Tất toán trạng thái vàng, nhìn lại các ngân hàng chậm trễ

Thứ ba, 04/06/2013, 09:28
 Tính đến thời điểm này, SCB vẫn còn âm trạng thái vàng khoảng 100.000 lượng (tương đương gần 4 tấn).

Giờ G để các NHTM tất toán trạng thái vàng đang cận kề (30/6/2013) và theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng vàng tồn quỹ của các nhà băng đã gần đủ để trả cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn ngân hàng chưa có đủ nguồn vàng để hoàn tất việc đóng trạng thái vàng.

Cung - cầu về vàng đang tiến dần về điểm cân bằng. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vàng, cơ hội để giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới dần rõ hơn sau 23 phiên đấu thầu đã có hơn 22 tấn vàng được NHNN bán ra thị trường.

trạng thái vàng
Phương án xin vay vàng từ NHNN để đóng trạng thái đang được một số TCTD tính đến.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, theo thống kê của NHNN TP.HCM, lượng vàng tồn quỹ của các ngân hàng hiện đạt khoảng 90% số vàng phải chi trả cho người dân. Hiện một số nhà băng chưa đủ vàng để tất toán trạng thái đang gấp rút hoàn tất việc tất toán trạng thái vàng.  

Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP tầm cỡ ở TP.HCM thừa nhận, trạng thái vàng của ngân hàng mình vẫn còn âm một lượng khá lớn. Theo vị Phó chủ tịch HĐQT này, khả năng lần này NHNN sẽ không trì hoãn thời điểm thực hiện việc đóng trạng thái vàng vào 30/6. Vì thế, Ngân hàng sẽ phải dành khoản tiền tương đương với lợi nhuận trong 1 tháng để mua vàng thực hiện việc đóng trạng thái theo quy định.

Được biết, những tháng đầu năm nay, lợi nhuận của Ngân hàng ở mức tương đối ổn định, với mức 250 - 270 tỷ đồng/tháng. Việc mua vàng để cân bằng trạng thái, theo vị Phó chủ tịch trên, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận 3.000 tỷ đồng trong năm nay của Ngân hàng.

Trường hợp cá biệt hơn phải kể đến là SCB, với trạng thái vàng bị âm khá lớn. Năm qua, Ngân hàng đã thực hiện chủ trương mua vàng vật chất để giảm bớt trạng thái âm nguồn vàng, giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động giá và tiết kiệm chi phí cho SCB trên cơ sở cân đối nguồn tiền.

Song đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, SCB vẫn còn âm trạng thái vàng khoảng 100.000 lượng (tương đương gần 4 tấn). Thời điểm cuối năm 2012, tổng trạng thái âm nguồn vàng của SCB là 247.031 lượng vàng (tương đương 9,5 tấn vàng).

Theo ông Minh, SCB là một trường hợp đặc biệt, vì ngân hàng này đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu.

Sở dĩ SCB âm trạng thái vàng lớn là do trong năm 2011, Ngân hàng rơi vào tình trạng mất thanh khoản tiền đồng, nên huy động được bao nhiêu vàng, nhà băng này phải bán hết để chuyển sang tiền đồng giải quyết thanh khoản. Vì thế, với đề án tái cơ cấu đang được SCB đẩy mạnh thì việc còn âm trạng thái nguồn vàng có thể cần cơ chế xử lý riêng cho Ngân hàng.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời hạn các ngân hàng phải đóng trạng thái vàng theo quy định của NHNN. Song theo nguồn tin từ NHNN, các ngân hàng cần tới hơn 10 tấn vàng nữa mới đủ để thanh toán cho người dân.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hiện một số nhà băng chưa thực hiện xong việc tất toán trạng thái vàng đang có hướng đề xuất NHNN cho vay vàng để giải quyết việc tất toán trạng thái. Bởi lẽ các nhà băng hiện còn nhiều hợp đồng cho vay vàng chưa đến kỳ thu hồi nợ, hoặc chưa thu hồi được và nguồn vàng trả nợ NHNN chính là số dư nợ bằng vàng mà các ngân hàng thu hồi trong tương lai.

Theo nhiều chuyên gia, khả năng thị trường sẽ có sự chuyển biến tích cực sau 30/6. Cung vàng trên thị trường được bổ sung, nhưng áp lực về cầu giảm sẽ tác động tích cực lên giá và thị trường kỳ vọng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được kéo lại sát hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Nguyễn Thành Long cho rằng, giá vàng chủ yếu bị tác động bởi yếu tố tâm lý và nguồn cung, nên có thể sau giai đoạn các NHTM thực hiện xong việc tất toán trạng thái vàng theo yêu cầu của NHNN, thị trường vàng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

Chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới cuối tuần qua vẫn ở mức trên 5 triệu đồng/lượng. Lý giải về hiện tượng này, nhiều công ty kinh doanh vàng cho rằng, ngoài nhu cầu của NHTM, còn xuất hiện một lực cầu mới từ người dân sau một thời gian giá vàng giảm từ mức 47- 48 triệu đồng/lượng xuống mức 40 - 41 triệu đồng/lượng.             

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn