Chính sách quản lý thị trường vàng: Được và mất!

Thứ hai, 03/06/2013, 11:37
Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vấn đang ở mức cao nhưng vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì với chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục mở các phiên đấu thầu vàng miếng nhưng với mật độ không còn dày đặc như trước. Giới chuyên gia nhìn nhận: Cung – cầu trên thị trường vàng đã cơ bản ổn định, nhu cầu mua vàng tất toán của các ngân hàng thương mại thấp, thậm chí, nhiều ngân hàng đã mua đủ lượng vàng cần thiết để trả cho người gửi.

Nói như vậy để thấy rằng, nguyên nhân mất cung – cầu trên thị trường vàng khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới gần 7 triệu đồng/lượng đã được giải quyết. Vậy câu hỏi đặt ra là: Khi cung – cầu trên thị trường vàng đã dần cân bằng, tạo thế ổn định thì thị trường vàng mới liên thông?

thị trường vàng 
 Thị trường vàng không còn "sốt" dịch.

Xung quanh vấn đề này, trong văn bản giải trình gửi đến các đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ là một mục tiêu tình thế. Cơ quan này cũng chỉ ra 3 nhóm chính sách quản lý thị trường vàng và những cái được - mất mà nó mang lại thời gian qua.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phân tích: Muốn chấm dứt tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thì thị trường vàng phải có sự liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới. Nhưng để làm được điều này, doanh nghiệp và người dân phải được kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải được phép nhập khẩu hoặc xuất vàng vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu.

Việc áp dụng đồng thời 2 giải pháp trên sẽ đưa giá vàng trong nước và thế giới tương đối trùng nhau (chưa tính đến các yếu tố thuế và phí). Khi đó, nhà đầu tư thông qua tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, có thể mua bán vàng theo giá thế giới vào bất kỳ thời điểm nào. Đồng thời, nhà đầu tư cũng được xuất, nhập khẩu vàng tự do vào Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn lãi diễn biến trên thị trường những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra rằng, việc áp dụng 2 giải pháp sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Cụ thể:

Giai đoạn 2007-2009: Mặc dù Nhà nước không cấp phép, nhưng các sàn vàng đã hình thành một cách tự phát. Trong thời gian này mỗi năm ta cho phép nhập khẩu chính thức khoảng 40-60 tấn vàng nhưng vàng nhập lậu cũng lên tới 50-60 tấn vàng. Mức chênh lệch giá vàng là rất thấp nhưng thị trường vàng lại thể hiện rõ sự bất ổn, các cơn “sốt” vàng xảy ra thường xuyên, tình trạng đầu cơ, làm gì… gây tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối, tỉ giá, chỉ số giá cả cũng như các mục tiêu kinh tế vĩ mô…

Giai đoạn năm 2009-2012: Các sàn vàng chấm dứt hoạt động, kinh doanh vàng tài khoản bị nghiêm cấm, mỗi năm ta cho nhập khẩu khoảng 40-60 tấn vàng nhưng vàng nhập lậu vàng cũng khoảng 40-60 tấn. Mức chênh lệch giá vàng tuy vẫn ở mức thấp nhưng lại cao hơn giai đoạn 2007-2009 và đã gây những tác động xấu đến tỷ giá, chỉ số giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô.

Còn đối với chính sách quản lý thị trường vàng trong giai đoạn hơn 1 năm gần đây từ 2012-2013, khi sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản bị cấm; Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng; Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất kỳ đối tượng nào nhập khẩu vàng; hoạt động nhập lậu cũng bị kiểm soát chặt chẽ, trên thị trường Ngân hàng Nhà nước cũng mới chỉ bán can thiệp khoảng 20 tấn vàng..., chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao và cao hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, cái được của chính sách quản lý thị trường vàng ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng ”vàng hóa” được kiềm chế và đầy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.

Đó chính là cái được mà theo Ngân hàng Nhà nước thì đó sẽ là nền tảng để đưa giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới trong trung và dài hạn.

“Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của Ngân hàng Nhà nước đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế "vàng hóa” nền kinh tế” - Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn