Việt Nam bằng mọi giá là điều không hề dễ. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự vững mạnh về tiềm lực tài chính mới có thể thực hiện được phương thức quảng bá thương hiệu này.

Cũng vì mục đích và ý nghĩa lớn trong kinh doanh nên việc “chọn mặt gửi vàng” trong những sự kiện này rất được chú trọng. Không phải gương mặt người nổi tiếng nào cũng được chú ý, bởi họ phải đáp ứng chiến lược quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Có thể hiểu vì sao Tôn Hoa Sen lại chọn Nick Vujicic là gương mặt được thương hiệu này đứng ra tài trợ khi đến Việt Nam. Tôn Hoa Sen vừa được thơm lây bởi sự nổi tiếng của anh mà vẫn đáp ứng với tiêu chí hoạt động xã hội của mình.

Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam cũng là lý do khiến doanh nghiệp chọn mặt để gửi vàng. Điển hình là trong một thông tin mới nhất, thương hiệu bia Sài Gòn (Sabeco) đang có ý đinh mời Novak Djokovic, tay vợt nam nổi tiếng thế giới đến Việt Nam thi đấu.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho rằng, có thể chi một triệu USD để mời Novak Djokovic chơi tennis một buổi tại sân Lan Anh nhằm quảng bá hơn nữa thương hiệu bia Sài Gòn với người dân trong nước và thế giới.

Theo ông Tuất việc mời Novak Djokovic đến Việt Nam nằm trong chiến lược quảng bá bia Sài Gòn ra thế giới và cạnh tranh với những thương hiệu bia nổi tiếng khác. Bởi lẽ, trong thời buổi cạnh tranh để bán được 1 triệu lít bia khó gấp 5 lần so với trước đây, nên đẩy mạnh marketing là cần thiết. “Chưa bao giờ thị trường bia khốc liệt như vậy. Nếu năm sau mà Anheuser-Busch InBev (InBev) nhảy vào nữa là hết thị trường nên việc cạnh tranh để bán một triệu lít bia ở Việt Nam cực khó”, ông Tuất nói.

Rõ ràng là Sabeco hiểu rất rõ ý nghĩa của việc nâng tầm thương hiệu và sức tác động lớn lao của việc mượn danh người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Đặc biệt là khi trước đó, một ông lớn trong thị trường bia là Heineken cũng đã tổ chúc giải đấu Heineken Stars để đưa Victoria Azarenka ( tay vợt nữ số 1 thế giới lúc đó) đến Việt Nam thi đấu vào tháng 9/2012. Sự kiện này đã gây tiếng vang rất lớn và Heineken cũng vì thế càng được bết đến rộng rãi hơn, thương hiệu này cũng lớn mạnh từng ngày.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn