Thông tin vào hồi 18h ngày 04/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam - đã từ trần tại Bệnh viện 108, hưởng thọ 103 tuổi đã khiến người người nghe tin đều đau buồn.
Với người tiếp xúc nhiều với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Đại tá, Nhà báo Trần Hồng – người chuyên chụp ảnh cho Đại tướng từ năm 1994 thì tin này càng khiến ông hụt hẫng.
Ngay sau khi nhận được tin về Đại tướng, chúng tôi đã tìm đến gác 2 của căn nhà số 3 Đường Thành (Hà Nội) – ngôi nhà của hai vợ chồng Đại tá Trần Hồng đang ở.
Nhà gần đường sắt nên tiếng chuyển động của những chuyến tàu hoả đã trở nên quen thuộc. Nhưng hôm nay, với nhà báo Trần Hồng, những tiếng xịch xịch nặng nề, tiếng còi hú vang xa như càng khiến ông thêm trống rỗng hơn bởi vừa nhận được tin người ông luôn luôn kính trọng và yêu quý từ trần.
Ngồi bên bàn máy tính, ông Hồng lặng mở từng tấm ảnh trong “gia sản” khoảng 2.000 bức ảnh về Đại tướng của mình với đôi mắt buồn bã. Ông mời tôi ngồi vào chiếc ghế đơn. Tôi quan sát, bên cạnh là chiếc ghế đôi để đầy những tấm ảnh về Đại tướng được dán trên giấy. Đại tá Hồng chưa dứt được dòng suy nghĩ của mình với những tấm hình trong máy tính.
Ngồi chờ, chúng tôi có dịp ngắm kỹ hơn những bức ảnh của ông chụp vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong căn phòng khách rộng hơn chục mét vuông, bút tích và bức hình ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Trên giá sách, cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những khoảnh khắc bình dị” với bìa sách in hình Đại tướng đang chơi piano dường như đã được cố tình đặt ở vị trí dễ thấy nhất.
Sau rất nhiều lần nghe điện thoại của những người quen nói về thông tin Đại tướng qua đời, nhà báo Trần Hồng chia sẻ: “Nghe tin về Đại tướng mà tôi thấy hẫng và chới với quá. Từ lúc ăn cơm tối nhận được tin đến giờ chẳng biết làm gì. Có một số báo nhờ tôi viết một vài dòng nhưng tôi cũng không còn tâm trí để viết nữa”.
Là nhà báo vốn tính khiêm tốn, dù biết thông tin Đại tướng qua đời từ một người quen bên cạnh Đại tướng sớm nhưng ông luôn trả lời các cuộc điện thoại hỏi thăm rằng cũng mới chỉ nghe thông tin như vậy. Ông cho rằng ông không có tư cách gì để thông báo chính thức tin này mà “thẩm quyền” đó thuộc về Nhà nước. Với những gì đã làm nên tên tuổi của vị Đại tướng lừng danh này, đó thực sự là thông tin mang tầm cỡ quốc tế.
Nhà báo Trần Hồng chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngồi lặng buồn kể về những ngày tháng chụp ảnh cho Đại tướng, nhà báo Trần Hồng nói: “Tôi vốn thích chụp ảnh chân dung, khi thực hiện bộ ảnh về người mẹ, tôi đã nảy ra ý định chụp ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dù có ý định này từ năm 1973 nhưng vì tự ti và sợ nên tôi đã không dám nói với Đại tướng. Mãi đến năm 1994, tôi mới đem chuyện này ra nói với anh Nguyễn Huyên (Đại tá Nguyễn Huyên – Trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì anh Huyên không đồng ý. Tuy nhiên, khi đề nghị này được chuyển tới Đại tướng, Đại tướng đã đồng ý luôn và cho phép tôi vào chụp Đại tướng bất cứ lúc nào…”.
“Trước đây, khi vào thăm, Đại tướng cầm tay tôi nhưng gần đây sức khoẻ của Đại tướng đã giảm sút. Cách đây 3 ngày, tôi có vào thăm Đại tướng và thấy Đại tướng có vẻ mệt hơn”, Đại tá Trần Hồng kể.
Đang ngồi nói chuyện về Đại tướng, ông bỗng rủ tôi đi dạo quanh phố bằng xe máy. Tiết trời cuối Thu se lạnh, những dòng người vội vã quanh Bờ Hồ vẫn tấp nập vì chưa biết thông tin về Đại tướng mới được đăng tải cách đây ít phút. Chiếc xe của phóng viên trẻ chở nhà báo già như trở nên lạc lõng trong dòng người ấy.
Qua những câu chuyện của nhà báo Trần Hồng, hình ảnh Đại tướng hiện về không chỉ với tư cách của một vị Tổng tư lệnh gần gũi nhân dân mà đó còn là một nhà báo lớn. Buổi đi dạo kết thúc với những bài học sâu sắc cho những người cầm bút.
Một chuyến tàu khác lại lăn bánh qua. Càng đi xa, tiếng tàu càng nhỏ dần như cố kéo thời gian trôi đi xa mãi cùng với sự tiếc nuối vô hạn về một vị Đại tướng kiệt xuất của dân tộc vừa tạ thế.
Theo Xahoi