Khi biết thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), nhiều người dân Quảng Bình đã vô cùng xúc động và ngưỡng mộ Đại tướng.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Ông nói, lúc đầu ông cũng ngỡ ngàng không hiểu vì sao gia đình của Đại tướng không chọn làng quê của Người để an táng, mà lại chọn Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (huyện của ông).
Vũng Chùa - Đảo Yến nhìn từ xa. |
“Dù sao thì cũng phải tôn trọng sự lựa chọn của gia đình Đại tướng. Hơn thế, có thể lúc còn sống, Đại tướng đã lựa chọn Vũng Chùa – Đảo Yến và nói ước nguyện của mình cho con cháu. Mình càng hiểu hơn, với Đại tướng, quê hương ruột rà được Người coi không chỉ là làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, mà là cả Quảng Bình.
Vũng Chùa - Đảo Yến nằm trong khu vực Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La, dưới chân Đèo Ngang, là nơi mà với tầm phát triển của mươi năm nữa thôi, sẽ là một Khu kinh tế biển, du lịch cực lớn và đầy tiềm năng. Hòn La còn là cảng biển được coi là sâu và lý tưởng nhất nước ta.
Đại tướng đã chọn nơi an nghỉ thật tuyệt vời.
Từ đây, đêm ngày, Người làm bạn với tiếng sóng biển khơi, với cát trắng, với tiếng vi vu của rừng cây phi lao già, với cả những tiếng hót líu lo của ngàn vạn đàn chim yến mùa làm tổ.
Nơi đây, Người thanh thản yên giấc ngàn thu, giữa thiên nhiên, trong đất đai Quảng Bình quê hương.
Và chắc chắn, khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cảnh quan lý tưởng của Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến ở Hòn La này sẽ trở thành một Khu du lịch vừa tâm linh ngưỡng vọng Đại tướng, vừa là nơi nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Và hình như, ngay cả khi nghĩ tới ngày ra đi, Đại tướng của chúng con cũng nghĩ về một vùng quê nghèo Quảng Bình và Người muốn khi mình nằm xuống, danh thế của Người sẽ góp sức làm cho Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến và cả khu kinh tế biển Hòn La - Quảng Bình có sức vươn dậy.
Đại tướng của chúng con là như thế, luôn bên cạnh nhân dân, luôn nằm trong quê hương Quảng Bình yêu dấu.
Và huyện Lệ Thủy, có vinh dự là nơi sinh thành Đại tướng thì huyện Quảng Trạch của mình là nơi ôm ấp giấc ngủ ngàn thu của Người.
Xin đợi ngày đón Người về với Vũng Chùa - Đảo Yến”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Theo người dân địa phương thì đảo Yến là tên gọi xuất hiện sau này, khi có một công ty khai thác, nuôi yến đến hoạt động. Trên đảo có rất nhiều chim yến. Trước kia, người dân gọi là Hòn Nồm theo hướng gió nồm. Khu vực biển Vũng Chùa rất kín gió vì được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. Vì vậy đó là nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Và ngày xưa trên Hòn Nồm có dấu tích nền móng một ngôi chùa lớn nên người dân địa phương gọi đó là biển Vũng Chùa, theo tiếng địa phương là “Vụng Chùa”. Sau này, trải qua thời gian, mưa bão nên không còn dấu ngôi chùa nữa. Đảo Yến cách đất liền tại thôn Thọ Sơn chừng hơn 1 km, có diện tích khoảng 10 ha, khung cảnh trên đảo còn khá hoang sơ. Quang cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến mênh mông, thoáng, đẹp. Đứng trên đảo, nhìn vào đất liền là những bãi cát chạy dài, cây cối xanh tươi. Đảo có nhiều bãi đá đẹp. Từ đảo Yến trông ra xa có thể thấy được Hòn La và Hòn Gió; ba hòn tạo thành một hình tam giác. Những lúc bình minh hay chiều tà, khung cảnh ở đây đẹp mê hồn, chìm ảo như trong cổ tích. |
Theo Kienthuc