Khó tránh cân thiếu
Ngày 27/5, tôi mua 4 trái xoài cân nặng 2,2 kg với giá 47.000 đồng/kg gần khu vực chợ Cô Giang (quận 1 - TPHCM). Thế nhưng, khi về nhà cân lại chỉ còn 1,6 kg. Bực mình, tôi chạy vội xe ra chỗ bán yêu cầu người bán đền bù nhưng họ thẳng thừng tuyên bố: Nếu cân đủ thì 1 kg xoài phải 60.000 đồng, chứ giá 47.000 đồng thì chừng đó là đủ. Nói rồi người bán ngang nhiên thách thức: “Đố chị kiếm được ai cân không thiếu”.
Ảnh minh họa
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Loan (ngụ quận Gò Vấp) cũng nhiều phen phải cãi “tay đôi” với người bán nhưng chẳng ăn thua. Gần đây nhất, chị Loan mua 2 kg tôm sú ở chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) với giá 190.000 đồng/kg. Trước khi chốt giá, chị Loan giao kèo với người bán phải cân đủ, nếu thiếu sẽ trả lại. Người bán mạnh miệng: “Chị cứ đến chỗ khác cân lại đi, nếu thiếu 1 đền gấp 2”.
Tin lời, chị Loan mua ngay. Thế nhưng, khi sang chỗ bán thịt bò gần đó, tiện tay chị cân lại thì 2 kg tôm chỉ còn lại hơn 1,8 kg. Về nhà cân tiếp thì chỉ còn 1,65 kg. Tức mình, chị Loan đem nguyên bịch tôm đến người bán khiếu nại, người này ban đầu chối bay chối biến, chị Loan yêu cầu người bán cân thử 2 kg tôm khác rồi đưa cả 2 bịch lên cân lại thì thấy trọng lượng y chang nhau.
Lúc này người bán mới hạ giọng: “Không cân thiếu thì không có lời, vì tụi tui mua từ mối cũng bị cân thiếu”. Hóa ra, việc cân thiếu là có hệ thống từ người bán đầu tiên qua hàng loạt thương lái đến tay người tiêu dùng.
Siêu thị cũng cân thiếu
Mặc dù dặn lòng là “cạch mặt” với những điểm bán rong, lề đường vì sợ cân thiếu; thế nhưng, khi vào chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), dù được người bán cam kết bao cân thiếu, thậm chí cho cân lại ở điểm cân mẫu nhưng khi tôi mua 1 kg chả cá thác lác với giá 220.000 đồng, về nhà cân lại chỉ còn 0,9 kg. Khi hàng mua đã mang về nhà thì thật khó để khiếu nại với ban quản lý chợ về việc này.
Mới đây, ông Nguyễn Anh Triều (ngụ quận Gò Vấp) phản ánh với báo chí việc ông mua 1 bịch mực tươi đóng gói ở một siêu thị lớn tại quận Gò Vấp nhưng cũng không đủ trọng lượng. Trên bao bì ghi trọng lượng 650 g nhưng khi rã đông xong, miếng mực tươi xẹp lép chỉ còn chưa đầy 200g.
Sau khi khiếu nại, ông Triều nhận được câu trả lời từ phía siêu thị rằng trọng lượng ghi trên bao bì là tính cả lượng đá lạnh kèm theo, vì đây là hàng đông lạnh chứ không phải mực tươi. Nếu cứ theo như cách trả lời này thì rõ ràng người tiêu dùng đang bị siêu thị “úp mở” cả chất lượng lẫn trọng lượng của món hàng.
Đa số cân không hợp chuẩn
Ông Lê Trọng Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cân Nhơn Hòa, cho biết theo quy định, cân hợp chuẩn phải được kiểm định 6 tháng 1 lần; có dán tem kiểm định còn hiệu lực và có dấu kẹp chì của tổ chức kiểm định.
Tuy vậy, hầu hết các cân do tiểu thương sử dụng trên thị trường thường đã bị can thiệp bằng cách mở tháo niêm chì để chỉnh lò xo bên trong, nhích con ốc trên mặt số, nhét vật liệu lạ vào cân, nên chỉ cần người dùng lắc nghiêng cân hoặc để hàng hóa nghiêng một bên là cân sẽ khác đi.
Để phân biệt cân có qua kiểm định hay không, người mua cần chú ý đến niêm chì đặt ở phần thân của chiếc cân. Nếu niêm chì còn trơn láng không có dấu hiệu cạo sửa và tem còn ghi rõ trong thời hạn kiểm định là cân hợp chuẩn.
Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định: Phạt tiền từ 15 triệu - 30 triệu đồng đối với những hành vi làm thay đổi tình trạng kỹ thuật, đặc tính đo lường của phương tiện. Phạt tiền từ 4 triệu - 7 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm định ban đầu đối với phương tiện đo lường trước khi đưa vào sử dụng để định lượng hàng hóa.
Theo NLĐ