Cử hành lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo nghi lễ nào?

Thứ bảy, 05/10/2013, 22:18
Ngay sau thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời hồi 18h09 phút chiều qua (4/10) nhiều người đang chờ đợi việc Đảng, Nhà nước quyết định sẽ tổ chức nghi thức lễ tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp như thế nào?

Hiện nay quy định về tang lễ cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước dựa trên Nghị định 105/2012 (Nghị định 105) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 17/12/2012. Theo nội dung của Nghị định này thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nằm trong danh sách “các đồng chí đang giữ hoặc thôi giữ chức đối với các chức vụ sau khi từ trần được tổ chức lễ Quốc tang”.

Cụ thể theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 105, cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy vậy Khoản 2, Điều 5 Nghị định 105 cũng nêu rõ: "Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế".

Nếu theo đúng như quy định tại Nghị định 105 nghi thức tang lễ nào dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ chiểu theo Điều 21 tổ chức Lễ tang cấp nhà nước. Cụ thể Điều 21 nêu nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước dành cho “Các đồng chí đang giữ chức hoặc thôi giữ chức đối với các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ tang cấp Nhà nước bao gồm: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Đại tướng các lực lượng vũ trang; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945.

Điều 5 của Nghị định 105/2012/NĐ-CP về Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức quy định: Các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang:

1. Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây  khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:
a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
b) Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
d) Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.

Điều 21 Nghị định 105/2012/NĐ-CP về Tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức quy định: Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước

1. Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước:

a) Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
b) Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
d) Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
e) Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
g) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
h) Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân;
i) Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945.

2. Đối với trường hợp người từ trần giữ một trong các chức vụ quy định tại Khoản 1 Điều này mà bị kỷ luật thì việc tổ chức Lễ tang được quy định như sau:

Lễ tang được tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Theo GDVN

Các tin cũ hơn