NHNN đang mơ hồ mục tiêu vàng miếng

Thứ sáu, 19/04/2013, 09:36
Đó là chia sẻ của chuyên gia tài chính - TS Ngô Trí Long về cách điều hành thị trường vàng sau các phiên đấu thầu vừa qua.

Hôm qua (18/4) diễn biến giá vàng khá đặc biệt, nhất là vào buổi sáng khi mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với thế giới lên đến 7 triệu đồng/lượng. Vấn đề được đặt ra là tại sao qua các phiên đấu thầu với một lực cung không nhỏ vàng miếng ra thị trường, mức chênh lệch lại càng xa nhau?

Cao hơn thế giới 7 triệu đồng

Vào lúc 16 giờ 35 hôm qua, giá vàng miếng SJC tại TP.HCM tăng thêm 150.000 đồng/lượng so với phiên buổi sáng. Giá giao dịch bán ra ở mức 41,4 triệu đồng/lượng, mua vào 41 triệu đồng/lượng. So sánh với giá vàng thế giới cùng thời điểm mức 1.396,7 USD/ounce, giá vàng trong nước cao hơn khoảng 6,2 triệu đồng/lượng.

Trước đó, khi mở phiên giao dịch lúc 8 giờ 40, giá vàng SJC tại TP.HCM mua vào - bán ra là 40-41 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội là 40-40,02 triệu đồng/lượng. Thời điểm này, giá vàng thế giới là 1.348,5 USD/ounce. Quy đổi ra giá vàng trong nước đã cao hơn thế giới tới 7 triệu đồng/lượng.

Nhớ lại thời điểm ngày 26/2, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Công ty SJC ký kết hợp tác gia công vàng miếng, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch SJC, khẳng định: “Trong vòng một tuần sau lễ ký kết, giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới. Nguyên do trước đây nguồn cung của mình bị gián đoạn vì nhập siêu, chống lạm phát. Khi có nguồn cung, đặc biệt là có nguồn nguyên liệu từ NHNN do SJC gia công thì giá trong nước chắc chắn sẽ gần với giá thế giới”.

Còn ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), cho biết NHNN đóng vai trò là người kiến tạo thị trường, mua bán cuối cùng với mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đặt ra là đảm bảo giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới. Trước mắt, NHNN sẽ bán vàng ra thị trường thông qua cơ chế đấu thầu với mức giá sẽ được tính toán theo hướng giảm dần qua các phiên.

đấu thầu vàng miếng
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới qua chín phiên đấu thầu(mức cao nhất trong ngày). Đơn vị: Triệu đồng/lượng. 

Lời khẳng định của hai vị trên hiệu quả đến đâu chưa rõ nhưng tính đến ngày 18/4, qua chín phiên đấu thầu, NHNN tung ra thị trường gần 10 tấn vàng, một khối lượng không nhỏ nhưng khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới càng ngày càng giãn ra. Tại phiên đấu thầu đầu tiên ngày 28/3, giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau khoảng 2,6 triệu đồng/lượng còn đến nay mức chênh lệch đã trên 6 triệu đồng/lượng, dù giá vàng trong nước liên tiếp có chiều hướng giảm.

Dân thiệt, NHNN lãi

Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hầu hết số vàng trúng thầu vào tay ngân hàng thương mại nên nguồn cung ra thị trường vẫn eo hẹp. “Khi giá vàng giảm, người dân theo tâm lý sẽ đi mua vào, nhu cầu vàng đẩy lên cao trong khi cung không đổi, giá đương nhiên sẽ đẩy lên. Khi nào cung - cầu trong nước gặp nhau chừng đó giá mới ổn định” - ông nhận xét.

Còn chuyên gia tài chính TS Ngô Trí Long nhận định: NHNN đang mơ hồ về mục tiêu điều hành thị trường vàng.

Để làm rõ hơn, ông Long dẫn chứng việc NHNN không thống nhất quan điểm điều hành. Trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời: “Nếu để giá vàng trong nước liên thông giá vàng thế giới có nghĩa là chúng ta lại chấp nhận một thị trường đầu cơ về vàng. Cho nên không có việc liên thông với vàng thế giới”. Trong khi đó, mới đây Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Nguyễn Quang Huy lại bảo mục tiêu là bình ổn thị trường không bình ổn giá vàng.

Theo quy luật điều hành hàng hóa, giá là hệ quả của mối quan hệ cung cầu, thông qua giá để biết thị trường biến động ra sao. Nghị quyết 13 có nêu: Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng trong nước, liên thông với giá vàng thế giới, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân.

Ông Long đánh giá cách điều hành của NHNN là kiểu “một mình một chợ” và nặng hành chính. “Đấu thầu để tăng cung nhưng lại không đạt được mục tiêu đề ra khiến chênh lệch giá vọt lên mức kỷ lục, tức là không ổn định được giá, mà không ổn định được giá đồng nghĩa không ổn định được thị trường”.

Ngày 18/4, NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ chín. Kết quả 39.800 trong tổng số 40.000 lượng vàng đã được bán.

Có 14 đơn vị trúng thầu với giá thấp nhất 40,73 triệu đồng/lượng và cao nhất là 40,85 triệu đồng/lượng.

Đơn vị mua nhiều nhất là 8.000 lượng và ít nhất là 900 lượng.

Mức giá sàn công bố là 40,6 triệu đồng/lượng.

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân làm cho mức chênh lệch giá vàng đi lên là do không có ngân hàng trung ương ở nước nào lại vừa kinh doanh vàng rồi vừa quản lý. Mà NHNN đã kinh doanh thì không thể để lỗ nhằm đảm bảo dự trữ quốc gia. Khâu định giá và dự báo giá của NHNN thì không chính xác vì giá vàng luôn biến động khó lường. Cũng do sợ lỗ nên NHNN định giá sát với giá thị trường trong nước và xa giá thế giới.

Ngoài ra, việc các ngân hàng thương mại gom vàng để tất toán trước 30/6 cũng ảnh hưởng đến cung cầu thị trường, tác động đến giá.

“Qua các phiên đấu thầu có thể thấy người hưởng lợi là NHNN vì họ có toàn quyền trong điều phối. Theo thông tin nhận được thì NHNN lãi hơn 100 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại thì có cơ hội gom hàng tất toán trước thời hạn. Chịu thiệt vẫn là người dân” - ông Long nói.

Để giải quyết các vấn đề trên, chuyên gia Ngô Trí Long đã đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, NHNN không nên điều hành thị trường bằng hành chính quá nhiều, nên bỏ vai trò kinh doanh vàng và tạo cơ hội cho doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện. NHNN chỉ nên tập trung quản lý.

“Việc NHNN chủ động tung vàng ra thị trường là trái với quy luật phát triển. Thế giới nay đã dùng chứng chỉ vàng tài khoản mà NHNN vẫn dùng vàng vật chất để điều hành. Vì vậy, NHNN hãy trả vàng lại đúng thị trường và thông lệ quốc tế” - ông Long kiến nghị.

Theo PLTP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn