Là người được Đại tướng tin tưởng giao việc trông coi ngôi nhà lưu niệm ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) hơn 30 năm qua, ông Hàm mở đầu câu chuyện một cách khá kiệm lời: "Đại tướng đã căn dặn tôi, khi thông tin phải hết sức cẩn thận và có trách nhiệm, không biết chính xác thì không được nói".
Không nhớ đã gặp mặt Đại tướng bao nhiêu lần, ông Hàm kể mỗi lần người về thăm quê, căn nhà lại rộn ràng hẳn. Gặp người quen, chỉ cần nhìn mặt là Đại tướng đọc vanh vách họ tên của từng người. Rồi vị tướng chậm bước đi bộ ra thăm chùa An Xá cách nhà chừng 500m, bớt chút thời gian gặp lại bạn bè cùng trang lứa, đến nghĩa trang liệt sĩ huyện thắp nén hương.
Ông Võ Đại Hàm bên chiếc giường Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm nghỉ lại mỗi lần về quê. Ảnh: Nguyễn Đông |
Bữa cơm quê nhà của Đại tướng toàn "đặc sản" là những món ăn dân dã, từ rau muống luộc đến cà muối, cá quả kho. Tối đến, Đại tướng nghỉ lại ngay trên chiếc giường đặt trong buồng ở phía Nam ngôi nhà ba gian hai chái này.
"Còn khi ở Hà Nội, Đại tướng thích thú khi được người ở quê đem cho vài lạng tép khô để nấu canh, chai nước mắm thật ngon hay một lọ dầu tràm nguyên chất", người cháu của Đại tướng tiết lộ.
Theo ông Hàm, Đại tướng có một tâm niệm sâu sắc về hò khoan giã gạo đặc trưng của vùng quê Lệ Thủy này. Khi thưởng thức, Đại tướng cũng hát theo.
"Với anh em họ tộc, người cực kỳ nghiêm khắc. Đại tướng dặn dò 'anh em trong nhà phải tự lực cánh sinh, không được ỷ lại. Đừng có công thần mà phải tự mình phấn đấu, làm giàu được thì tốt nhưng phải làm giàu chính đáng'", ông Hàm kể.
Ông Võ Thanh Bình (61 tuổi, cháu ruột đời thứ tư của tướng Giáp) tiếp lời, trong một lần gặp mặt Đại tướng, ông được chỉ bảo, "Trong cuộc sống phải tự thân phấn đấu và trưởng thành, không dựa dẫm vào người khác".
Nhiều người trong làng dẫn theo cả con nhỏ đến thắp nén hương tại nhà lưu niệm ở quê nhà Quảng Bình, khi nghe tin Đại tướng qua đời. Ảnh: Nguyễn Đông |
Ghi nhớ lời dặn, sau khi rời quân ngũ, dù bị thương liệt tay phải nhưng ông Bình vẫn đăng ký đi học sư phạm, phấn đấu làm đến chức phó hiệu trưởng mới chịu về hưu. "Nếu không có lời dạy của Đại tướng thì tôi đã nghỉ ngang, hưởng chế độ thương binh chứ không được là một người giáo viên như ngày nay", ông Bình chia sẻ.
Với những người thân và xóm giềng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người giản dị, gần gũi. Ông Bình kể khi mới lên 7 tuổi, lần đầu tiên ông được gặp Đại tướng. "Trong đầu tôi lúc đó, Đại tướng hẳn phải là một người oai phong lẫm liệt, nghiêm nghị, dáng người cao lớn", ông kể.
Nhưng khi gặp, mọi thứ đều trái ngược hoàn toàn. Ông Bình và những đứa trẻ đồng lứa ai cũng thích thú khi được tướng Giáp ân cần xoa đầu, cầm chặt bàn tay bé bỏng động viên gắng học hành. "Điều đáng quý là dù xa quê lâu lắm rồi, Đại tướng vẫn giữ được chất giọng Quảng Bình đặc trưng", ông Bình bồi hồi.
Còn cụ Bùi Hữu Đức (84 tuổi) ở ngay phía đối diện căn nhà lưu niệm của Đại tướng, nhớ lại một chuyến thăm của người về xã Lộc Thủy: "Khi đó tôi cùng các xã viên đang trồng lúa. Đại tướng cùng phu nhân Đặng Thị Hà ngồi trên chiếc xe zeep về đến đầu làng. Thấy bà con, Đại tướng quay sang bảo vợ: "Hà ơi, chào bà con xã viên đi Hà".
Ông Đức hồi tưởng những kỷ niệm với tướng Giáp. Ảnh: Nguyễn Đông |
Ông Đức bảo, những lần Đại tướng về quê đều có xe trước, xe sau, quân đội bảo vệ nghiêm ngặt, hàng xóm láng giềng muốn nhìn mặt cũng chỉ lấp ló. "Nhưng sự gần gũi của Đại tướng thì ai ai ở cái làng An Xá này cũng biết. Nhà nào thích chụp ảnh lưu niệm, bác đều sẵn lòng. Đại tướng còn nói rằng 'trước đây một người làm quan cả họ được nhờ, còn bây giờ một người làm quan cả nước phải được nhờ'".
Đôi tay run run thắp nén hương trên bàn thờ gia tộc để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thầy giáo Nguyễn Văn Bồi (74 tuổi, người xã An Thủ) cho biết những năm sau ngày giải phóng, ông dạy học ở Lộc Thủy và được giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn học sinh ra đón, tặng hoa mỗi lần Đại tướng về thăm quê.
"Dù không được tiếp chuyện trực tiếp với Đại tướng lần nào, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự gần gũi từ vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ở những cái bắt tay siết chặt, những lời căn dặn thấu tình đạt lý. Lời người bảo ban thầy trò gắng học tập rèn luyện trong điều kiện nước nhà còn khó khăn trăm bề, để mai này giúp sức phát triển quê hương làm tôi luôn ghi nhớ", thầy giáo Bồi nói.
Bận rộn với công việc chuẩn bị tang lễ, ông Võ Đức Tôn (77 tuổi) cho biết ông nội của mình và bố Đại tướng là hai anh em ruột. "Bọ (bố) tôi là cụ Võ Tào kể lại, bác Giáp là người ham học, lúc nào cũng ôm khư khư cuốn sách ra gốc cây mưng ven sông Kiến Giang ngồi đọc. 14 tuổi, bác ấy xa quê rồi sau đó về tuyên truyền cách mạng, rắn rỏi, thông minh, mưu trí và quyết liệt", ông kể.
Thầy giáo Bồi lặng người thắp nén hương trên bàn thờ họ tộc của tướng Giáp. "Đại tướng được yên nghỉ tại quê nhà, tôi sẽ thường xuyên lên thăm người", thầy nói. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Đại tướng luôn nặng lòng với quê hương", ông Tôn nói và kể ngày 24/8/1999, ông cùng các anh em họ tộc ra Hà Nội mừng thọ Đại tướng.
"Chúng tôi tặng bác tấm ảnh Quảng Bình Quan. Bác rất xúc động và bảo 'Mấy đứa bay hiểu bác đấy. Mỗi lần nhớ quê, tấm ảnh này sẽ làm bác nguôi ngoai hơn'".
Dịp nào Đại tướng về Quảng Bình, người cháu ruột Võ Thị Trang (69 tuổi) không quên hầm nồi cháo chim bồ câu để người bồi bổ sau mỗi buổi nói chuyện với gia đình.
"Sống phải luôn vui vẻ và cũng đừng bức xúc chuyện gì. Như bác đây, công việc chi Đảng đã phân công thì không bao giờ từ chối mà phải gắng hết sức hoàn thành", lời của tướng Giáp được bà Trang ghi nhớ.
Theo VnExpress