Ngày 3/10/2000, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 432/200/QĐ-NHNN, mở ra một cơ chế trong sử dụng vốn vàng của các tổ chức tín dụng. Câu chuyện và số phận của những dòng vốn vàng bắt đầu và kéo dài cho đến nay.
Giữa đường đứt gánh
Quyết định 432 mở ra cơ chế: Các tổ chức tín dụng được huy động và cho vay vốn bằng vàng; được chuyển đổi tối đa 30% nguồn vốn huy động bằng vàng thành tiền để kinh doanh.
Thời vàng son của vốn vàng bắt đầu từ đó. Trước hết, nó gắn chặt với thói quen sử dụng vàng trong giao dịch, trong đời sống của dân cư. Những năm 2000, không có thống kê cụ thể, nhưng dễ nhận thấy rất nhiều giao dịch dùng vàng để định giá và thanh toán, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Khi mở cơ chế, huy động - cho vay bằng vàng đã sẵn có môi trường để sống, và sống khỏe.
Trong báo cáo công bố tuần qua, Ngân hàng Nhà nước “tự đánh giá” rằng, sự can thiệp của họ đã loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, từ đó loại trừ khả năng đổ vỡ tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống có nguồn gốc từ hoạt động huy động và cho vay bằng vàng, góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”. |
Phải thừa nhận suốt một thập kỷ qua, vàng trở thành một nguồn vốn, thậm chí năng động, để kích thích các hoạt động đầu tư, tiêu dùng… Các ngân hàng thương mại cũng đã có một thời vàng son, sử dụng nguồn lực vàng để góp phần tạo những bước tăng trưởng ấn tượng.
Nhưng guồng quay vốn vàng không mãi mượt mà. Những cú sốc giá xuất hiện khi kinh tế thế giới và trong nước rơi vào bất ổn, nổi bật từ năm 2008. Những cú sốc đủ mạnh để làm bộc lộ điểm yếu trong khả năng phòng ngừa rủi ro của các chủ thể sử dụng vốn vàng; làm bộc lộ rủi ro trong cơ cấu dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, thậm chí rất dài hạn.
Giữa đường đứt gánh. Việc dùng vốn vàng huy động ngắn hạn cho vay cỡ 5 - 10 năm, thậm chí 15 năm đối diện với rủi ro chính sách. Lần lượt trong năm 2011 và 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản chấm dứt cho vay bằng vàng, rồi đến ngừng huy động vàng. Vòng quay buộc phải ngừng lại, không thể hút thêm nguồn để lấp vào những khoảng trống kỳ hạn của những khoản cho vay quá dài đó. Ngân hàng đối diện với rủi ro.
Vốn vàng treo ở tương lai
Ở hoạt động thứ nhất, các ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi vàng huy động thành tiền để kinh doanh, phải mua để trả lại là bình thường, hơn thiệt khi cân đối rủi ro và lợi ích là đương nhiên.
Nhưng ở hoạt động huy động và cho vay, câu chuyện đang trở nên phức tạp. Các nhà băng có thể trở thành những ông chủ bất đắc dĩ của vốn vàng đang treo ở tương lai.
Việc huy động vàng đã ngừng từ 25/11/2012. Một phần lớn vốn huy động trước đây đã dùng để cho vay, phải vài ba năm, thậm chí xa hơn nữa mới trở về, hoặc đang từng bước trở về. Nhưng các khoản huy động đáo hạn thì không chờ đợi, phải trả, và đến 30/6/2013 phải tất toán trạng thái xong. Họ lấy nguồn ở đâu khi vàng cho vay chưa về?
Câu trả lời là, họ phải tự mua vàng để tạo nguồn chi trả. Vốn để mua là VND, lãi suất huy động 7-8%/năm, trong khi nguồn vàng cho vay 5 - 10 - 15 năm chưa về lãi suất chỉ được khoảng 3-4%/năm, lỗ là một thực tế. Chưa hết, giá vàng mua vừa qua càng cao và giá của lượng vàng treo ở tương lai nếu sau này thấp hơn thì sẽ gây lỗ tiếp.
Giả sử, một ngân hàng huy động được 10 tấn vàng, trong đó 5 tấn đã cho vay và phải sau 30/6/2013 mới trở về. Ngân hàng phải mua để bù cho 5 tấn “đi vắng” đó, trả cho người gửi hay tất toán trạng thái, giá mua 41 triệu đồng/lượng. Sau 30/6, 5 tấn vàng trên lần lượt trở về, họ trở thành những ông chủ thực sự của chúng, nếu giá sau đó thấp hơn 41 triệu đồng/lượng là lỗ trực tiếp.
Đây là rủi ro giá xuống, gắn với tình thế buộc phải chuyển vàng trạng thái thành vàng kinh doanh, khi thực hiện yêu cầu của chính sách. Những ngày qua và trong tháng này, các ngân hàng phải gấp rút mua vàng để tất toán theo thời hạn 30/6. Một phần trong đó họ phải mua vàng cho tương lai với giá hiện tại!
Hiện không có con số chính thức về dư nợ vốn vàng đọng lại sau 30/6/2013 là bao nhiêu. Nhưng một nguồn tin tham khảo ước tính, quy mô ở khoảng 12 tấn. Đó sẽ là nguồn vốn vàng kinh doanh của các ngân hàng đang treo ở tương lai, rủi ro biến động giá khi lần lượt nhận về là trực tiếp.
Tất nhiên, ở chiều ngược lại, nếu giá vàng tăng lên, như trong ví dụ trên là cao hơn 41 triệu đồng/lượng, khối tài sản cứ cho là khoảng 12 tấn vàng đó sẽ trở thành của để dành có thể có hời. Nhưng trong kinh doanh, để đồng vốn treo theo may rủi như vậy cũng đã là bất đắc dĩ. Mà ở tình huống này lại dễ phát sinh rủi ro ở phía khách vay.
Nếu giá vàng sau 30/6 tăng cao, càng cao thì rủi ro càng lớn đối với khách vay phải trả nợ bằng vàng, hay vấn đề là khả năng thu hồi vốn. Thế nên thời gian qua và hiện nay các nhà băng vẫn đang đàm phán với khách hàng để có thể chuyển vốn vay đó sang VND, thậm chí áp lãi suất ưu đãi để chủ động hơn trước rủi ro. Mức độ đàm phán thành công như thế nào hiện vẫn khó nói.
Nhưng có một câu hỏi đáng quan tâm là, những năm trước thì những ai, những tổ chức nào có được khả năng vay vốn vàng kỳ hạn dài tới cả chục năm như vậy, và họ dùng để làm gì?
Còn thực tế hiện nay là các ngân hàng đang phải dùng vốn VND lãi suất 7-8%/năm để mua vàng, chuyển vàng trạng thái thành vàng kinh doanh, để nuôi các khoản cho vay dài hạn lãi suất khoảng 3-4%/năm; rồi sau đó vàng từng là vốn huy động trở thành vàng của chính mình với phập phồng rủi ro giá. Nếu như trước đây, guồng quay vẫn mượt, họ chỉ phải nuôi bằng lãi suất huy động vàng trên dưới 1%/năm, sau đó nhận vàng về trả cho người gửi mà không vướng mắc đến giá.
Can thiệp của chính sách
Mọi sự đã rồi. Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt ngừng cơ chế huy động và cho vay vàng. Mốc hẹn tất toán trạng thái 30/6 sắp tới khó du di một lần nữa. Các ngân hàng liên quan nếu gặp rủi ro, thua lỗ thì… đành chịu. Cũng có quan điểm cho rằng, nhiều năm trước họ đã thu lãi lớn từ vàng, nay “trả lại” một phần mà thôi. Đây là một vấn đề khác, có lẽ còn những góc nhìn khác nhau.
Đáng quan tâm hơn là sự can thiệp của chính sách được đánh giá thế nào?
Trong báo cáo công bố tuần qua, Ngân hàng Nhà nước “tự đánh giá” rằng, sự can thiệp của họ đã loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, từ đó loại trừ khả năng đổ vỡ tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống có nguồn gốc từ hoạt động huy động và cho vay bằng vàng, góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”.
Còn trong một bài viết công bố sáng 3/6, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra cũng nêu một đánh giá: “Cán bộ IMF cho rằng việc Chính phủ yêu cầu các ngân hàng ngừng huy động và cho vay bằng vàng là có hiệu quả trong việc thúc đẩy hơn nữa ổn định khu vực tài chính”.
Theo VnEconomy