Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son đã có cuộc trao đổi, làm rõ hơn những điểm được dư luận quan tâm xung quanh Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối qua (8/9).
Về những điểm tích cực của Nghị định 72, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, mọi quốc gia trên thế giới đều coi trọng tự do ngôn luận, đều có những quy định đảm bảo quyền tự do ngôn luận của con người.
Tuy nhiên, không một quốc gia nào coi quyền tự do ngôn luận là vô hạn, mà luôn đặt trong khuôn khổ luật pháp. Chính vì vậy, ngày 15/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72, rất quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, cũng như động lực để thúc đẩy phát triển Internet và cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet cũng như mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao đổi trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 8/9. |
Nghị định 72 đã đưa ra những nội dung mới, bám sát nguyên tắc phát triển đi đôi với quản lý, quản lý đi đôi với phát triển. Cụ thể, Nghị định động viên, khích lệ người dân tổ chức cung cấp, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng.
Đồng thời cũng đưa ra những điều kiện xây dựng những trang thông tin điện tử đó theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Nghị định cũng quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng Internet, sử dụng thông tin trên mạng.
Một điểm rất mới của Nghị định 72 là đưa ra các nội dung, hành lang pháp lý đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Nghị định quy định cụ thể quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các bộ, ngành khác có liên quan...
Thực tế là hiện nay, có nhiều trang mạng lấy thông tin từ báo chí nhưng không trích nguồn, thậm chí còn biên tập lại và giật tít câu khách, làm sai lệch nội dung thông tin. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: “Những hiện tượng cố tình làm sai lệch các thông tin trên báo chí là vi phạm bản quyền báo chí. Hiện tượng đó cần được xử lý đúng theo các quy định của pháp luật”.
Trong điều 23 của Nghị định đưa ra những loại hình rất cụ thể của các trang thông tin để khẳng định các trang thông tin nào được cung cấp nội dung và chịu chế tài gì. Ví dụ, trang thông tin tổng hợp, trang thông tin nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử chuyên ngành… Để cung cấp thông tin, cá nhân, tổ chức phải đăng ký hoạt động, chịu sự chế tài của pháp luật đối với những hoạt động đó.
Những hoạt động sai lệch làm phương hại đến nội dung báo chí nêu đều được ngăn chặn xử lý kịp thời để đảm bảo tính công khai minh bạch trong thông tin, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm quyền tác phẩm báo chí.
Không có điều nào cấm chia sẻ thông tin trên mạng xã hội
Đề cập việc đưa thông tin thời sự hay thông tin trên báo lên trang cá nhân, cũng như việc chia sẻ thông tin trên trang mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định:
“Nghị định 72 không có điều nào cấm các cá nhân cung cấp, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trong thời gian qua, một số thông tin trên báo chí và mạng xã hội khi viết về Nghị định 72 đã có sự diễn giải chưa đầy đủ và chưa chính xác về nội dung này dẫn tới việc có hiểu lầm”.
Bộ trưởng Son đưa ra dẫn chứng, điều 20 của Nghị định nêu rất rõ về các khái niệm, phân biệt nội dung các trang thông tin điện tử được sử dụng hiện nay.
Trong đó, khoản 4 của điều 20 ghi rõ về trang thông tin điện tử cá nhân: Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân xây dựng trong quá trình sử dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Trong quy định về Quyền và Nghĩa vụ của người sử dụng Internet (điều 10) và Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội (điều 23) hoàn toàn không có điều nào cấm truy cập, khai thác, tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng.
“Riêng thông tin điện tử tổng hợp, những trang cá nhân, trang thông tử điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành… muốn cung cấp thông tin tổng hợp thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật đối với trang thông tin điện tử tổng hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
Theo Kienthuc