Đầu tiên, ông Thịnh khẳng định "minh bạch trong kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam là điều tất cả mọi người đều mong đợi, là đích đến cần đến". Tuy nhiên, sau hơn 3 năm vận hành (đầy đủ và không đầy đủ), câu chuyện “minh bạch” đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của phóng viên, làm lao tâm khổ tứ không biết bao nhiêu chuyên gia kinh tế cùng các nhà quản lý. Đến nay, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Thịnh cho biết ở Petrolimex, mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu, tập đoàn này đều phát hành thông cáo báo chí điện tử (e-mail) gửi đến tất cả các cơ quan báo chí của trung ương, các địa phương. |
Từ góc độ thực tiễn doanh nghiệp, ông Thịnh cho biết có 5 vấn đề. Để rộng đường dư luận, dưới đây là toàn văn nội dung:
"Một là, thiết chế phải minh bạch. Bản thân Nghị định 84 và các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành phải được thiết kế theo đúng kỹ thuật, lập pháp; đó là: những vấn đề có tính nguyên tắc - phải khát quát, cô đọng; những vấn đề về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn - phải rõ ràng; những quy trình, thủ tục, công thức - phải cụ thể. Đây chính là tư tưởng chỉ đạo của hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa 11.
Hai là, vận hành phải toàn bộ. Điều này rất quan trọng. Chỉ khi vận hành đầy đủ thì mới có thực tiễn để đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan. Đánh giá một sự vật, một hiện tượng, một cơ chế khi chưa vận hành đầy đủ thì có thể chưa thấy đầy đủ giá trị của nó trong thực tế.
Ba là, công khai phải có địa chỉ. Doanh nghiệp công khai số liệu của mình tại website của mình. Các cơ quan quản lý được quyền điều hành hoặc kiểm tra, giám sát công khai cơ sở điều hành hoặc kết quả kiểm tra, giám sát tại cổng thông tin điện tử của mình.
Trách nhiệm của ai thì người đó phải nói và người đó chỉ nói về những nội dung thuộc trách nhiệm của mình. Bên cạnh số liệu công khai, cũng cần có thuyết minh cho rõ ràng để người đọc không thể hiểu sai được. Đương nhiên, việc công bố thông tin phải đúng theo thể thức, trình tự theo quy định.
Ai quan tâm đến thông tin nào thì vào đúng địa chỉ của nguồn tin đó để xem thì sẽ chính xác.
Bốn là, truyền thông phải chủ động, đúng lúc. Ai cũng mong người khác hiểu mình. Nhưng nếu tự mình không nói ra thì cũng không nên trách người khác không/chưa hiểu mình. Vậy nên, chủ động truyền thông là một việc cần làm, nên làm nếu thực sự mong muốn hiện thực hóa “minh bạch”.
Năm là, đánh giá cái gì cũng phải công tâm, khách quan. Thái độ này rất cần ở tất cả mọi người khi nghe và khi tham gia vào câu chuyện kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam. Nếu có kiến thức chuyên sâu, tinh thần xây dựng thì đó là điều tuyệt vời".
Trong phần cuối bài viết, ông Thịnh cho biết ở Petrolimex, mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu, tập đoàn này đều phát hành thông cáo báo chí điện tử (e-mail) gửi đến tất cả các cơ quan báo chí của trung ương, các địa phương.
"Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần chúng tôi là công ty đại chúng; bên cạnh gửi báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Petrolimex cũng đăng tải thông tin doanh nghiệp tại trang tin điện tử công cộng của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Website là nguồn thông tin chính thức, chính thống của Petrolimex cung cấp đến phóng viên báo chí, độc giả, công chúng, khách hàng quan tâm nghiên cứu, sử dụng. Bên cạnh đó, từ ngày 12/1/2013 chúng tôi cũng đã mở các chuyên mục “liên hệ”, “hỏi & đáp” và “ý kiến cổ đông” để đối thoại hai chiều nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và/hoặc hỗ trợ nhau cùng phát triển với tinh thần “để tiến xa hơn”, bài viết của ông Thịnh kết luận.
Theo VnEconomy