AFP đưa tin William Sager, một nhà nghiên cứu của Đại học Houston tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp công bố sự tồn tại của siêu núi lửa lớn nhất thế giới trên tạp chí Nature Geoscience.
Trong bài viết họ nói rằng Tamu Massif, tên của núi lửa, nằm ở độ sâu khoảng 2 km so với đáy Thái Bình Dương. Nó nằm dưới Shatsky Rise, một cao nguyên dưới nước và cách bờ biển phía Đông Nhật Bản khoảng 1.600 km.
Hình minh họa vị trí và hình dạng của siêu núi lửa Tamu Massif. Đồ họa: BBC. |
Với diện tích khoảng 310.000 km2, Tamu Massif giành "ngôi vô địch" của núi lửa Mauna Loa ở quần đảo Hawaii, Mỹ và có thể sánh ngang với núi lửa lớn nhất trong hệ Mặt Trời mà con người từng biết. Nó hình thành từ khoảng 145 triệu năm trước. Sau đó, những dòng nham thạch khổng lồ chảy xuống từ miệng núi lửa tạo nên một khu vực có hình dạng giống chiếc khiên.
Nhóm nghiên cứu dự đoán đỉnh của núi lửa từng nhô lên mặt đại dương và ngày nay nó không thể hoạt động nữa.
"Chúng tôi nghĩ Tamu Massif đã hình thành và hoạt động trong một thời gian tương đối ngắn về mặt địa chất", Sager bình luận.
Giáo sư Sager đã bắt đầu nghiên cứu Tamu Massif từ khoảng 20 năm trước, song trong suốt khoảng thời gian đó, ông không thể xác định nó là một hay nhiều núi lửa.
Olympus Mons, ngọn núi lửa lớn nhất trên sao Hỏa và Thái Dương Hệ, có phần móng khá nông. Nhưng phần chìm của Tamu Massif cắm sâu tới 30 km vào lớp vỏ trái đất.
Sager tin rằng nhiều siêu núi lửa khác đang ẩn nấp bên dưới những cao nguyên dưới đại dương trên khắp hành tinh.
"Chúng tôi không có dữ liệu để nghiên cứu cấu trúc bên trong của những cao nguyên dưới đại dương, song tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu giới khoa học tiếp tục phát hiện những siêu núi lửa lớn hơn cả Tamu Massif", ông phát biểu.
Theo TTVN