Có nên phản đối dự án Nhà máy Lọc dầu 27 tỉ USD?

Thứ hai, 22/04/2013, 07:19
Với việc một nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ cả chục tỉ USD để đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán cả mặt được của dự án, chứ không nên chỉ băn khoăn mặt tiêu cực.

Với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà nước phải bỏ ra nhiều công sức, nguồn lực mới hoàn thành. Khác với Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ dùng được dầu thô Bạch Hổ giá cao, Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội được tính toán ngay từ đầu sẽ dùng dầu từ nhiều nguồn như Trung Đông, châu Phi...

Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã tính toán tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) - một chỉ số kinh tế quan trọng nói lên tính hiệu quả của dự án - lên đến 14,8% (Nhà máy Dung Quất đến tháng 6/2012 vẫn lỗ).

PVN chủ yếu “tính đến lợi ích của mình”

Trong lý do đề nghị Bộ Công thương không ủng hộ dự án tại Nhơn Hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nêu để “tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu cũng như tuân thủ quy hoạch, chiến lược phát triển ngành dầu khí”.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Định, tại công văn 989/Ttg-DK ngày 26/6/2006, Thủ tướng đã cho phép chủ trương đầu tư cảng dầu và khu lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Nhưng đến khi phê duyệt quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 thì dự án lại không có trong quy hoạch. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Công thương có ý kiến đề xuất để bổ sung quy hoạch.

Theo TS Lê Đình Ân - nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, việc băn khoăn của các bộ, ngành là cần thiết.

Ông Ân cho rằng các vấn đề cốt lõi như nhà đầu tư có chuyên về dầu khí không, đặc biệt là khả năng tài chính và nguồn cung dầu thô để chế biến cần xem xét kỹ, bởi nguồn dầu Trung Đông cũng không thể khẳng định chắc chắn trong dài hạn. Còn việc PVN đề nghị không ủng hộ dự án Nhơn Hội, ông Ân cho rằng nếu là vì nhu cầu trong nước đã đủ, lo giảm hiệu quả đầu tư Dung Quất, Nghi Sơn thì không nên. Bởi các nước vẫn cho đầu tư chế biến dầu rồi xuất khẩu mà không có vấn đề gì, vả lại các doanh nghiệp cũng cần cạnh tranh với nhau.

nhà máy lọc dầu Nhơn Hội
Lãnh đạo tỉnh Bình Định báo cáo về dự án lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh (giữa) chiều 8/4.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc PVN đề nghị Bộ Công thương không nên ủng hộ việc xây dựng Nhà máy Nhơn Hội cho thấy họ có thể lo cho cái chung là mất cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, hiệu quả đồng vốn nhà nước bỏ ra ở Dung Quất, Nghi Sơn sẽ giảm, nhưng có thể thực tế là họ lo bảo vệ lợi ích của mình, không chấp nhận cạnh tranh. Dù có thể được mời tham gia vốn ở nhà máy 27 tỉ USD nhưng PVN cũng sẽ gặp khó ở các nhà máy lớn đã, đang đầu tư.

Bà Lan cho rằng việc nhà đầu tư PTT có năng lực hay không, có đảm bảo hiệu quả cho đất nước hay không cần tính đến, nhưng là một bài toán khác, giữa nước chủ nhà và PTT. Còn bài toán cạnh tranh thì doanh nghiệp cần chấp nhận.

Việc PTT đề nghị đầu tư Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội, đi vay 50% vốn, mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao thì phía Việt Nam cũng nên đặt câu hỏi tại sao họ bỏ vốn gấp mấy lần nhà máy lọc dầu trong nước mà vẫn hiệu quả cao.

Theo bà Lan, với dự án của PTT cần áp dụng phương án đánh giá tổng thể, cả tác động tích cực và tiêu cực. “Quan trọng nhất là xem tính thực chất của dự án, tránh quy hoạch “treo”, còn lại cần dựa trên lợi ích quốc gia để quyết định, tránh thiên vị cho một doanh nghiệp nào” - bà Lan nói.

Bộ Tài chính: Cạnh tranh hơn thì nên phê duyệt

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản góp ý về chủ trương xây dựng dự án lọc hóa dầu ở Nhơn Hội. Theo đó, Bộ cho rằng việc PTT, theo đề xuất, sẽ phải đi vay 50-60% tổng vốn đầu tư, tức từ 14-17 tỉ USD, đòi hỏi phải có nhiều tổ chức tài chính đồng tài trợ.

Vì vậy, để tránh tình trạng sau khi được bổ sung quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư mà dự án vẫn không thể triển khai đúng tiến độ do khó khăn tài chính, gây lãng phí nguồn lực đất đai và các hỗ trợ khác, Bộ Tài chính đề nghị nhà đầu tư giải trình, chứng minh rõ năng lực tài chính.

Đặc biệt, trước thực tế nhiều dự án đã có trong quy hoạch nhưng cũng chưa triển khai như Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong, Cần Thơ, hay Vũng Rô cũng cơ bản chưa làm...

Theo Bộ Tài chính, cần đánh giá lại tổng thể tiến độ, tính khả thi của các dự án đã phê duyệt/cấp phép. Bộ Tài chính cho rằng nếu dự án được chứng minh khả thi, tiến độ hoàn thành sớm hơn các dự án khác đã được cấp phép, phê duyệt, có lợi thế cạnh tranh hơn thì nên trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt...

Sẽ không dễ dàng

Trao đổi với PV, một chuyên gia ngành dầu khí đề nghị không nêu tên cho rằng việc PTT vào Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai bởi nhà máy này nếu đi vào hoạt động năm 2019 thì cũng gần như đồng thời với một số nhà máy lọc dầu khác của PVN như Nghi Sơn.

Và với công suất lớn hơn, công nghệ cao và sự quản lý chặt chẽ trong quá trình đầu tư, bề dày kinh nghiệm trong chế biến, phân phối sản phẩm... thì các nhà máy lọc dầu của các doanh nghiệp trong nước khó mà cạnh tranh nổi. Đây sẽ là bài toán hóc búa và PTT sẽ không dễ dàng khi đàm phán về các ưu đãi cho Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội!

Cũng theo chuyên gia dầu khí trên, khi Việt Nam chưa có nhà máy lọc dầu thì ưu đãi khác, khi đã có rồi thì ưu đãi sẽ phải giảm đi.

Thực tế, đến dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam quy mô 4,5 tỉ USD (mà PVN có tham gia vốn 18%) thì các ưu đãi cho chủ đầu tư cũng được Chính phủ xác định theo hướng giảm dần so với Dung Quất hay Nghi Sơn. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải tự lực lớn từ việc lo vốn, thị trường, cân đối ngoại tệ trong quá trình hoạt động...

Như vậy, muốn có nhà máy ở Nhơn Hội phía trước là con đường dài, chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhất là khi PVN đã phản đối và nhiều bộ đang băn khoăn.

PTT muốn mở rộng hiện diện ở khu vực

Đầu năm nay, PTT đã trình lên Quốc hội Thái Lan các mục tiêu lâu dài của tập đoàn. Theo đó, như báo The Nation cho biết, PTT đặt mục tiêu sản xuất hằng năm 70 triệu tấn than vào năm 2020, sản xuất 4 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng một năm.

PTT là một trong những tập đoàn hàng đầu của Thái Lan và cũng thuộc hàng tập đoàn lớn nhất thế giới. Trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune xếp hạng hằng năm, PTT được xếp thứ 95 (năm 2012), vượt xa so với vị trí 128 năm 2011. Theo danh sách này, doanh thu của PTT là 79,69 tỉ USD với lợi nhuận 3,455 tỉ USD.

PTT đã đầu tư vào các mỏ than ở Indonesia và tiến hành nghiên cứu tính khả thi đối với việc đầu tư khai thác than ở Mozambique, Madagascar và Brunei. The Nation cũng cho hay PTT sở hữu 25% vốn trong dự án thủy điện Xayaburi của Lào và đã thực hiện các nghiên cứu tính khả thi trong việc đầu tư thủy điện và nhà máy điện dùng khí thiên nhiên ở Myanmar. Họ cũng đã đầu tư vào các mỏ dầu ở Mozambique, Kenya và Úc. Hiện tập đoàn này đang nghiên cứu việc đầu tư vào ngành hóa dầu và lọc dầu ở Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

The Nation dẫn lời CEO của PTT Pailin Chuchottaworn hồi năm ngoái nói rằng tập đoàn này sẵn sàng hợp tác với các công ty dầu khí quốc gia trong khu vực ASEAN để mở rộng hiện diện của họ trong khu vực, đặc biệt là hai tập đoàn Petronas của Malaysia và Pertamina của Indonesia.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết chúng ta hiện đang có những dự án mà cho đến thời điểm này chưa có động tĩnh gì, có những dự án sau nhiều năm vẫn chưa tìm ra đối tác như dự án Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong, dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn và thậm chí ngay cả dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng vậy. “Trong bối cảnh này, chúng ta tìm kiếm được nhà đầu tư nước ngoài có năng lực mạnh về tài chính, chuyên môn sâu, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và tính khả thi của dự án rất cao là vô cùng quan trọng” - ông Lộc nói.

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án tổ hợp lọc hóa dầu của PTT vào Bình Định lên tới 27 tỉ USD, ông Lê Hữu Lộc cho biết PTT chiếm 1/3, các đối tác chiến lược (các nhà cung cấp dầu thô) 1/3 và Việt Nam chiếm 1/3. Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng HSBC đã có thư cam kết hỗ trợ dự án này. “Dự án này có tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) khá cao, khoảng 14,8%, trong khi các dự án lọc dầu khác dưới 10%, nên sau các cuộc đàm phán, thương thảo, nhà đầu tư dành 1/3 vốn cho các đối tác phía Việt Nam. Tổng thể dự án chia làm hai phân kỳ đầu tư. Phân kỳ 1 tập trung cho mảng lọc dầu và phân kỳ 2 làm hóa dầu. Chúng tôi muốn lưu ý rằng về hóa dầu dự kiến sẽ chiếm thấp nhất khoảng 35% doanh thu của dự án” - ông Lộc thông tin.

Ông Lê Hữu Lộc khẳng định: Nếu được triển khai thì đây sẽ là một trong sáu tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất thế giới hiện nay, góp phần cung cấp cho thị trường trong nước và chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước trong khu vực.

Bộ Công thương yêu cầu phải có cam kết từ đại diện pháp lý cao nhất của PTT, về vấn đề này “lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và các bộ phận liên quan sẽ làm việc với PTT trong tháng 5 và chắc chắn sẽ có cam kết chính thức của chủ tịch hội đồng quản trị PTT trong thời gian ngắn sắp tới” - ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho biết thêm có ý kiến đề cập những khó khăn về luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn như hiện nay. “Thật ra vấn đề này dễ giải quyết ở chỗ khi dự án được triển khai và chúng tôi cũng đã bàn thảo với nhà đầu tư sẽ xây dựng đường ống xuyên qua núi Yên Ngựa chỉ dài khoảng 2km là thông ra biển Đông và hình thành cảng dầu để bơm dầu thô vào tổ hợp và nếu sản lượng lọc dầu lớn sẽ bơm ra. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi chỉ có ở Khu kinh tế Nhơn Hội. Đồng thời, diện tích mặt bằng 2.000ha hoàn toàn không phải chi trả tiền giải tỏa đền bù, trong khi giá cho thuê chỉ 10-15 USD/m2trong thời gian 50 năm cũng là một điều kiện hấp dẫn không dễ tìm kiếm ở bất kỳ khu vực nào khác”.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích