Cà phê Việt Nam “nhất thế giới”

Thứ sáu, 19/04/2013, 15:55
Hầu hết những người nông dân trồng cà phê ở Việt Nam chưa bao giờ nghe tới cà phê “skinny latte”, nhưng có thể nói vanh vách về giá cà phê nhân, thứ đã đi vào giấc ngủ của họ.

Từ công nghệ tưới tiêu hiện đại của Israel cho tới hệ thống tin nhắn để cập nhật giá cà phê toàn cầu, hoạt động sản xuất cà phê ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam đã tiến rất xa kể từ khi người Pháp lần đầu tiên đưa hạt cà phê tới vùng đất này cách đây hơn 1 thế kỷ.

 “Trước kia, tôi thường chở cà phê ra chợ bằng xe đạp. Giờ thì tôi kiểm tra giá cà phê nhân bằng điện thoại di động trước khi lên đường”, anh nông dân 44 tuổi Ama Diem hồ hởi nói với phóng viên của hãng thông tấn AFP tới thăm nông trại cà phê của anh ở Buôn Ma Thuột.

Bằng cách gửi tin nhắn với cú pháp “CA” tới số 8288 từ bất kỳ số điện thoại di động nào ở Việt Nam, người nông dân sẽ ngay lập tức nhận được một tin nhắn báo giá cà phê robusta giao sau tại thị trường London, hoặc giá cà phê arabica tại thị trường New York từ một công ty cung cấp dữ liệu.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh: AFP.

Những người nông dân cà phê giờ rất “tỉnh”. Họ hiểu rằng, giá cà phê, loại hàng hóa cơ bản được giao dịch  nhiều thứ nhì thế giới sau dầu lửa, có thể biến động rất nhanh. “Chúng tôi chỉ mang cà phê ra chợ chừng nào chắc chăn sẽ bán được với giá cao. Chúng tôi kiểm tra giá liên tục”, anh Diem cho biết.

Nông dân cà phê Việt Nam đã thay đổi thị trường toàn cầu của nông sản này. Nếu bạn uống một cốc cà phê trong sáng nay, thì rất có khả năng bạn đã tiêu thụ một vài hạt cà phê Việt Nam mà các hãng lớn như Nestle hay Costa Coffee đã mua về chế biến.

Theo số liệu mà AFP đưa ra, trong vòng 20 năm, Việt Nam đi từ chỗ đóng góp chưa đầy 0,1%  sản lượng cà phê thế giới vào năm 1980, đến chỗ đóng góp khoảng 13% tổng sản lượng cà phê toàn cầu vào năm 2000. Sự tăng trưởng ngoạn mục này của sản lượng cà phê Việt được cho là một phần nguyên nhân dẫn tới sự lao dốc của giá cà phê thế giới hồi thập niên 1990.

Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê lớn thứ nhì thế giới về sản lượng. Tuy nhiên, điểm yếu của cà phê Việt Nam là loại cà phê robusta có vị đắng, không được ưa chuộng nhiều, và Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân chưa qua chế biến.

“Việt Nam là một hiện tượng đáng ngạc nhiên”, ông Jonathan Clark, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu cà phên Dakman, đánh giá. Theo ông Clark, năm ngoái, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng vọt lên gần ngang với Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Cả năm 2012, Việt Nam xuất khẩu được 1,73 triệu tấn cà phê, đạt trị giá khoảng 3,67 tỷ USD, chiếm hơn 50% thị trường cà phê robusta toàn cầu. Đây là loại cà phê thường được sử dụng để chế biến cà phê uống liền.

Ông Clark cho biết, tiêu thụ cà phê tại khu vực châu Á đang trên đà gia tăng và các nhà rang xay đang để mắt tới Việt Nam - quốc gia không đánh thuế cà phê xuất khẩu - để xây dựng nhà máy, mở rộng sự hiện diện tại thị trường khu vực.

Trong bối cảnh tiêu thụ cà phê tại Mỹ và châu Âu chững lại, chuỗi nhà hàng cà phê lớn nhất thế giới Starbucks cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam, nơi tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh và người dân có truyền thống đam mê cà phê. Theo ông Jinlong Wang, Chủ tịch Starbucks tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương, thị trường Việt Nam có rất nhiều “những cơ hội lớn”.

Tháng 2 vừa qua, Starbucks đã mở cửa hiệu đầu tiên tại TP.HCM. Theo dự kiến, hãng này sẽ còn mở thêm hàng trăm cửa hiệu nữa ở Việt Nam trong tương lai gần, vì đây là một thị trường mà hãng mô tả là “năng động và náo nhiệt”.

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, người được coi là “vua cà phê” của Việt Nam, chất đất ở Tây Nguyên được đánh giá là hoàn hảo để trồng cà phê. Cũng theo ông Vũ, người tiêu dùng cà phê thế giới quen uống cà phê arabica với 1,5% caffeine hơn, nhưng họ nên “tỉnh lại” để thưởng thức cà phê robusta với sức mạnh 2,5% caffeine.

Ông Vũ, nhà sáng lập của chuỗi cửa hiệu cà phê Trung Nguyên, với 55 cửa hiệu hiện có ở Việt Nam và 5 cửa hiệu ở Singapore, rất tâm huyết với việc ghi dấu ấn cho cà phê robusta của Việt Nam trên bản đồ cà phê của thế giới.

“Chất lượng cà phê robusta không hề thấp. Chẳng qua là trên thế giới, mọi người đã học để uống cà phê arabica mà thôi”, ông Vũ nói với phóng viên AFP trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Trung Nguyên Village tại Buôn Ma Thuột. Hiện công ty của ông Vũ đang tham gia tích cực vào việc cải thiện chất lượng hạt cà phê ở địa phương thông qua hợp tác với nông dân để sử dụng kỹ thuật tưới tiêu công nghệ cao, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, và giúp người nông dân tăng cường thu nhập.

Cà phê Trung Nguyên đã được xuất khẩu ra 60 quốc gia và ông Vũ cho biết, việc Starbucks tiến vào thị trường Việt Nam càng làm ông tăng cường quyết tâm mở cửa hiệu ở Mỹ để đưa cà phê truyền thống của Việt Nam được pha phin, với đặc trưng là mùi vị đậm đặc, vào thị trường này.

“Chắc chắn là chúng tôi có khả năng vượt qua Starbucks. Chúng tôi sẽ phải đưa ra thứ gì đó hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng Mỹ. Tôi muốn thế giới hiểu rằng, cà phê Việt Nam là tốt nhất, sạch nhất, đặc biệt nhất”, ông Vũ nói.

Theo VnEconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích