Nhưng gia đình ông Thành rời Sacombank mà không được gì.
Với nguồn lực từ Sacombank trong những năm trước, Thành Thành Công từ một công ty kinh doanh đường đã vươn rộng tầm ảnh hưởng, thâu tóm một loạt các doanh nghiệp sản xuất mía đường. Đã có lúc Thành Thành Công bị đặt nghi ngờ chiếm tới 40% thị phần và lũng đoạn thị trường đường.
Thực sự rất khó để kết luận Thành Thành Công nắm giữ bao nhiêu công ty đường cũng như bao nhiêu thị phần hay lũng đoạn thị trường đường hay không? Bởi vì cơ cấu sở hữu của những “công ty đường liên quan” đến Thành Thành Công là rất phức tạp.
Thành Thành Công chỉ trực tiếp nắm giữ gần 25% cổ phần của Bourbon Tây Ninh và trên 10% của Đường Biên Hòa và Đường Ninh Hòa. Đây là một tỷ lệ nắm giữ không đủ mức chi phối; hơn nữa “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc – vợ ông Thành và con gái Đặng Huỳnh Ức My đều không còn giữ chức vụ chủ tịch hay TGĐ của Thành Thành Công.
Tuy nhiên, các công ty trên cùng một số công ty trong lĩnh vực khác lại tiếp tục nắm giữ lẫn nhau, tạo nên một mối quan hệ chéo dựa trên sự liên kết về sở hữu cũng như quản trị.
Những công ty đường mà Thành Thành Công “có ảnh hưởng lớn” có thể kể đến như Bourbon Tây Ninh, Đường Ninh Hòa, Đường Biên Hòa, SEC Gia Lai, Mía đường 333, Mía đường Phan Rang và sự hiện diện ở một số công ty khác.
Năm 2012, tổng doanh thu của 5 công ty Biên Hòa, Bourbon TN, Ninh Hòa, Mía đường 333 và SEC Gia Lai là hơn 7.200 tỷ đồng và gần 640 tỷ đồng LNST. Dù chỉ bằng 2/3 so với năm 2011 nhưng đây con số đáng kể khi mà hầu hết các doanh nghiệp đường chật vật trong năm vừa qua.
Át chủ bài của Thành Thành Công trong lĩnh vực mía đường hiện là Bourbon Tây Ninh, một trong những công ty mía đường lớn nhất và có lợi nhuận tốt nhất hiện nay do bà Đặng Huỳnh Ức My lãnh đạo. Thành Thành Công và Công ty Thương mại Đầu tư Thuận Thiên (tên cũ là Công ty Đặng Thành) đã mua lại gần 50% cổ phần của Bourbon Tây Ninh từ tập đoàn Bourbon vào năm 2010.
Bourbon Tây Ninh hiện đầu tư nắm cổ phần của 5 công ty khác.
Không chỉ có mía đường
Từng có một thời gian rất nhiều công ty được lập ra mang tên gọi “Sài Gòn Thương tín” như Địa ốc SGTT, Kho vận SGTT, Đầu tư SGTT, Giao dịch hàng hóa SGTT nhưng bẵng đi một thời gian, chỉ còn địa ốc SGTT giữ nguyên tên còn lại đều âm thầm đổi tên; tương ứng là Kho vận Thiên Sơn, Đầu tư Tín Việt và Giao dịch hàng hóa Sơn Tín.
Các công ty này ít nhiều vẫn còn liên quan đến gia đình ông Thành và Thành Thành Công.
Ba công ty trên cùng với Đường Ninh Hòa và XNK Bến Tre đang nắm phần lớn cổ phần của Điện Gia Lai (GEC). Sau khi về với “gia đình Thành Thành Công”, vốn điều lệ của GEC đã được tăng lên gấp đôi và thực hiện nắm giữ cổ phần của một loạt công ty khác trong “gia đình”.
GEC hiện đang sở hữu một số thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên.
Bất động sản là một lĩnh vực được gia đình ông Thành quan tâm. Con trai lớn của ông Thành, ông Đặng Hồng Anh, hiện đang điều hành Địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) - một công ty bất động sản lớn trên sàn chứng khoán.
CTCP Khai thác và quản lý khu công nghiệp Đặng Huỳnh - một công ty con của Thành Thành Công, làm chủ đầu tư một khu công nghiệp ở Long An.
Ở mảng du lịch, Thành Thành Công đầu tư vào một số dự án như khách sạn, khu du lịch ở Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết…
Hiện chủ tịch của Thành Thành Công là bà Nguyễn Thị Kim Vân còn TGĐ là ông Thái Văn Chuyện. Ông Thái Văn Chuyện (34 tuổi) hiện là một trong những nhân vật chủ chốt của hệ thống Thành Thành Công. Ông hiện là chủ tịch của Đường Biên Hòa và Điện Gia Lai, phó chủ tịch thường trực Đường Ninh Hòa. |
Theo Trí Thức Trẻ