Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Nguyễn Tiến Dũng trao đổi với báo chí ngày 29/5 về dự án lọc hóa dầu 27 tỷ đôla, bên lề buổi Hội thảo “Xu hướng phát triển và các hoạt động mua bán, sáp nhập trong ngành dầu khí trên thế giới và khu vực”.
Petro Vietnam đề nghị Bộ Công Thương không ủng hộ chủ trương xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội. Vì sao vậy thưa ông?
Chúng tôi không chủ động phản đối việc xây dựng nhà máy lọc dầu 27 tỷ đôla, khi Bộ Công Thương hỏi thì chúng tôi mới có ý kiến. Dự án khó khả thi vì hiện nay chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô. Trong trường hợp thông qua thì tôi cho rằng vấn đề thị trường, dầu thô và khả năng tài chính phải xem xét rất kỹ.
Thực tế có dự án lọc hóa dầu với hàng loạt các nhà đầu tư vừa có tiềm lực về tài chính, vừa có tiềm năng về cung cấp dầu thô mà vẫn còn gặp khó khăn.
Phó tổng giám đốc PetroVietnam Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, nhà máy 27 tỷ đôla nếu được triển khai sẽ khiến Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề nhập siêu lớn. |
Năm 2020, nếu đúng tiến độ, Việt Nam sẽ có hàng loạt dự án lọc hóa dầu lớn như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, Nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Trong trường hợp được triển khai, theo ông nhà máy lọc dầu 27 tỷ đôla sẽ tác động thế nào đối với các dự án của Petro Vietnam?
Nếu như sau này nhà máy được xây dựng, rồi chủ đầu tư lại đòi hỏi Chính phủ những điều kiện ưu đãi như các nhà máy lọc dầu mà Petro Vietnam đã làm, thì sẽ cạnh tranh hoàn toàn với các nhà máy chúng tôi đã và sẽ xây dựng. Về mặt cân đối sản phẩm xăng dầu là khủng hoảng thừa.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo được 30% nhu cầu trong nước. Nhà máy Nghi Sơn vào nữa thì đáp ứng được 60% nhu cầu, ngoài ra còn có cả nhà máy Long Sơn. Trong chiến lược phát triển ngành dầu khí đã được duyệt, nếu thêm cả dự án ở Nhơn Hội thì có quá nhiều dự án và quá dư thừa cho đất nước.
Một số ý kiến cho rằng, Petro Vietnam “ngại” dự án lọc dầu 27 tỷ đôla vì sợ mất thị phần và phải cạnh tranh với nước ngoài, thực hư chuyện này ra sao thưa ông?
Vấn đề không phải là Petro Vietnam sợ. Petro Vietnam là tập đoàn kinh tế của Nhà nước, tất cả vấn đề đều là cân đối chung của nhà nước. Petro Vietnam không sợ cạnh tranh, nếu một dự án lớn bằng 3 nhà máy chúng tôi đã xây dựng được cấp phép thực hiện.
Tôi cho rằng quy hoạch chung của Nhà nước về ngành dầu khí mới là vấn đề. Tại sao mình cứ nói đến chuyện khủng hoảng thừa xi măng, sắt thép mà lại không nói đến lọc dầu? Để đến lúc xảy ra mới nói?
Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô, vậy câu chuyện nhập siêu sẽ thế nào nếu dự án 27 tỷ đôla được triển khai thưa ông?
Hiện nay, Petro Vietnam phải nhập khẩu 1 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Giá dầu bình quân 100 đôla mỗi thùng. Nếu dự án 27 tỷ đôla được triển khai thì tôi cho rằng vấn đề nhập siêu sẽ khá lớn.
Ông bình luận thế nào khi dự án lọc dầu 27 tỷ đôla không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn liên quan đến quan đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài?
Xây nhà máy lọc dầu là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Chúng tôi quan tâm đến vấn đề nhập khẩu dầu thô và kinh doanh phải tính đến hiệu quả.
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô 660.000 thùng một ngày (30 triệu tấn dầu thô mỗi năm, gấp gần 5 lần nhà máy lọc dầu Dung Quất). Nếu Chính phủ đồng ý thông qua thì đây sẽ là nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm của nhà máy gồm có lọc dầu (LPG, xăng A92/95, Jet A1, DO...) và hóa dầu (PE, PP, benzen...), trong đó hóa dầu dự kiến chiếm khoảng 35% doanh thu của dự án.. Thị trường tiêu thụ nội địa Việt Nam và xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Trung Quốc và châu Á. Dự kiến dự án khởi công xây dựng vào quý 1/2016 và hoàn thành vào giữa năm 2020. |
Theo VnExpress